Phân bón giả- thiệt hại không thể tính bằng tiền

Kỳ cuối: Cần mạnh tay loại trừ tội ác

Cập nhật, 15:08, Thứ Ba, 01/11/2016 (GMT+7)

Nông dân than lỗ, doanh nghiệp (DN) chân chính than khổ, ngành chức năng kêu khó. Việc phối hợp giữa dân- DN- ngành chức năng vẫn còn lòng vòng, luẩn quẩn. Trong khi đó, cuộc chiến chống phân bón (PB) giả, kém chất lượng này rất cần sự đồng lòng, chung tay góp sức.

Điều kiện sản xuất phân bón rất quan trọng, phải kiểm soát từ gốc- các cơ sở sản xuất.
Điều kiện sản xuất phân bón rất quan trọng, phải kiểm soát từ gốc- các cơ sở sản xuất.

Cơ sở kinh doanh còn thờ ơ

Là vùng sản xuất nông nghiệp trọng điểm của cả nước, hàng năm, nhu cầu sử dụng PB của vùng ĐBSCL rất nhiều. Lợi dụng điều này, ngày càng có nhiều DN sản xuất PB giả, kém chất lượng vì đây là một thị trường béo bở. Và muốn tuồn được hàng giả, kém chất lượng được tiêu thụ, các DN này phải thông qua “cầu nối”- chính là các đại lý, cơ sở kinh doanh.

Thời gian qua, không ít cơ sở vì hám lợi nhuận mà sẵn sàng tiếp tay để PB giả, kém chất lượng, được tiêu thụ sau đó lại thoái thác trách nhiệm hoặc thản nhiên trả lời “không biết”.

Theo đoàn kiểm tra liên ngành 389 tỉnh, chúng tôi ghi nhận vẫn còn không ít cơ sở kinh doanh PB thờ ơ với chất lượng hàng hóa.

Như khi được hỏi lấy hàng ở đâu, hiểu rõ chất lượng không thì chủ đại lý ở Nhơn Bình (Trà Ôn) trả lời: “Những loại sản phẩm này là có nhân viên tiếp thị đến gửi cửa hàng bán dùm, bán được mới đến lấy tiền nên không biết, chỉ thấy bán được thì lấy hàng, thấy có cơ sở sản xuất, địa chỉ rõ ràng thì bán thôi”.

Bức xúc vì tình trạng cơ sở kinh doanh “dắt”, chú Nguyễn Trí Hùng (xã Chánh Hội- Mang Thít) nói: Nhiều khi đại lý tư vấn vòng vòng, giới thiệu cái này tốt, rẻ, chất lượng y chang.

Có người đâu biết chữ, không có tiền mặt mua phân, phải mua chịu nên đại lý nói sao nghe vậy. Khi không có hiệu quả, đến hỏi thì họ nói công ty đưa sao bán vậy hoặc đổ lỗi xài không đúng kỹ thuật, bảo quản không tốt...

Nông dân tụi tui cũng chỉ biết “ngậm bồ hòn làm ngọt”, chứ biết bắt đền ai. Lạng quạng đại lý không bán gối đầu là khổ nữa”.

“Cơ sở kinh doanh PB chính là nơi PB giả tấn công và tồn tại được nên họ phải có trách nhiệm, chứ không thể ngoài cuộc. Nếu không có sự tiếp tay của nơi này thì làm sao PB giả đến tay nông dân được”- đó là nhận định của ông Đinh Văn Vụ- Phó Giám đốc Nhà máy PB Cửu Long.

Theo ông, đã kinh doanh phải biết và hiểu rõ về chất lượng hàng hóa của mình, không thể chối bỏ trách nhiệm.

Về vấn đề này, ông Phạm Tứ Phương- Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Công thương tỉnh Vĩnh Long khẳng định: Qua nhiều lần kiểm tra, tuyên truyền, nhưng các cơ sở kinh doanh vẫn chưa có ý thức cao để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Vì vậy, lần này, chúng tôi cũng cương quyết xử lý các điểm bán vi phạm.

Trong khi đó, vẫn còn một số DN vi phạm, khi bị xử phạt vẫn tỏ thái độ bất hợp tác, tiếp tục lôi kéo điểm bán để “lấy lại những gì đã mất”.

