Đầu tư nông nghiệp hôm nay, hình ảnh nông nghiệp ngày mai

Cập nhật, 08:15, Thứ Bảy, 23/07/2016 (GMT+7)

GS.TS Bùi Chí Bửu- Viện trưởng Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp miền Nam, đã khẳng định như vậy, tại Diễn đàn doanh nghiệp ĐBSCL tổ chức gần đây.

Theo ông, với đóng góp của nông dân trồng lúa, ĐBSCL chiếm 20- 25% thị trường gạo quốc tế, xuất khẩu nông sản Việt Nam hàng năm đạt 30/15.000 tỷ USD nông sản xuất khẩu toàn cầu- người ta gọi đó là “ấn tượng Việt Nam” trong nông nghiệp thế giới.

Tuy vậy, một “ấn tượng” khác cần suy nghĩ là khoa học nông nghiệp ở ĐBSCL được đầu tư rất thấp, cả về nguồn nhân lực và tài chính.

Đầu tư nông nghiệp hôm nay, hình ảnh nông nghiệp ngày mai

Nông nghiệp công nghệ cao đang là hướng vươn tới của nông nghiệp ĐBSCL.

Phải phát triển khoa học nông nghiệp

Theo GS.TS Bùi Chí Bửu, để tạo được “ấn tượng Việt Nam” trong nông nghiệp, ít có người biết rằng đó là cả một quá trình phấn đấu đầy cam go của nhà nông, nhà khoa học, nhà doanh nghiệp và sự quản lý rất năng động của Nhà nước trong 30 năm qua.

Nhưng tại sao nông dân trồng lúa Việt Nam vẫn nghèo? GS.TS Bùi Chí Bửu phân tích và gợi ý: Có thể nói, giá trị sản xuất lúa trên 1ha nông nghiệp không cao. Chúng ta đã đạt thắng lợi lớn trong thập niên qua nhờ phát triển nông nghiệp theo chiều rộng hết sức tích cực, nhưng đã đụng trần.

Bây giờ là lúc chuyển qua giai đoạn phát triển theo chiều sâu. Trong đó, không được quá nhấn mạnh đến yếu tố tài nguyên phong phú, lao động dư thừa, giá nhân công rẻ- như là lợi thế so sánh trước đây. Đầu tư cho nông nghiệp thời gian qua cũng tạo một “ấn tượng” là… rất thấp.

Lấy ví dụ Israel là một quốc gia nhỏ trên sa mạc cằn cỗi, đã chi 4,3% GDP cho hoạt động nghiên cứu- phát triển (R&D) và nông nghiệp công nghệ cao của họ trở thành mẫu mực.

GS.TS Bùi Chí Bửu đưa ra con số tại Việt Nam: khoa học nông nghiệp được đầu tư khoảng 600 tỷ đồng/năm, 50% chi lương và 50% cho cho hoạt động R&D (khoảng 300 tỷ/năm, tương đương 15 triệu USD/năm) thấp hơn Philippines gấp 7 lần, Thái Lan gấp 10 lần và Hàn Quốc gấp 600 lần.

Cũng vậy, khoa học nông nghiệp ở ĐBSCL được đầu tư rất khiêm tốn, cả về nguồn nhân lực và tài chính, nếu chỉ dựa vào Trung ương.

Trong khi đó, theo TS. Võ Hùng Dũng- Giám đốc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) chi nhánh Cần Thơ, tỷ trọng nông nghiệp chiếm 33,1%, so với 25,24% công nghiệp và xây dựng, thương mại- dịch vụ 41,65%.

Mặc dù có sự dịch chuyển đúng hướng nhưng diễn ra rất chậm, nông nghiệp đến nay chưa có địa phương nào ứng dụng công nghệ sản xuất thông minh để tăng giá trị và năng suất cao.

Mặt khác, vốn đầu tư cho nông nghiệp trong vùng còn dàn trải, hiệu quả chưa cao. Việc xây dựng thương hiệu cho nông sản của vùng còn chậm và chưa có nhiều những mặt hàng có thương hiệu mạnh.

Thực tế, bức tranh nông nghiệp Việt Nam đang thể hiện một nền kinh tế hộ tiểu nông, sản xuất nhỏ, công nghệ lạc hậu, tỷ suất hàng hóa rất thấp.

Lợi nhuận từ sản xuất nông nghiệp không ổn định do qua nhiều khâu trung gian, chi phí đầu vào có xu hướng tăng…

Chính vì thế, GS.TS Bùi Chí Bửu nhận định: “Đầu tư nông nghiệp hôm nay chính là hình ảnh nông nghiệp Việt Nam ngày mai. Đầu tư và tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp mới là nội dung cốt lõi trong tái cấu trúc nông nghiệp. Đầu tư cho khoa học chính là đầu tư cho tương lai của đất nước”.

