Dành nơi cho nước chảy

Cập nhật, 13:13, Thứ Tư, 25/05/2016 (GMT+7)

Chú Tư ở đầu hẻm nói, chắc các đô thị miệt vườn miền Tây này gắn chặt với chữ “sông nước” hay sao đó, mà lúc nào cũng phải nói tới chuyện này.

Chẳng hạn như mùa khô hạn, sông bãi phơi bờ thì đau đầu nhức mắt với cảnh rác rến đầy sông, bịch ny lông bay… tá lả. Nhà ở ven sông dẹp hoài không hết mà có khi còn lấn ra thêm. Rồi tới mùa nước lên thì sạt lở, ngập lụt. Nhưng tới mùa mưa, cần chỗ thoát nước lại chẳng thấy… sông đâu?

Thực tế, các đô thị lớn nhỏ ở Vĩnh Long cũng như các tỉnh miền Tây Nam Bộ thường được gắn liền với con sông nào đó. Về bản chất, coi như đô thị và sông nước là 2 mảng khó thể tách rời nhau. Vì vậy, khi quy hoạch, xây dựng cần phải đặc biệt tôn trọng đặc điểm mà thiên nhiên đã ban tặng.

Bởi hệ thống sông rạch không chỉ làm đẹp thêm cảnh quan đặc trưng của đô thị phương Nam mà còn tạo không gian thoáng đãng, điều hòa nhiệt độ. Trong đó, có việc làm nơi thoát nước cho đô thị.

Tuy nhiên, hiện nay rất nhiều diện tích mặt nước trong nội ô bị lấn chiếm xây dựng hoặc bị san lấp. Nhất là những con rạch nhỏ nằm len lỏi trong lòng đô thị, thường bị các hộ dân “lấn dần dần” hàng năm cho đến khi mất hẳn.

Đây có lẽ cũng là một trong những nguyên nhân khiến cho các đô thị nằm ven sông hiện nay luôn “hễ mưa là ngập”. Bởi dù ở kế cạnh, nhưng nước mưa tìm hoài cũng không có chỗ để về với sông ngòi.

Quy hoạch và phát triển đô thị theo hướng không gian mở có khả năng chứa nước, thoát lũ, thoát mưa để thích ứng biến đổi khí hậu và nước biển dâng- có lẽ không còn là “định hướng” mà rất cần được làm ngay.

NGUYÊN CHƯƠNG