Ông Phạm Tứ Phương nói thêm: Vì lợi nhuận nên một số cơ sở vẫn còn đối phó với cơ quan chức năng. Cụ thể như, một DN trong đợt một lấy 3 mẫu, 3 mẫu đều vi phạm, chưa xử lý thì tiếp tục DN này lại tuồn hàng vào các điểm kinh doanh và tuyên bố: “Kiểm tra rồi, không bao giờ kiểm tra nữa, phải bán tiếp để gỡ lại những gì đã mất”. Đây là vấn đề không thể chấp nhận được.

 

Nhiều nông dân đề nghị, trong quá trình kiểm tra, xử lý, cần tăng mức xử lý đối với các cơ sở sản xuất kinh doanh bởi vi phạm mà chỉ phạt tiền thì cơ sở không ngán, không đủ sức răn đe.

 

Phải công khai, minh bạch tên các cơ sở vi phạm, đối với các DN vi phạm nhiều lần phải rút giấy phép hoạt động. Bên cạnh đó, các DN sản xuất lớn, có uy tín đưa ra các dấu hiệu nhận biết, phân biệt thật- giả rõ ràng để nông dân nhận biết, cảnh giác.

 

Thêm vào đó, phải kiểm tra thường xuyên, xử lý đến nơi, đến chốn, vì khi ngành chức năng phát hiện một chỗ, những chỗ vi phạm khác sẽ “im hơi lặng tiếng” một thời gian rồi tiếp tục hoạt động.

 

Đồng thời, cần xử lý nghiêm đối với các cán bộ có dấu hiệu bao che, tiếp tay cho PB giả.

 

Thủ đoạn tinh vi

Thiếu kiến thức, không nhận biết được chất lượng sản phẩm, nhiều nông dân đã bị “móc túi” khi mua nhầm PB giả, kém chất lượng. Và một trong những thủ đoạn “cũ nhưng xài được hoài” là ghi thông tin mập mờ, gây nhầm lẫn cho nông dân và bán với giá rẻ hơn.

Một số DN tổ chức hội thảo quảng cáo đến “tận mây xanh” chất lượng PB rồi thêm khuyến mãi, quà tặng. Hay, trên nhãn ghi “nguyên liệu nhập từ USA, Philippines, Japan” hoặc chữ “Technology from USA, Technology from Japan”... nhưng thực chất sản xuất bằng công nghệ Trung Quốc, công nghệ “cuốc, xẻng”.

Ông Lê Hồng Bảy- Phó Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường (QLTT) Đồng Tháp nói: Dụng cụ các cơ sở chế biến PB giả rất đơn giản, chỉ từ bột, đá, đất đỏ, đất sét, các chất tạo màu, công nghệ sản xuất thô sơ, như: máy trộn, cuốc, xẻng... Những cơ sở này thường núp trong vùng sâu vùng xa, sau một thời gian thì thay đổi địa điểm hoạt động.

Song song đó, ông Nguyễn Xuân Hiệp- Phó Giám đốc Sở Công thương, Chi cục trưởng Chi cục QLTT tỉnh Trà Vinh cho biết thêm: Trên bao bì PB cung cấp thông tin sai sự thật, không trung thực về chất lượng sản phẩm.

Cụ thể, phân NPK 20.20.15 trên bao bì thể hiện hàm lượng N 20%, P2O 20%, K2O 15%, tuy nhiên trong hồ sơ công bố chất lượng hàm lượng từng chỉ tiêu chỉ có từ 10-15%. Bên cạnh đó, nhiều hành vi có tính chất chuyên nghiệp là trà trộn giữa hàng chất lượng và hàng kém chất lượng, bán số lượng ít nhằm tiêu thụ nhanh.

Ông Đỗ Hữu Quang- Chi cục phó Chi cục QLTT tỉnh Vĩnh Long cho biết thêm: Nhiều cơ sở sản xuất trực tiếp xuống tận nhà để nông dân đặt số lượng PB rồi hẹn ngày giao, không thông qua cửa hàng để tránh đoàn kiểm tra đến lấy mẫu. Và hầu hết những trường hợp này đều có chất lượng không đảm bảo.

Đồng thời, cần xử lý nghiêm đối với các cán bộ có dấu hiệu bao che, tiếp tay cho PB giả.

