Vĩnh Long- trên đường phát triển

Cập nhật, 05:25, Thứ Bảy, 03/09/2016 (GMT+7)

Trong từng giai đoạn phát triển, nền kinh tế của Vĩnh Long đã có những bước nhảy vọt ấn tượng. Với giai đoạn từ năm 1992- 2012, quy mô kinh tế tăng gấp 5 lần, thu nhập bình quân đầu người tăng gấp 18 lần.

Theo Ban Quản lý các khu công nghiệp, giá trị 1ha đất công nghiệp tạo ra 51 tỷ đồng và giải quyết khoảng 135 lao động trực tiếp.
Theo Ban Quản lý các khu công nghiệp, giá trị 1ha đất công nghiệp tạo ra 51 tỷ đồng và giải quyết khoảng 135 lao động trực tiếp.

Riêng trong giai đoạn 2010- 2015, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Vĩnh Long đã tạo sự chuyển biến tích cực và toàn diện trên mọi lĩnh vực, đưa Vĩnh Long trở thành tỉnh phát triển trung bình khá của khu vực.

Đó là nền tảng vững chắc để Vĩnh Long “cất cánh” trên đường phát triển mới, hướng tới trở thành tỉnh khá khu vực ĐBSCL.

Kiến tạo những nền tảng cơ bản

Ông Lê Quang Trung- Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh- từng nhấn mạnh mục tiêu của Vĩnh Long là trở thành điểm đến tin cậy của các nhà đầu tư.

Để thực hiện mục tiêu này, tỉnh đã tận dụng những lợi thế của mình cải thiện môi trường đầu tư, thu hút các nguồn lực đầu tư phát triển kinh tế- xã hội.

Với nền tảng nông nghiệp, Vĩnh Long đã định hướng phát triển theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa gắn với giải quyết vấn đề nông dân, nông thôn.

Trong khi đó, phát triển sản xuất công nghiệp theo hướng nâng cao chất lượng, tăng sức cạnh tranh, với những sản phẩm có giá trị gia tăng cao. Thương mại- dịch vụ từng bước đa dạng hóa, phát triển theo hướng kinh tế hiện đại.

Đặc biệt, trong giai đoạn 2010- 2015, tỉnh rất chú trọng đầu tư xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế- xã hội kết hợp đa mục tiêu, dần hoàn chỉnh hệ thống giao thông cấp tỉnh, nâng cấp giao thông cấp huyện và khu vực nông thôn.

Cùng với đó, các chính sách khuyến khích đầu tư dần cởi mở thông thoáng cho người dân làm ăn. Đó là động lực mạnh mẽ giúp các thành phần kinh tế phát triển, góp tay xây dựng quê hương.

Đáng ghi nhận, theo Sở Kế hoạch- Đầu tư, quá trình hội nhập WTO (từ năm 2007) đã tạo chuyển biến tích cực trong tư duy kinh doanh của doanh nghiệp, tạo sự chủ động và cạnh tranh lành mạnh.

Các chương trình xúc tiến, thu hút đầu tư đã bổ sung nguồn lực phát triển kinh tế địa phương, giúp doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh.

Tỉnh đã có thêm nhiều doanh nghiệp mới, sản phẩm mới, ngành nghề kinh doanh mới góp phần tăng quy mô nền kinh tế.

Điển hình như Công ty CP Sản xuất Kinh doanh Xuất Nhập khẩu Vĩnh Long đã xuất khẩu hàng thủ công cán mốc 35 triệu USD vào năm 2015, mà trên thế giới “chưa có doanh nghiệp nào sản xuất kinh doanh mặt hàng này đạt đỉnh đó”- lãnh đạo công ty cho biết.

Làm “đường băng” cho kinh tế cất cánh

Cùng với việc tận dụng các chủ trương chung, Vĩnh Long bắt đầu hoạch định các kế hoạch phát triển khu- tuyến công nghiệp, khuyến khích các thành phần kinh tế, đồng thời xây dựng chính sách thu hút đầu tư.

