Kinh tế xanh cho ĐBSCL

Cập nhật, 15:37, Chủ Nhật, 24/11/2013 (GMT+7)


Doanh nghiệp Vĩnh Long chú trọng đầu tư cải tiến công nghệ sản xuất
 để tạo sản phẩm thân thiện môi trường.

Tăng trưởng xanh là một trong những nội dung quan trọng cho phát triển bền vững của nền kinh tế. Các tỉnh ĐBSCL đã và đang hướng tới mục tiêu này. Nhiều dự án đã được đầu tư, nhiều sản phẩm xanh- thân thiện môi trường đã ra đời. MDEC- Vĩnh Long 2013 là cơ hội để ĐBSCL tìm ra giải pháp thích hợp, khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế của vùng theo hướng phát triển kinh tế xanh.

Nỗ lực tạo sản phẩm xanh

Theo ông Phạm Thành Khôn- Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Vĩnh Long, với nỗ lực mời gọi đầu tư, thời gian qua đã có nhiều nhà đầu tư tìm đến và nhiều dự án được cấp phép.

Có thể điểm qua một số doanh nghiệp (DN) ứng dụng sản xuất xanh như: Acecook, dây chuyền sản xuất vật liệu xây không nung, chế biến trái cây, chiếu xạ, sản xuất củi trấu và rơm rạ, nhà máy xử lý rác…


Kiểm tra chất lượng sản phẩm ở Công ty TNHH MTV Sinh hóa Phù Sa.

“Sản phẩm xanh là chỉ tiêu hoạt động của công ty”- chị Nguyễn Minh Kha- đại diện Công ty CP Acecook Việt Nam chi nhánh Vĩnh Long (Khu công nghiệp Hòa Phú) nói vậy.

Chị Kha cho biết thêm: “Ngay từ khi thành lập, công ty đã đầu tư các vấn đề liên quan đến sản phẩm xanh như: hệ thống xử lý chất thải, khí thải, kho lưu trữ… tuân thủ rất tốt về môi trường (tiêu chuẩn xử lý ra loại A). Nhờ vậy, công ty được chọn là nơi sản xuất mì không chiên đầu tiên của hệ thống”.

Sau 7 năm đầu tư vào Vĩnh Long, từ 2 dây chuyền sản xuất với 387 lao động, hiện công ty đã phát triển lên 8 dây chuyền với 840 lao động. Sản phẩm cũng phong phú hơn.

Chị Đỗ Thị Trang Nhã- Phó Giám đốc Công ty TNHH MTV Sinh hóa Phù Sa thì cho biết, những sản phẩm xanh thuộc lĩnh vực công nghệ sinh học (phục vụ công tác nghiên cứu tại các viện, trường) có chất lượng tương đương sản phẩm nhập khẩu cùng loại nhưng giá thấp hơn nhiều lần.

Theo đánh giá, trong 2 năm tới, DN có khả năng chiếm lĩnh 80% thị phần tại Việt Nam và nhiều triển vọng thâm nhập thị trường quốc tế.

Vĩnh Long còn được biết đến là xứ sở của gạch gốm. Trải qua nhiều thăng trầm khi phải đối mặt với hàng loạt thách thức: giá nguyên- nhiên liệu tăng, công nghệ lạc hậu, ô nhiễm môi trường,…
 
Mới đây, “Lò nung liên hoàn Vĩnh Long” ra mắt, khắc phục những nhược điểm mà lò tròn vấp phải, giúp giảm chi phí đầu vào, chất lượng tốt và hơn hết là đạt tiêu chuẩn môi trường.

Ông Bùi Hữu Mai- Giám đốc Công ty TNHH Tân Mai, Chủ tịch Hiệp hội Gạch gốm mỹ nghệ Vĩnh Long nói: Luôn học hỏi chuyển giao công nghệ và cân đối cung cầu sẽ giúp ngành gạch gốm Vĩnh Long tồn tại và phát triển lâu dài.


Lò nung liên hoàn Vĩnh Long cho ra sản phẩm mới trên nền gạch nung truyền thống,
 đạt chỉ tiêu môi trường.

Hướng tới phát triển bền vững

Qua 40 năm, từ một cơ sở chế biến nhỏ, sản phẩm chỉ loanh quanh chợ vườn, hiện DNTN Chế biến thực phẩm và Thương mại Hồng Hương (Long Hồ- Vĩnh Long) chuyên sản xuất nước chấm đã trở thành một DN có tiếng, sản phẩm mở rộng từ đồng bằng đến miền Đông, đặt chân vào hệ thống Siêu thị Co.opmart, BigC, Vissan… 

Vĩnh Long là điểm đầu tư tốt

Đại diện Công ty CP Acecook Việt Nam chi nhánh Vĩnh Long: Vĩnh Long là điểm đầu tư tốt bởi nguồn lao động dồi dào và luôn có sẵn.
 
