Giá điện tăng sốc- doanh nghiệp lo ứng phó

Cập nhật, 14:24, Chủ Nhật, 29/03/2015 (GMT+7)

Từ ngày 16/3/2015, giá điện đã chính thức điều chỉnh tăng 7,5%. Đây được cho là mức tăng khá sốc và tác động đến nền kinh tế, nhất là những ngành tiêu tốn nhiều điện. Nhiều doanh nghiệp (DN) cho biết việc tăng giá điện hiện nay rất bất lợi đối với hoạt động sản xuất kinh doanh, bởi thực tế DN vẫn chưa hết khó khăn giờ thêm nặng gánh chi phí làm giá thành sản phẩm tăng…

“Doanh nghiệp nào cũng lo…”

Là DN chuyên ngành cơ khí, ông Điền Hòa Tâm- Giám đốc Công ty TNHH Cơ khí- Thương mại- Xây dựng Mười Tâm, khẳng định: “Máy móc ở đây đều chạy bằng điện, không có điện là hoạt động sản xuất ngưng hết”. Chính vì thế, theo ông, không phải đến bây giờ DN mới tìm cách tiết kiệm điện mà “đã thực hiện từ nhiều năm trước, từ tổ chức sản xuất, đến đầu tư thiết bị máy móc hiện đại…” Chẳng hạn, để giảm giá thành, tăng chất lượng sản phẩm, từ những năm trước, DN đã mạnh dạn bỏ ra gần cả tỷ đồng đầu tư máy móc phục vụ sản xuất, như máy chặt sắt dày đến 13 ly, máy chấn sắt hay máy hàn lăn… nhằm nâng cao năng suất lao động, tiết kiệm thời gian, giảm giá thành, đáp ứng yêu cầu thị trường.

DN Mười Tâm đã áp dụng nhiều giải pháp tiết giảm chi phí điện.
DN Mười Tâm đã áp dụng nhiều giải pháp tiết giảm chi phí điện.

Rất nhiều giải pháp tiết giảm chi phí đã áp dụng, nhưng ông Tâm cho biết với giá điện mới tăng 7,5% thì giá thành sản xuất các sản phẩm cơ khí phải tăng đến 10%. “Chắc chắn giá thành tăng vì làm gì cũng cần có điện. Cái khó của DN hiện nay là không thể tăng giá bán, gia công với khách hàng được. Ví dụ, giá thành sản xuất cái nồi trước khoảng 1 triệu đồng, giờ phải tăng là 1,1 triệu hoặc cao hơn. Mối mang, bạn hàng đem sắt tới chặt vẫn giữ giá cũ 900 đ/kg, họ làm ăn thường xuyên với mình quen giá cả, không thể lên được”- ông Điền Hòa Tâm cho biết.

“Giá điện tăng DN nào cũng lo”- ông Nguyễn Minh Tuệ- Giám đốc Công ty CP May Vĩnh Tiến, cho biết đối với ngành may mặc có nhiều bất lợi. Giá điện tăng chi phí càng cao, nhưng không thể nói với khách hàng tăng giá đơn hàng được. Vì thế, “đối với DN ngành may mặc là phải tiết kiệm điện để giảm chi phí, nhất là vào giờ cao điểm”- ông bảo. Cùng với đó hàng loạt biện pháp về đầu tư, tổ chức sản xuất, cải tiến trang thiết bị kỹ thuật… đã được DN triển khai thực hiện.

Công ty CP May Vĩnh Tiến áp dụng hàng loạt biện pháp tiết kiệm điện.
Công ty CP May Vĩnh Tiến áp dụng hàng loạt biện pháp tiết kiệm điện.

Về đầu tư, thời gian qua Vĩnh Tiến đã thay thế máy móc thiết bị tiêu hao năng lượng bằng máy móc tiết kiệm điện hơn. Chẳng hạn, chuyển từ máy may thường sang mô- tơ điện tử, hệ thống đèn thường sang đèn tiết kiệm năng lượng… Theo tính toán của ông Nguyễn Minh Tuệ, việc đầu tư hệ thống đèn như vậy trong 2 năm có thể tiết kiệm số tiền điện tương đương số tiền đã đầu tư. Trong khi đó, cải tiến, thay thế thiết bị phù hợp là việc làm thường xuyên, đồng thời huấn luyện công nhân thao tác, ý thức tiết kiệm điện. Ví dụ, khi đứng lên phải tắt đèn, tắt máy của mình. Tổ chức sản xuất tránh giờ cao điểm buổi tối, áp dụng quy trình sản xuất
sạch hơn…

“Chúng tôi phải thực hiện tiết kiệm điện, nước triệt để nhằm bù vào phần giá điện tăng. Trong mục tiêu của nhà máy năm nào cũng đề ra chỉ tiêu tiết kiệm điện, trong năm 2015 mục tiêu là tiết giảm 4- 5% chi phí về điện”- ông Nguyễn Minh Tuệ cho biết.

Để ứng phó tình hình giá cả đầu vào tăng, ông Nguyễn Tường Nam- Giám đốc DN Chế biến thực phẩm và thương mại Hồng Hương, cho rằng: “DN chủ động điều phối sản xuất tập trung vào các giờ thấp điểm, đầu tư thay đổi công nghệ để tiết kiệm năng lương. Bên cạnh đó, có những thỏa thuận hợp tác cùng với nhà cung cấp để chia sẻ khó khăn, hỗ trợ cùng nhau phát triển”.

Lo hàng hóa “té nước theo mưa”

Tiết kiệm điện- là cụm từ được áp dụng tại hầu hết các DN và xem đó là tiêu chí đánh giá ý thức kỷ luật của người lao động. Tuy nhiên, với việc giá điện, xăng dầu tăng giá kép như vừa qua, nhiều DN không khỏi lo ngại ảnh hưởng đến giá cả hàng hóa, đời sống của người lao động.

Trước tác động của giá 2 nguyên liệu đầu vào tăng, việc bảo đảm nguồn cung cho sản xuất và những mặt hàng tiêu dùng thiết yếu không bị thiếu hụt là một giải pháp quan trọng để kiểm soát giá cả, lạm phát và bảo đảm tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, với những diễn biến thiếu tích cực trong các lần tăng giá trước của xăng, dầu, hiện nay, trên thị trường có tâm lý e ngại về tình trạng tăng giá “té nước theo mưa” của các hàng hóa khác, tạo lập mặt bằng
giá mới.

“Sản xuất kinh doanh lo ngại tăng giá điện một phần, nhưng lại lo những mặt hàng khác theo đó tăng giá theo làm ảnh hưởng đến đời sống người lao động. Lấy ví dụ, hiện nay tiền lương công nhân đang hợp lý, nhưng khi giá cả tăng lên, số tiền lương không đủ mua các sản phẩm, dịch vụ đảm bảo đời sống… Theo tôi, đó mới là tác động nặng nề và Nhà nước cần phải quản lý được vấn đề này”- giám đốc một DN chia sẻ.

Về phía cơ quan quản lý nhà nước, ông Nguyễn Anh Tuấn- Cục trưởng Quản lý giá (Bộ Tài chính), cho biết ngay sau khi giá xăng, dầu và giá điện được điều chỉnh, Bộ Tài chính đã có văn bản gửi UBND các tỉnh- thành, bám sát mục tiêu theo Nghị quyết 01 của Chính phủ. Ngoài ra, Bộ Tài chính đã chỉ đạo cơ quan chức năng kiểm tra, kiểm soát chặt các phương án kê khai giá, kiên quyết không cho điều chỉnh tăng giá hàng hóa, dịch vụ một cách bất hợp lý, “ăn” theo giá điện và xăng, dầu. Các cơ quan cần tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi tăng giá bất hợp lý, thực hiện bình ổn giá trên địa bàn...

Ông Điền Hòa Tâm: Giá điện tăng làm giá thành sản xuất tăng, khách hàng ngại đặt hàng, cần thiết lắm mới mua hàng, tính cạnh tranh của DN bị hạn chế. Theo tôi, trong giai đoạn hiện nay, Nhà nước đang thực hiện các chính sách tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ DN, thì việc tăng giá điện sản xuất cũng phải tính toán hợp lý.

Ông Nguyễn Tường Nam- Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Vĩnh Long: Đối với các ngành chức năng, cần ưu tiên tăng giá bán điện sản xuất ở mức thấp nhất, đồng thời cần điều chỉnh giá bán điện ở các giờ thấp điểm, để DN thuận tiện hơn trong việc bố trí lịch sản xuất.

Theo tôi, cần có lộ trình chiến lược khuyến khích, tuyên truyền người tiêu dùng sử dụng các sản phẩm an toàn, chứng nhận môi trường, tiết kiệm năng lượng bên cạnh khuyến khích DN đầu tư đổi mới công nghệ, nâng cao năng lực cạnh tranh.

 

Bài, ảnh: TRẦN PHƯỚC