Đấu tranh với doanh nghiệp “ma”

Kỳ cuối: Để tạo môi trường kinh doanh lành mạnh, công bằng

Cập nhật, 07:01, Thứ Ba, 28/05/2013 (GMT+7)

>> Kỳ 1: Chưa “bứt dây” đã bỏ trốn
>> Kỳ 2: “Bắt bài” doanh nghiệp “ma”



Vĩnh Long đang nỗ lực tạo môi trường kinh doanh tốt nhất cho DN hoạt động và thu hút đầu tư mới. Do đó, đấu tranh ngăn ngừa DN “ma” là một trong những giải pháp rất được quan tâm.

Đấu tranh với doanh nghiệp (DN) “ma” có gây thêm áp lực đối với DN? Khi đặt vấn đề này, chúng tôi nhận được những lời giải rất thuyết phục rằng đó cũng là giải pháp giúp DN làm ăn chân chính yên tâm hoạt động, đồng thời tạo môi trường kinh doanh lành mạnh, công bằng.

Kiên quyết nhưng thận trọng

Lộ trình cải cách thủ tục hành chính tạo điều kiện thuận lợi hơn cho DN gia nhập thị trường. DN được hưởng lợi từ việc tự in hóa đơn với quy trình nghiệp vụ đơn giản, trong khi cơ quan quản lý nhà nước cũng thuận tiện hơn trong việc theo dõi, giám sát.

Đây là lợi ích “nhân đôi” mà việc sử dụng hóa đơn tự in mang lại từ khi Nghị định số 51 của Chính phủ về cho phép DN tự in, quản lý và sử dụng hóa đơn có hiệu lực. Trong khi đó, việc đăng ký DN đang phát triển theo hướng thuận lợi, minh bạch và hiệu quả. Các thủ tục hành chính trong lĩnh vực đăng ký kinh doanh của DN ngày càng đơn giản và tiết kiệm cho DN.

Nghị định số 05/2013 của Chính phủ đã quy định việc tập trung đăng bố cáo thành lập DN tại cổng thông tin đăng ký DN quốc gia. Quy định này vừa đơn giản hóa thủ tục cho DN vừa tạo điều kiện để cộng đồng DN giám sát trách nhiệm công bố thông tin DN.

Tuy nhiên, theo ông Đặng Văn Danh- Phó Cục trưởng Cục Thuế tỉnh, thực hiện Nghị định 51, Thông tư 153 giao quyền tự chủ, tự quản lý hóa đơn của DN, việc quản lý hóa đơn có phần khó hơn do tình trạng mua bán hóa đơn bất hợp pháp diễn biến phức tạp, tinh vi hơn.
 
Nếu trước đó, DN phải đến cơ quan thuế mua hóa đơn, trường hợp nghi vấn ngành thuế có thể xem xét, xác minh và từ chối không bán hóa đơn cho DN chưa đủ điều kiện, thì hiện nay, để phát hiện và xử lý DN “ma” nhưng đồng thời không làm “rào cản” hoạt động của DN là điều mà ngành thuế rất thận trọng.

Ông Trần Văn Thoi- Đội trưởng Đội Kiểm tra Chi cục Thuế huyện Tam Bình, cho rằng ngành thuế kiểm tra nhưng phải bảo đảm không làm ảnh hưởng quá trình sản xuất kinh doanh của DN. Khi tới DN thì tâm sự, trao đổi cho DN hiểu kiểm tra là công việc thường xuyên của ngành thuế và DN nào cũng có thể được kiểm tra, rồi mới thực hiện các bước nghiệp vụ để không làm DN bị ức chế.

Hồ sơ DN nghi vấn phải phân tích đánh giá rủi ro thật kỹ càng trước khi đưa ra kết luận. Với quy trình thận trọng trên tinh thần hỗ trợ DN, theo ông Thoi, có nhiều DN ở địa phương sai sót do họ sơ suất là chủ yếu, chứ không cố tình làm sai. Vì vậy, nhiều DN xin kiểm tra dùm để yên tâm làm ăn và không muốn vi phạm.

“DN làm ăn chân chính thấy lâu không thanh- kiểm tra còn đề nghị ngành thuế thanh tra giúp, coi kế toán làm có sai để kịp thời sửa chữa. Thực hiện quy chế thanh- kiểm tra, với số lượng DN trong tỉnh thanh- kiểm tra luân phiên 5 năm cũng chưa quay lại được”- ông Trương Minh Luân- Trưởng Phòng Thanh tra (Cục Thuế tỉnh Vĩnh Long) bảo vậy.

Môi trường hoạt động của DN ngày càng thông thoáng, đối với ngành thuế không còn quan niệm “thu đúng thu đủ” mà là “nộp đúng nộp đủ” trao quyền tự chủ, tự giác cho người nộp thuế. Còn trong đăng ký kinh doanh đã chuyển từ “tiền kiểm hậu đăng” sang cơ chế “tiền đăng hậu kiểm” bỏ bớt phiền hà, nhiêu khê giúp DN gia nhập thị trường dễ dàng.

