Ngân hàng Việt Nam đang hấp dẫn dòng vốn ngoại

Cập nhật, 09:42, Thứ Ba, 06/09/2016 (GMT+7)

Theo Fitch Ratings, dòng vốn ngoại ngày càng trở nên quan trọng đối với các ngân hàng khi đang chuẩn bị để thí điểm áp dụng tiêu chuẩn Basel II...

Cơ quan xếp hạng tín dụng lớn và uy tín hàng đầu thế giới - Fitch Ratings - vừa có đánh giá: Kinh tế Việt Nam mạnh mẽ đang là lực hút đối với dòng vốn nước ngoài đầu tư vào hệ thống ngân hàng của Việt Nam.

Dòng vốn ngoại ngày càng trở nên quan trọng đối với các ngân hàng khi đang chuẩn bị để thí điểm áp dụng tiêu chuẩn Basel II (quy định về an toàn vốn) vào cuối năm 2018 trong khi vẫn phải thực hiện nhiệm vụ đáp ứng nhu cầu tăng trưởng tín dụng.

Fitch Ratings cho biết, Quỹ đầu tư quốc gia của Singapore GIC vừa ký kết biên bản ghi nhớ mua 7,7% cổ phần của Ngân hàng Thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank). Trước đó, IFC đã mua 5% cổ phần tại một ngân hàng có quy mô nhỏ hơn là TienPhong Bank.

Theo các chuyên gia của Fitch, dòng vốn ngoại đổ vào Việt Nam trong thời điểm hiện tại là một xu hướng tích cực, giữa lúc kinh tế phát triển mạnh, giúp bình ổn chất lượng tại sản.

Fitch Ratings dự báo tăng trưởng GDP thực tế của Việt Nam trong năm 2016 và 2017 đều đạt 6,2%. Nền kinh tế tăng trưởng mạnh hơn, cùng với đà hồi phục trên thị trường bất động sản sẽ giúp giảm tốc quá trình hình thành nợ xấu, ít nhất trong ngắn hạn.

Thanh khoản và khả năng huy động vốn nên tiếp tục được hỗ trợ bởi sự ổn định nội tệ và lạm phát thấp. Đánh giá về triển vọng về ngành ngân hàng được Fitch sửa đổi từ mức tiêu cực trong tháng 12/2015 lên mức ổn định trong báo cáo phân tích mới nhất. 

Fitch cũng lưu ý xếp hạng tín nhiệm của các ngân hàng Việt Nam vẫn ở mức thấp nhất Châu Á, cho thấy trong hệ thống cấu trúc ngân hàng còn nhiều vấn đề, nhất là thiếu vốn. Tình trạng này biểu hiện rõ ở hệ số an toàn vốn (CAR) thấp và nợ xấu cao.

Fitch Ratings còn cho biết, có 10 ngân hàng đã được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quyết chỉ định thực hiện áp dụng đầy đủ phương pháp quản trị vốn và rủi ro theo tiêu chuẩn Basel II vào cuối năm 2018.

Fitch tin tưởng rằng, các ngân hàng có CAR gần mức sàn 9% sẽ cần thêm vốn. Chẳng hạn như ngân hàng Vietcombank có CAR chỉ đạt 9,7% theo tiêu chuẩn Basel I vào cuối tháng 6/2016. Có thể Basel II chính là một trong những động lực chính để ngân hàng này ký kết với GIC.

Bên cạnh đó, theo Fitch, tăng trưởng tín dụng nhanh cũng đòi hỏi tăng vốn. Cụ thể, tín dụng ở phân khúc tư nhân tăng trưởng trung bình 16,4% trong giai đoạn 2010 - 2014, và tăng 17,3% trong năm 2015, đang phấn đấu đạt mục tiêu tăng trưởng 18 - 20% trong năm 2016.

Với thực tế này, Fitch cảnh báo tăng trưởng tín dụng nhanh có thể làm nảy sinh rủi ro với tính ổn định tài chính trong trung hạn của Việt Nam. Tỉ lệ tín dụng/GDP đạt 110,5% vào năm 2015, tỷ lệ này rất cao so với tiêu chuẩn của các thị trường lân cận.

Fitch đánh giá, sự gia tăng bền vững vốn ngoại là điều tốt đối với ngành ngân hàng Việt Nam. Tuy nhiên, khả năng huy động vốn từ nước ngoài vẫn bị hạn chế vì trần sở hữu khối ngoại chỉ là 30% và nhà đầu tư nước ngoài chỉ được sở hữu tối đa 20%.

Do đó, tạm thời ngân hàng Việt vẫn phải huy động phần lớn vốn từ nội địa, cho đến khi giới hạn sở hữu khối ngoại được giãn./.

Theo Xuân Thân/VOV.VN