Theo đó, phát triển chiều sâu đối với nền nông nghiệp Việt Nam phải dựa trên cơ sở phát triển khoa học nông nghiệp, những tiến bộ kỹ thuật mới.

Để vươn tới nông nghiệp công nghệ cao

Lần đầu tiên trong hơn 30 năm đổi mới, nông nghiệp tăng theo số âm với tốc độ tăng trưởng 6 tháng đầu năm 2016 giảm 0,18%.

Năm 2016, ĐBSCL bị thiệt hại nặng do khô hạn và xâm nhập mặn kỷ lục sau 100 năm (ảnh hưởng El Nino xảy ra trong tháng 2 đến tháng 5). Diện tích lúa bị thiệt hại lên đến 208.000ha, với 160.000ha lúa bị chết do mặn và khô hạn, mất khoảng 700.000 tấn lúa. 6 tháng đầu năm, sản lượng lúa ĐBSCL giảm 1,14 triệu tấn so cùng kỳ (-10,2%).

Đã có một số chuyên gia cho rằng, ngành nông nghiệp đầu tư không cao nên việc tăng trưởng âm là bình thường.

Chính vì thế, nông nghiệp ĐBSCL bên cạnh sự đầu tư mạnh từ của Nhà nước về phát triển khoa học công nghệ, tổ chức lại sản xuất, cần có chính sách thu hút đầu tư của các thành phần kinh tế.

Trong đó, vai trò của doanh nghiệp rất được nhấn mạnh, mà theo GS.TS Bùi Chí Bửu “cần một cơ chế mang tính cách mạng”. Đó là, doanh nghiệp phải được toàn quyền sử dụng quỹ phát triển khoa học công nghệ của mình và để ứng dụng kết quả này phục vụ đổi mới công nghệ, đạt hiệu quả kinh doanh cao hơn.

Bên cạnh, tranh thủ vốn ODA hoặc xây dựng các dự án liên doanh với doanh nghiệp lớn trong và ngoài nước. Ví dụ, Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO) sẽ giúp tập hợp các chính sách, tạo điều kiện thuận lợi, hỗ trợ các DN nước ngoài đầu tư vào Việt Nam.

Các dự án liên doanh có tính quyết định đến phát triển nông nghiệp công nghệ cao hiện nay, bởi nông nghiệp công nghệ cao rất cần nguồn vốn lớn. Hơn nữa, một mình nông dân Việt Nam khó làm được.

Nói như TS. Trần Đình Thiên- Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam: “Không phải nhà đầu tư nào vào nông nghiệp đều có thể đem lại thay đổi tích cực, thậm chí cảnh báo là “thảm họa” nếu trồng trên quy mô lớn mà không có đầu ra”.

Do vậy, đầu vào phải có giống tốt, công nghệ tốt thì giá trị gia tăng mới cao, mới vươn ra được thị trường thế giới; còn đầu ra liên quan đến thị trường thế giới.

Mà điều này, “chỉ có các doanh nghiệp lớn mới giúp thúc đẩy sản xuất nông nghiệp, giải quyết đầu ra cho nông dân, giải quyết vấn đề chiến lược của nông nghiệp.

Liên kết có hiệu quả giữa nhà nông và nhà doanh nghiệp là nội dung, là vấn đề phải luôn được xem xét một cách cẩn thận, trong chính sách và chủ trương đột phá của nông nghiệp công nghệ cao tại ĐBSCL”- GS.TS Bùi Chí Bửu nhận định.

GS. Võ Tòng Xuân: Phải liên kết và tin tưởng

Khi phải hội nhập trong một sân chơi chung, chấp nhận cạnh tranh, nhưng ít hiểu biết về những vấn đề phức tạp của pháp lý và thông lệ quốc tế, kể cả ngoại ngữ, văn hóa đa dạng, các doanh nghiệp cần xác định rõ vị trí hiện tại của mình để từ đó tìm hướng đi đúng đắn nhất khai thác những cơ hội khi Việt Nam gia nhập TPP, AEC.

 

Nhà nông với nhà doanh nghiệp và dịch vụ phải biết liên kết và tin tưởng nhau. Nông dân cá thể sẽ không tồn tại được, mà phải là nông dân tập thể- hợp tác xã kiểu mới, liên kết với doanh nghiệp chế biến, tiêu thụ nguyên liệu từ nông dân. Nhà nước tích cực đầu tư công nghệ, nâng cao trình độ tay nghề của tất cả các thành phần kinh tế.

 

Bài, ảnh: LÝ AN- LÊ SƠN