Ông Obama thăm VN: Tín hiệu tích cực trong quan hệ kinh tế Việt - Mỹ

Cập nhật, 10:39, Thứ Ba, 24/05/2016 (GMT+7)

Tờ Ibtimes đánh giá chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Mỹ Omaba phát đi tín hiệu tích cực trong việc thắt chặt quan hệ kinh tế giữa hai nước.

Cánh cửa hợp tác đã mở

Ibtimes cho hay, Tổng thống Mỹ Barack Obama thực hiện chuyến thăm Việt Nam lần đầu tiên trong suốt hai nhiệm kỳ tại Nhà Trắng. Chuyến thăm lần này của ông cho thấy những tín hiệu tích cực trong việc thúc đẩy hợp tác kinh tế và an ninh giữa Mỹ và Việt Nam – một trong những nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất châu Á, và cũng là một thành viên đóng vai trò quan trọng trong chính trường khu vực.

Công nhân Việt làm việc tại một nhà máy của doanh nghiệp nước ngoài ở thành phố Vĩnh Yên. (Ảnh: Reuters)
Công nhân Việt làm việc tại một nhà máy của doanh nghiệp nước ngoài ở thành phố Vĩnh Yên. (Ảnh: Reuters)

Chuyến thăm Việt Nam của ông Obama diễn ra vào đúng thời điểm Việt Nam, Mỹ và 10 thành viên khác vừa ký kết Hiệp định đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP). Đây là một hiệp định thương mại tự do thế hệ mới với quy mô rộng lớn, mở đường cho các doanh nghiệp Mỹ tiến sâu vào khu vực Châu Á – Thái Bình Dương. Đáng chú ý, nhân chuyến thăm này, Mỹ và Việt Nam có thể mở rộng hơn nữa quan hệ hợp tác trong ngành hàng không.

Theo nhận định của Ibtimes, Việt Nam là một trong những quốc gia có tốc độ phát triển kinh tế nhanh bậc nhất khu vực. Trong những năm gần đây, Việt Nam đã gặt hái được nhiều thành tựu kinh tế quan trọng, trong đó có việc duy trì tăng trưởng bền vững, đẩy mạnh ngành công nghiệp chế tạo, xây dựng, tăng cầu nội địa và thu hút nguồn vốn đầu tư lớn từ nước ngoài, bao gồm nhiều nhà đầu tư Mỹ.

Ibtimes cho biết, năm ngoái, tăng trưởng GDP của Việt Nam đạt 6,7% - mức tăng mạnh nhất trong vòng 7 năm, theo báo cáo của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB).

Tờ báo này cũng nhấn mạnh, ông Nguyên Xuân Phúc – người mới nhậm chức Thủ tướng chính phủ Việt Nam vào tháng 4 vừa qua – đã tuyên bố kế hoạch duy trì tăng trưởng trong vòng 5 năm tới. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, kế hoạch phát triển kinh tế xã hội của Việt Nam trong giai đoạn 2016 – 2020 đề ra mục tiêu tăng trưởng trung bình hàng năm khoảng 7%.

Lấy đà vượt qua thách thức

Tuy nhiên Ibtimes cũng chỉ ra một số thách thức cản bước Việt Nam trên đà tăng trưởng, trong đó có những tác động từ bên ngoài. Sự giảm sút về giá dầu đã làm xói mòn nguồn thu của nhà nước. Bên cạnh đó, tình trạng khô hạn và xâm nhập mặn cũng làm sản lượng trong ngành nông nghiệp giảm mạnh.

Tăng trưởng GDP của Việt Nam trong quý I/2016 đã có dấu hiệu chững lại, chỉ đạt 5,4%, thấp hơn nhiều so với con số cùng kỳ năm ngoái: 7,01%, theo số liệu của Bloomberg.

Việt Nam cũng phải đối mặt với thâm hụt ngân sách trong quý I năm nay lên đến 2 tỷ USD, trong khi tốc độ trả nợ đạt mức khiêm tốn 5,3%.

Trao đổi với hãng tin Bloomberg hồi tháng 4 vừa qua, chuyên gia nghiên cứu Nguyễn Xuân Thành thuộc trường Kennedy thuộc Harvard, đồng thời là Giám đốc Chương trình Chính sách Công tại trường Fulbright ở TP HCM cho hay, các nhà lãnh đạo Việt Nam cần phải chứng tỏ được Việt Nam tiếp tục là điểm đến hấp dẫn đối với các nhà đầu tư quốc tế và là một nền kinh tế rất liên quan trong khu vực.

Điều quan trọng, theo chuyên gia Nguyễn Xuân Thành, đó là phải thúc đẩy tăng trưởng và tạo công ăn việc làm.

Cú hích từ TPP

Thời gian gần đây, Hiệp định TPP thực sự đã tạo đòn bẩy thúc đẩy kinh tế Việt Nam tăng trưởng theo hướng bền vững, thông qua việc cắt giảm thuế đối với hàng loạt mặt hàng xuất khẩu, trong đó có điện thoại, dệt may và hàng tiêu dùng.

Viện nghiên cứu Peterson tại Washington mới đây đã dự báo Hiệp định TPP do Mỹ khởi xướng sẽ giúp Việt Nam tăng trưởng GDP lên mức 8,1% vào năm 2030. Viện nghiên cứu này cũng nhận định, Việt Nam là một trong những quốc gia hưởng lợi nhiều nhất khi tham gia TPP.

Tuy nhiên, cũng có 1 số ý kiến cho rằng, TPP sẽ khiến một số yếu tố then chốt như bảo vệ môi trường hay quyền lợi người lao động không được đảm bảo. Ngoài ra, TPP cũng có vẻ hơi “thiên vị” cho các doanh nghiệp nước ngoài.

Mặc dù vậy, Tổng thống Obama luôn khẳng định, hiệp định TPP sẽ tạo ra tiêu chuẩn cao hơn đối với thương mại toàn cầu, tạo cầu nối giữa Mỹ và các quốc gia châu Á.

Theo VOV.VN