Mua bán cau non, cam non: Bất thường hay bình thường?

Cập nhật, 14:25, Thứ Sáu, 15/05/2015 (GMT+7)

Như thông tin đã đưa, hiện có nhiều thương lái ở khắp nơi lùng sục tìm mua trái cau non ở Trà Ôn.  Không chỉ vậy, trái cam sành non cũng đang được tận thu ở các vườn cam ở huyện này từ nhiều năm nay.  Chuyện bình thường hay bất thường đằng sau những vụ mua bán trên?

Vẫn chưa có câu trả lời về việc mua bán cam non dù đã diễn ra từ nhiều năm qua.
Vẫn chưa có câu trả lời về việc mua bán cam non dù đã diễn ra từ nhiều năm qua.

Ghi nhận từ việc mua trái cau non, theo nhận định của nhiều bà con ở vùng quê thì “Việc thu mua bán này là bất thường, chưa biết mục đích rõ ràng”. Và khi được hỏi về những lo lắng, thì đa phần người dân ở các xã Nhơn Bình, Hòa Bình, Hựu Thành (Trà Ôn)- nơi mà thương lái đang lùng sục mua cau- thì nhiều người cho rằng: “Chắc sẽ không có sao, vì đây là loại cây trồng quanh nhà, đâu thấy thiệt hại gì”. Nên phần lớn bà con nhận xét: “Thay vì bỏ, nếu bán thì được tiền, dại gì mà không bán?”

Còn trước đó, việc mua trái cam sành còn non, còn tươi và cam xắt miếng phơi khô đã và đang hiện diện từ nhiều năm nay nhưng chưa biết được mục đích rõ ràng. Do đó, nhiều người dân ở Hựu Thành, Vĩnh Xuân, Thuận Thới (Trà Ôn) vẫn vừa bán vừa hoài nghi: “Hỏi thì người ta nói mua về xắt phơi rồi bán lại, nghe đồn là để làm thuốc Nam”. Dù vậy, các hộ trồng cam Trà Ôn vẫn đồng ý vì “Những loại cam non này được hái bỏ vì né trái ra mùa thuận. Ngoài ra, trái cam non rụng nếu không bán cũng bỏ phế, bán sẽ có thêm thu nhập”.

Ông Ôn Thanh Ngân- Trưởng Phòng Nông nghiệp- PTNT huyện Trà Ôn đã trao đổi: “Việc người dân bán cam non tại huyện đã diễn ra từ lâu, khi những vườn cam có trái quá nhiều phải tỉa bớt hoặc cam non rụng. Nếu người dân bỏ đi thì phí, còn nếu bán đi sẽ kiếm được đồng lời. Còn việc họ bán cam non cho ai thì tôi không rõ. Thường cam non xắt phơi khô dùng để làm thuốc”.

Về việc mua cau non, Thạc sĩ Nguyễn Văn Liêm- Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp- PTNT cho biết: “Trái cau không phải là mặt hàng chiến lược, cũng không phải là loại cây đặc sản. Việc mua bán trên sẽ không ảnh hưởng gì”. Còn việc thu mua trái cam sành non thì: “Trái con ra nhiều quá thì người ta hái bỏ bớt và bán sẽ có thêm thu nhập. Và giả sử giá cả cam non có lên cao và tính ra lãi nhiều hơn trái chín thì vẫn bán được bình thường. Bởi trái cam non thì có nhiều công dụng, hơn nữa vỏ cam có thể họ sẽ mua để chiết xuất tinh dầu”- ông nhận định.

Tuy nhiên, Thạc sĩ Nguyễn Văn Liêm cũng lo lắng: Nếu họ mua trái cam non về và trộn vô với cam khác để bán và cho rằng đó là cam xứ mình thì mình sẽ bị thiệt hại không chỉ về mặt kinh tế.

Đến nay, những thắc mắc đằng sau việc mua bán trái cau non, cam non hoặc những loại cây khác vẫn đang được nhiều người thắc mắc và không khỏi lo lắng. Thiết nghĩ, những vấn đề trên đang cần các ngành chức năng sớm giải đáp cho nông dân, đồng thời cần có khuyến cáo cho họ trước những vụ mua bán bất thường tương tự.

Bài, ảnh: TẤN ANH- TUYẾT NHI