Người lao động cần cù, hỗ trợ tốt cho DN. Hệ thống giao thông thuận tiện, lương tối thiểu vùng 3- thuận lợi so với một số khu vực khác. Đặc biệt là sự quan tâm, ủng hộ của các cơ quan ban ngành, chính quyền địa phương.

Để sản phẩm đứng vững trên thị trường, từ phương pháp ủ chượp truyền thống của gia đình, DN đã đột phá cải tiến, áp dụng công nghệ cao như: giải pháp sản xuất nước mắm có hàm lượng đạm cao bằng phương pháp cô đặc trong môi trường chân không, cho ra đời các sản phẩm từ bình dân đến cao cấp 400, 600 đạm.

Không chỉ ứng dụng sản xuất xanh trong công nghiệp, từ lâu, việc hạn chế sử dụng phân, thuốc bảo vệ thực vật… đảm bảo các tiêu chuẩn về môi trường, an toàn vệ sinh thực phẩm cũng đã được ngành nông nghiệp quan tâm. Nhờ tuân thủ nghiêm ngặt các quy định nên thị trường tiêu thụ sản phẩm của HTX Rau an toàn Thành Lợi ngày càng mở rộng.
 
Ông Lê Văn Trung- Chủ nhiệm HTX cho biết: Từ đầu năm đến nay, HTX đã xuất được 150 tấn rau củ các loại cho thị trường trong tỉnh đến Cần Thơ, Hậu Giang, Tiền Giang, Co.opmart Đà Lạt… Năm 2014, HTX có đơn hàng xuất sang Nhật và Trung Quốc. Tương tự, sản phẩm của HTX Rau an toàn Phước Hậu đã giữ vững vị trí tại nhiều cửa hàng bán lẻ và chen chân vào Co.opmart Vĩnh Long.

Theo một người tiêu dùng: “Rau của HTX Phước Hậu được đánh giá cao về an toàn vệ sinh thực phẩm, lại có địa chỉ, logo rõ ràng nên người tiêu dùng an tâm hơn”.

Thực tế cho thấy, công nghệ sản xuất xanh, sản phẩm thân thiện môi trường ngày càng được ưa chuộng, là xu thế phát triển của thời đại. Đây là mục tiêu mà các tỉnh ĐBSCL hướng tới.

Góp phần vào tái cơ cấu kinh tế và đổi mới mô hình tăng trưởng của ĐBSCL phải kể đến một đại diện kiêu hãnh- điện gió Bạc Liêu. Với công suất thiết kế 99MW, cung cấp 310 triệu kWh điện (tổng vốn đầu tư 2 giai đoạn 5.200 tỷ đồng cho 62 tua bin điện gió, giai đoạn 1 với 10 tua bin đã hoàn thành, hòa vào lưới điện quốc gia).

Lấy sức gió từ thiên nhiên để tạo ra dòng điện- đây là nguồn năng lượng xanh, thân thiện môi trường và là mô hình phát triển của tương lai. Với dự án này, ĐBSCL đang từng bước thoát khỏi tình trạng thiếu điện. Hơn thế nữa, điện gió Bạc Liêu đã tạo niềm tin về khai thác, sử dụng có hiệu quả nguồn năng lượng sạch ở vùng đất giàu tiềm năng biển như ĐBSCL.


Điện gió- nguồn năng lượng sạch cần được đầu tư xứng tầm trong thời gian tới.

Theo ông Phạm Thành Khôn, tăng trưởng xanh là một trong những nội dung quan trọng nhằm nâng cao hiệu quả tái tạo và sử dụng năng lượng, thay đổi cơ cấu nhiêu liệu, giảm phát khí thải; rà soát, điều chỉnh quy hoạch các ngành sản xuất ô nhiễm môi trường; áp dụng sản xuất sạch hơn…

Riêng về Vĩnh Long, ông Nguyễn Bá Cường- Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), cho rằng: Vĩnh Long có thế mạnh là nằm ở vị trí giữa khu vực ĐBSCL, hạ tầng giao thông ngày càng cải thiện, tiềm năng phát triển rau quả, thủy sản, chăn nuôi… rất lớn.

Cũng vì vậy, ông Đặng Quang Tấn- Phó Trưởng Ban Quản lý Các khu công nghiệp tỉnh Vĩnh Long cho biết, hiện các khu- tuyến công nghiệp chỉ thu hút đầu tư công nghệ sạch. Đặc biệt quan tâm các dự án chế biến nông- thủy sản xanh.

Phát triển kinh tế xanh là cách để đạt được mục tiêu tăng trưởng, phát triển kinh tế bền vững, bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học, khai thác, sử dụng có hiệu quả tài nguyên thiên nhiên.


Bài, ảnh: TUYẾT HIỀN- THẢO LY

Các tin khác: