Giá dầu thế giới xuống mức thấp nhất trong vòng 3 tháng qua

Cập nhật, 16:25, Thứ Ba, 26/07/2016 (GMT+7)

Mối lo về tình trạng dư cung trên toàn cầu vẫn đang là yếu tố chi phối thị trường năng lượng thế giới trong phiên giao dịch ngày 25/7.

Ảnh minh họa. (Nguồn: xpatnation.com)
Ảnh minh họa. (Nguồn: xpatnation.com)


Chốt phiên trên sàn giao dịch New York, Mỹ), giá dầu thô ngọt nhẹ WTI giao tháng 9/2016 giảm 1,06 USD xuống 43,13 USD/thùng, mức thấp nhất trong ba tháng qua. 

Trên sàn giao dịch London (Anh), giá dầu Brent Biển Bắc giao cùng kỳ hạn giảm 97 cent xuống 44,72 USD/thùng, rớt xuống mức “đáy” kể từ tháng 5 vừa qua.

Giá dầu giảm một phần là do Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) tuần trước công bố báo cáo cho thấy lượng dầu thô dự trữ tại nước này đã giảm ít hơn dự kiến, chỉ khoảng 2,3 triệu thùng.

Trong khi đó, dự trữ xăng của Mỹ lại tăng 900.000 thùng lên 241 triệu thùng vào lúc "cao điểm" của mùa du lịch. 

Theo báo cáo mới nhất của công ty dịch vụ dầu khí Baker Hughes, tính tới ngày 22/7, số lượng giàn khoan dầu đang hoạt động tại Mỹ tăng 14 giàn lên 371 giàn, đánh dấu tuần tăng thứ tư liên tiếp.

Thêm vào đó, giới phân tích cho hay đồng USD mạnh cũng gây sức ép lên nhu cầu “vàng đen”, khiến giá mặt hàng được giao dịch bằng đồng tiền này trở nên đắt đỏ hơn.

Diễn biến bất lợi trên thị trường dầu mỏ thế giới đã tác động tiêu cực tới thị trường chứng khoán Phố Wall ngày 25/7 khiến các mã cổ phiếu đồng loạt sụt giảm trong bối cảnh giới đầu tư đẩy mạnh hoạt động bán ra chốt lời.

Chốt phiên các chỉ số Dow Jones, S&P 500 và Nasdaq lần lượt giảm 0,4%, 0,3% và 0,1% xuống các mức tương ứng 18.493,06 điểm, 2.168,48 điểm và 5.097,63 điểm.

Trong khi đó, ở bên kia bờ Đại Tây Dương, giá các chỉ số chứng khoán châu Âu (trừ chỉ số FTSE 100 trên sàn London) lại tăng lên trước thông tin tâm lý doanh nghiệp Đức không chịu ảnh hưởng nhiều từ sự kiện cử tri Vương quốc Anh lựa chọn rời khỏi Liên minh châu Âu (EU). 

Cụ thể, chỉ số DAX 30 trên sàn Frankfurt và chỉ số CAC 40 trên sàn Paris lần lượt tăng 0,5% và 0,2% lên 10.198,24 điểm và 4.388,00 điểm, trong khi chỉ số EURO STOXX 50 gần như không thay đổi ở mức 2.969,37 điểm.

Cùng ngày, đà giảm của giá vàng thế giới đã chững lại trong bối cảnh đồng USD và chứng khoán toàn cầu đi xuống trước thềm cuộc họp chính sách của Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) và Ngân hàng trung ương Nhật Bản (BoJ).

Chốt phiên trên sàn COMEX (Mỹ), giá vàng giao tháng 8/2016 giảm 3,9 USD (0,29%) xuống 1.319,50 USD/ounce.

Giá kim loại quý này đã giảm tuần thứ hai liên tiếp sau khi đã chạm mức đỉnh của hơn hai năm qua vào đầu tháng Bảy - thời điểm vàng được hưởng lợi khi các cử tri Anh chọn rời Liên minh châu Âu (EU)./

Theo TTXVN