Sản xuất công nghiệp với khu công nghiệp (KCN) “kiểu mẫu” Hòa Phú giai đoạn 1 làm nền tảng cho giai đoạn 2. KCN Bình Minh ưu tiên những dự án công nghệ cao, ít ô nhiễm.

Tuyến CN Cổ Chiên đã đem CN về nông thôn ngày càng sôi động… Hiệu quả từ đường lối “công nghiệp hóa” đã nhìn thấy từ thực tế và qua những con số.

Số liệu mới nhất từ Ban Quản lý các KCN, từ khi hình thành các KCN và tuyến CN Cổ Chiên (khu IV) đến nay đã thu hút được 45 dự án, tạo việc làm cho gần 29.000 lao động, tăng thu nhập, đảm bảo đời sống cho người dân, hạn chế tệ nạn; góp phần đảm bảo an sinh xã hội, phát triển kinh tế- xã hội
của tỉnh.

Cụ thể, giá trị sản xuất CN năm 2015 đạt hơn 10.088 tỷ, tăng hơn 16% so với năm 2014, chiếm tỷ trọng 35,16% sản xuất CN cả tỉnh. Ước năm 2016 đạt 11.600 tỷ đồng, tăng 15%.

Xuất khẩu ước chiếm tỷ trọng hơn 80% của cả tỉnh, với 225 triệu USD. Giá trị sản xuất trung bình 1ha đất CN tạo ra 51 tỷ đồng (đất nông nghiệp bình quân khoảng 50 triệu đồng).

Một con số ấn tượng khác nữa là, bình quân 1ha đất CN giải quyết khoảng 135 lao động trực tiếp (còn 1ha đất nông nghiệp trung bình của cả nước chỉ thu hút khoảng 10- 12 lao động).

Cùng với các khu- tuyến CN đã hình thành, Ban Quản lý các KCN cho biết Vĩnh Long cũng được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận bổ sung vào quy hoạch các KCN ưu tiên thành lập đến năm 2020 là: KCN Đông Bình 350ha, KCN Bình Tân 400ha, KCN An Định 200ha.

Hiện đang thực hiện lập quy hoạch KCN Đông Bình (TX Bình Minh) và xúc tiến mời gọi đầu tư hệ thống kết cấu hạ tầng KCN.

Tiếp nối những kết quả đó, năm 2016- là năm đầu thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Vĩnh Long lần thứ X (nhiệm kỳ 2015- 2020), năm đầu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội 5 năm (2016- 2020), Tỉnh ủy, HĐND và UBND tỉnh đã xác định một trong những mục tiêu trọng tâm là: tiếp tục giữ vững ổn định kinh tế, duy trì tốc độ tăng trưởng hợp lý, kinh tế phát triển bền vững; tập trung thực hiện 3 đột phá chiến lược gắn với tái cơ cấu nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng lực cạnh tranh và hiệu quả của nền kinh tế.

Trên đường phát triển mới, mở cửa mời gọi, thu hút vốn đầu được coi là một trong những chủ trương lớn của tỉnh nhằm huy động ngoại lực để thúc đẩy nội lực và khai thác tiềm năng sẵn có của tỉnh. Chủ động, tích cực tạo mọi điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế- xã hội.

Theo phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế- xã hội tỉnh Vĩnh Long 2016- 2020, sẽ xây dựng tỉnh Vĩnh Long thành vùng đô thị sinh thái xanh- sạch- đẹp, phát triển hài hòa giữa đô thị và nông thôn, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân; đẩy mạnh phát triển công nghiệp và dịch vụ theo hướng công nghệ và chất lượng cao; từng bước hình thành nền kinh tế tri thức dựa trên nguồn nhân lực có chất lượng; tăng cường quốc phòng- an ninh, giữ vững ổn định chính trị và trật tự an toàn xã hội.

Liên kết với Cần Thơ, phát triển thành vùng kinh tế động lực, trung tâm kinh tế, đào tạo, văn hóa và khoa học kỹ thuật của vùng ĐBSCL, góp phần cùng cả nước thực hiện thành công mục tiêu xây dựng nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp vào năm 2020.

Bài, ảnh: TRẦN PHƯỚC