Ngành chức năng cần siết chặt quản lý chất lượng phân bón.

Cần sự đồng lòng, chung sức

Trong cuộc chiến chống PB giả, kém chất lượng rất cần sự chung tay của các cấp ngành, DN lẫn người dân. Song, thời gian qua, vẫn còn không ít DN đứng ngoài cuộc, chấp nhập “sống chung” với hàng giả.

Bởi, hàng giả, kém chất lượng chỉ bị phát hiện khi DN bị làm giả khởi kiện hoặc cơ quan chức năng tự kiểm tra. Song, nhiều DN không thông tin đến ngành chức năng vì sợ doanh thu sẽ giảm hoặc DN cho rằng hàng giả chiếm thị phần không lớn nên... bỏ qua.

Không chỉ vậy, một vướng mắc tồn tại khiến PB giả nhanh chân “chạy” vào nhà nông dân trước khi bị xử lý là thời gian kiểm nghiệm chất lượng kéo dài. Khó phân biệt PB thật- giả bằng mắt thường, nên khi kiểm tra không thể đánh giá kết luận ngay được mà phải qua quá trình kiểm nghiệm chất lượng.

Tuy nhiên, khi có kết quả, phát hiện sai phạm, áp dụng biện pháp khắc phục là thu hồi sản phẩm không đảm bảo chất lượng thì hàng hóa đã ra hết ngoài ruộng, vào vườn.

“Thêm vào đó, mức độ chênh lệch khi kiểm nghiệm giữa các đơn vị “mỗi nơi mỗi khác, như có nơi 5% có nơi 10%, khi xác định vi phạm rất khó đánh giá”- ông Lê Hồng Bảy lý giải thêm.

Để dẹp nạn PB giả, kém chất lượng hoành hành, một trong những biện pháp quan trọng được đề ra là phải kiểm soát ngay từ gốc- nhà sản xuất. Không thể dựa vào kiểm tra hàng hóa được bày bán trên thị trường để ngăn chặn tình trạng PB giả.

Theo ông Đinh Văn Vụ, không có đủ điều kiện sản xuất tốt nhất không sản xuất. Mỗi nhà máy sản xuất PB phải có phòng hóa nghiệm để biết chất lượng sản phẩm làm ra như thế nào.

Ngành chức năng có thể kiểm tra đột xuất tại nhà máy, lấy mẫu ở phòng hóa nghiệm để kiểm nghiệm, để kịp thời ngăn chặn cơ sở sản xuất không bảo đảm điều kiện về công nghệ, thiết bị và nhân lực. Đây chính là lỗ hổng lớn bởi điều kiện sản xuất PB là vô cùng quan trọng.

Theo ông Phạm Tứ Phương: “Thực trạng này không thể 1-2 ngày chấm dứt được nhưng chúng tôi sẽ quyết liệt kiểm tra, trong năm 2016 cố gắng lập lại trật tự trên lĩnh vực giá và chất lượng PB”.

Chống PB giả, kém chất lượng là cuộc chiến không của riêng ai, mà bắt buộc phải cần sự chung sức, đồng lòng của các cấp ngành, mọi tầng lớp người dân mới có thể đẩy lùi vấn nạn, giảm thiệt hại và bảo vệ quyền lợi cho nông dân, nhà sản xuất chân chính.

 

TS. Vũ Tiến Khang- Trưởng Bộ môn Kỹ thuật canh tác- Viện Lúa ĐBSCL:

Bên cạnh việc ngành chức năng cần tăng cường kiểm tra, bà con khi mua hàng phải chọn cơ sở kinh doanh có thương hiệu, uy tín, không mua hàng trôi nổi, không nên ham rẻ.

 

Đồng thời, để hạn chế sử dụng PB giả thì có thể ngâm phân thử trước khi sử dụng xem phân có tan không, như vậy đỡ thiệt hại hơn. Khi muốn sử dụng loại PB mới, bà con nên mua dùng thử một ít, không nên mua số lượng quá nhiều, tránh tình trạng “tiền mất tật mang”.

 

Bên cạnh đó, các DN lớn cũng nên trang bị thêm máy móc thiết bị hiện đại để hạ giá thành sản phẩm.

Bài, ảnh: THẢO LY