Vì môi trường kinh doanh lành mạnh, công bằng

Hạn chế DN “ma” là một trong những yếu tố tạo môi trường kinh doanh lành mạnh, công bằng. “Quyết tâm trong lãnh đạo của ngành thuế tạo môi trường trong sạch, không để DN “ma” có đất hoạt động”- bà Lê Thị Hồng Lĩnh- Chi cục trưởng Chi cục Thuế huyện Tam Bình, nói vậy.
 
Và để làm được điều đó, “với những DN mới thành lập phải nắm bắt thông tin chủ DN, giám đốc, trụ sở kinh doanh, kho bãi… hướng dẫn các quy định về thuế để tránh sai do chủ quan. DN đang hoạt động tăng cường giám sát kê khai thuế, nếu có doanh thu tăng đột biến, kê khai nhiều nộp thuế ít, phải điều tra làm rõ.
 
Những DN ngừng hoạt động đã làm thủ tục giải thể phải quyết toán ngay. Chúng tôi phân DN ra 2 dạng: dạng DN an toàn- hoạt động bình thường; dạng DN đăng ký thành lập nhưng không hoạt động. Hiện huyện có 48/179 DN thuộc diện quan tâm này, chúng tôi sẽ rà soát làm rõ lý do không hoạt động, vì khó khăn kinh tế hay thành lập để chờ thời cơ”.

Ông Đặng Văn Danh thẳng thắn nhìn nhận: “DN “ma” bỏ trốn là dấu hiệu không tốt quản lý thuế trên địa bàn và khắc phục hậu quả rất khó khăn”. Trong giai đoạn từ tháng 10/2007 đến tháng 12/2012, số vụ DN “ma” trốn thuế, mua bán hóa đơn bất hợp pháp là 130 vụ.

Trong đó, số vụ không xử được do “ra quyết định tới đâu trốn tới đó” chiếm tỷ lệ cao. Vì vậy, ông Danh cho rằng cần có biện pháp mạnh truy cứu, xử lý hình sự để răn đe DN “ma”. Bởi các quyết định xử lý hành chính dường như vô hiệu khi DN “ma” “đánh bài chuồn”.

Điều này đòi hỏi các ngành liên quan phải tăng cường phối hợp chặt chẽ trong đấu tranh, phòng chống các hành vi tội phạm trong lĩnh vực thuế. Thời gian qua, điển hình như công tác phối hợp giữa Phòng Thanh tra- Cục Thuế và Phòng PC46- Công an Vĩnh Long mang lại hiệu quả thiết thực.

Qua việc cung cấp thông tin qua lại giữa 2 đơn vị, tình hình các DN “ma” đăng ký kinh doanh với nhiều ngành nghề, nhưng mục đích để mua bán hóa đơn GTGT tạm lắng, loại tội phạm vi phạm việc kê khai thuế mới nổi lên được nhận diện.
 
Lợi dụng quy định tự khai nộp thuế, nhiều DN đã không kê khai nộp thuế, hoặc kê khai thấp hơn doanh số thực tế, gây thất thoát ngân sách hàng chục tỷ đồng. Khi phát hiện các vụ việc này, PC46 đã thông báo, phối hợp với ngành thuế có biện pháp ngăn chặn, truy thu kịp thời.

Cùng với lộ trình cải cách thủ tục hành chính, xây dựng môi trường kinh doanh tốt cho hoạt động DN và nói như ông Phan Tấn Thành: hoạt động của DN “ma” có muôn hình vạn trạng, nhưng thông tin về những phương thức thủ đoạn mới của tội phạm không nhiều, đòi hỏi cán bộ ngành thuế phải luôn nghiên cứu, nâng cao trình độ nghiệp vụ.

Mặt khác, ông Huỳnh Vân Hải- Cục trưởng Cục Thuế tỉnh từng khẳng định: Nếu cán bộ thuế nào cố tình làm trái quy trình, tiếp tay, tạo điều kiện cho DN “ma” tồn tại thì ngành thuế sẽ kiên quyết xử lý.

Các DN làm ăn chân chính cần góp phần ngăn ngừa và phát hiện DN “ma”, theo hướng dẫn của Tổng cục Thuế:

1. Chỉ nên quan hệ làm ăn với những DN mình biết rõ.

2. Khi làm ăn với các DN chưa quen biết, cần kiểm tra: tư cách pháp nhân, đăng ký kinh doanh, đăng ký thuế thông qua cơ quan thuế quản lý DN hoặc chủ động truy cập thông qua trang web của Tổng cục Thuế.

3. Khi nhận hóa đơn bán hàng, cung ứng dịch vụ, cần phải kiểm tra xem hóa đơn đó có được in, phát hành, sử dụng theo quy định; kiểm tra xem hóa đơn có ghi đầy đủ các nội dung về tên, địa chỉ, người bán, cung cấp, mã số thuế… hay không; đối chiếu mã số thuế thông qua trang web Tổng cục Thuế; yêu cầu người bán, cung cấp thực hiện đúng quy trình ghi hóa đơn.


Bài, ảnh: LÝ AN