Phát triển kinh tế xanh trong điều kiện biến đổi khí hậu

Cập nhật, 13:55, Thứ Hai, 25/11/2013 (GMT+7)

PGS, TS LÊ ANH TUẤN

(Viện Nghiên cứu Biến đổi khí hậu- Đại học Cần Thơ)

Để có một nền kinh tế xanh, cần có những “quyết sách xanh” như là những tiền đề cho việc khởi động các hoạt động đổi mới tiếp theo.


PGS, TS Lê Anh Tuấn.
Ảnh: LÊ SƠN

Vấn đề nào liên quan đến môi trường toàn cầu hiện nay?

Trong hơn 2 thập niên qua, thế giới đã chứng kiến nhiều hiện tượng thiên tai và thời tiết bất thường xảy ra với cường độ và tần số ngày một tăng cao.

Tác động của các thảm họa thiên nhiên và nhân tạo ngày càng nặng nề, cả về số thương vong lẫn thiệt hại tài sản, kinh tế và xã hội so với những rủi ro ở thế kỷ trước. Với tốc độ gia tăng dân số vẫn duy trì ở mức độ cao, sự phát triển kỹ thuật ngày càng nhiều và quyết tâm tăng trưởng kinh tế nhanh hơn khiến nhiều nguồn tài nguyên thiên nhiên bị khai thác và đang đứng trước nguy cơ cạn kiệt, dẫn đến sự nghèo nàn của hệ sinh thái và tính đa dạng sinh học.

Nhiều dữ liệu nghiên cứu khoa học nghiêm túc đã chứng minh mối quan hệ giữa phát thải các loại khí nhà kính và hiện tượng nóng lên toàn cầu dẫn đến BĐKH và nước biển dâng ngày càng rõ ràng hơn.

Vậy làm sao có được sự hài hòa giữa mong muốn phát triển kinh tế nhưng vẫn giảm thiểu các nguy cơ suy thoái môi trường, sự cạn kiệt của tài nguyên thiên nhiên, hạn chế các tác động tiêu cực của BĐKH là vấn đề không đơn giản và đòi hỏi nhiều nỗ lực mang tính tổng hợp của cả cộng đồng quốc tế, các nhà hoạch định chính sách, các cấp quản lý từ Trung ương đến địa phương và cả từng cá nhân trong cộng đồng.

Hiện nay, nhiều nhà khoa học và các tổ chức bảo vệ môi trường đang chú ý đến giải pháp phát triển một nền kinh tế xanh. Vậy phát triển kinh tế xanh là gì? Làm sao thực hiện được giải pháp này trong điều kiện BĐKH?

Nền kinh tế xanh là gì?

Theo định nghĩa của Chương trình Môi trường thuộc Liên Hợp Quốc (UNEP), nền kinh tế xanh được tóm lược một cách ngắn gọn là nền kinh tế có 3 khái niệm cơ bản: (1) có mức phát thải các khí gây ra hiệu ứng nhà kính thấp; (2) sử dụng các nguồn tài nguyên thiên nhiên một cách hiệu quả; (3) tạo nên một sự công bằng xã hội.

Trên cơ sở 3 khái niệm này, chính phủ các nước phải tự xây dựng các tiêu chí, tiêu chuẩn đánh giá một nền kinh tế xanh phù hợp với điều kiện quốc gia của mình theo các chỉ số có thể đo lường và định lượng được, bao gồm:

(i) các chỉ số phát triển kinh tế bền vững, đảm bảo sự tăng trưởng kinh tế ít tiêu thụ năng lượng, nguyên vật liệu và tạo nhiều sản lượng vật chất có giá trị;
 
(ii) các chỉ số chất lượng môi trường để sản xuất không hoặc rất ít gây ra các nguy cơ ô nhiễm nguồn nước, đất, không khí, sinh vật, không làm cạn kiệt các nguồn tài nguyên, không đe dọa sự suy giảm chất lượng của hệ sinh thái và tính đa dạng sinh học;
 
(iii) các chỉ số về sự tiến bộ và phúc lợi xã hội, tạo nhiều cơ hội việc làm lâu dài cho cộng đồng, đảm bảo sự công bằng xã hội, người nghèo có cơ hội phát triển và hưởng được các tiện ích chung như giáo dục, y tế, an ninh và quyền con người.

Sự tăng trưởng kinh tế phải lồng ghép trong khái niệm phát triển bền vững: “Phát triển bền vững là sự phát triển có thể đáp ứng được những nhu cầu hiện tại mà không ảnh hưởng hay làm tổn hại đến khả năng đáp ứng nhu cầu của các thế hệ tương lai”.

Có thể phát triển kinh tế xanh trong điều kiện BĐKH không?

Câu trả lời là hoàn toàn có thể thực hiện phát triển xanh trong điều kiện ảnh hưởng của BĐKH. Thật ra, BĐKH không hoàn toàn tạo ra những tác động tiêu cực, mà còn tạo ra những điều kiện thuận lợi nên chúng ta biết tận dụng nó.
 
Ví dụ nhiệt độ không khí gia tăng có thể gây ra những thiệt hại về sản xuất công nghiệp, nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản và lâm nghiệp, nhưng ở một khía cạnh và cách nhìn khác, trời nắng nóng có thể là điều kiện tốt cho việc khai thác năng lượng mặt trời, giúp các diêm dân có sản lượng muối cao hơn, giảm chi phí sản xuất cho các ngành làm gạch ngói, chế tác gốm sứ, chế biến nông- lâm- thủy- hải sản, vật liệu xây dựng, có thể tạo cơ hội cho ngành du lịch hoạt động dài ngày hơn.

Với các sáng kiến cải tiến dây chuyền sản xuất, đổi mới công nghệ, hợp lý hóa cung cách quản lý và điều tiết lao động, nền sản xuất mang dấu ấn “xanh” có thể làm giảm đáng kể sự tiêu thụ năng lượng, ít sử dụng nguyên liệu hóa thạch, giảm tối đa sự phát thải khí nhà kính và tiết kiệm vật liệu sẽ có ý nghĩa rất lớn trong việc kiềm chế sự nóng lên toàn cầu.


Sông Hàm Luông (Bến Tre) còn giữ được màu xanh thơ mộng.
Ảnh: LÊ ANH TUẤN

Với các hình thức sản xuất nông nghiệp xanh, ít sử dụng phân bón hóa học, ít lạm dụng các loại hóa chất độc hại, biến các khí thải như metan (CH4) thay vì đi ra không khí thì thành khí sinh học thay thế củi gỗ, tiết kiệm tiêu thụ xăng dầu, điện,… Nền nông nghiệp xanh còn giúp tăng mực hấp thu thán khí (CO2) và phát sinh dưỡng khí (O2) giúp không khí trong lành hơn, từng bước giảm nồng độ khí nhà kính.

Nền kinh tế xanh khuyến khích tăng cường diện tích cây xanh, hồi phục các khu rừng nội địa và ven biển giúp gia tăng sức mạnh của tấm chắn xanh trước những bất thường của bão tố, gió mạnh, lũ lớn và xâm thực do dòng chảy sông và biển.
 
Đồng thời nền kinh tế xanh sẽ thúc đẩy các dịch vụ hệ sinh thái, giúp tăng thu nhập cho cộng đồng người dân địa phương và các cơ quan bảo vệ rừng và các tài nguyên khác như nguồn nước, nguồn đất và nguồn sinh vật.

Tất cả các hoạt động nói trên hoàn toàn phù hợp với giải pháp giảm thiểu và thích ứng với BĐKH. Phát triển kinh tế xanh không thể tách rời việc bảo vệ sự trong lành của dòng sông, rừng cây, sinh vật và môi trường không khí.

Các khó khăn, thử thách nào để xây dựng một nền kinh tế xanh?

Có một số khó khăn và thử thách để xây dựng một nền kinh tế xanh đúng nghĩa, đặc biệt là đối với các quốc gia còn nghèo hoặc đang phát triển. Trước tiên là Chính phủ phải đầu tư một nguồn tài chính khá lớn cần thiết để thúc đẩy việc đổi mới công nghệ và tối ưu quản lý sản xuất như là một nguồn kinh phí hỗ trợ hoặc trợ giá cho các cơ sở sản xuất khác nhau.

Nguồn tài chính này, theo một số ước tính của chương trình UNEP và Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA), vào khoảng 1% đến 2,5% GDP của quốc gia, tùy theo điểm xuất phát và đặc điểm, tình hình sản xuất chung của quốc gia đó.

Thử thách kế đến là chính sách thông thoáng, tạo điều kiện thuận lợi cho nền kinh tế tư nhân phát triển, giảm dần sự bao cấp của Nhà nước cho các công ty, doanh nghiệp quốc doanh, vì doanh nghiệp tư nhân luôn có sự năng động và tích cực hơn các tổ chức sản xuất và kinh doanh có sự bảo trợ toàn diện của Nhà nước.

Một khó khăn và thử thách khác là cần tính minh bạch trong việc đầu tư các hoạt động công ích, khuyến khích tất cả sự thay đổi hướng đến sự sản xuất xanh. Thời gian đầu xây dựng một nền kinh tế xanh ở quy mô toàn quốc có thể dẫn đến việc thất thu ngân sách và có thể phải giảm thiểu thuế suất như một dạng khuyến kích, hỗ trợ của Nhà nước.

Chúng ta nên làm gì để phát triển kinh tế xanh?

Để có một nền kinh tế xanh, cần có một giải pháp mang tính tổng hợp và toàn diện. Trước tiên là chính sách chiến lược mang tầm vĩ mô của Chính phủ, cần có những “quyết sách xanh” như là những tiền đề cho việc khởi động các hoạt động đổi mới tiếp theo.
 
Việc đầu tư kinh phí ban đầu cho việc thay đổi dần các công nghệ sản xuất lạc hậu, tiêu thụ nhiều năng lượng và phát thải ra các chất ô nhiễm thành các công nghệ “sản xuất sạch hơn” là cần thiết và đáng thuyết phục.

Các đầu tư tài chính tập trung cho các hỗ trợ nghiên cứu ứng dụng các thành tựu khoa học và kỹ thuật trong hợp lý hóa và tối ưu hóa sản xuất, các đầu tư giảm nhẹ thiên tai. Đồng thời Chính phủ cần giúp các tổ chức, định chế, cơ sở tư nhân có thể tiếp cận các nguồn vốn ngân hàng với lãi suất cho vay ưu đãi để hướng đến một nền sản xuất xanh.

Song song đó, cần đẩy mạnh các hoạt động truyền thông nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng và chính quyền địa phương trong bảo vệ môi trường, tiết kiệm năng lượng, bảo tồn hoặc khai thác hợp lý các nguồn tài nguyên thiên nhiên, tái chế- tái sử dụng các phế phẩm trong sản xuất và đời sống.
 
Cuối cùng là lồng ghép việc hạn chế thiên tai và ứng phó BĐKH trong các chương trình phát triển kinh tế- xã hội, cũng như các kế hoạch hành động theo hướng phát triển kinh tế xanh và bảo vệ môi trường sinh thái.

Phát triển đô thị vùng ĐBSCL theo hướng kinh tế xanh

Đó là chủ đề hội thảo “Phát triển đô thị vùng ĐBSCL theo hướng kinh tế xanh” vào chiều 25/11/2013, do BCĐ Tây Nam Bộ phối hợp với Bộ Xây dựng và Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức. Hội thảo tập trung các vấn đề về: quy hoạch chiến lược phát triển vùng hướng tới tăng trưởng xanh, phát triển đô thị bền vững về môi trường theo hướng kinh tế xanh và mô hình phát triển đô thị thích ứng biến đổi khí hậu, nước biển dâng…

Ông Dương Quốc Xuân- Phó trưởng BCĐ Tây Nam Bộ khẳng định: ĐBSCL có vị trí đặc biệt quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế- xã hội của đất nước với nhiều tiềm năng, lợi thế về nông nghiệp, thủy sản…

Tuy nhiên, do nhu cầu phát triển kinh tế mạnh mẽ, công tác quy hoạch, quản lý và phát triển đô thị vùng ĐBSCL thời gian qua cũng phát sinh nhiều vấn đề cần được nhìn nhận, đánh giá và thống nhất để hành động trong việc phát triển đô thị theo hướng đô thị xanh, bền vững trong tương lai.

Theo Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị, diện mạo, kiến trúc, cảnh quan của các đô thị vùng ĐBSCL đã và đang không ngừng thay đổi theo hướng hiện đại, có bản sắc. Nhằm phát huy vai trò, tiềm năng của vùng cần đáp ứng các định hướng, tầm nhìn mới phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế xanh, bền vững.

Phát triển đô thị vùng ĐBSCL theo hướng kinh tế xanh, ông nhấn mạnh tầm quan trọng của yếu tố môi trường, đồng thời, cần tăng cường năng lực quản trị của các chính quyền đô thị, có cơ chế liên kết, phối hợp chặt chẽ giữa các đô thị trong vùng.

TUYẾT HIỀN

Các tin khác: