Chuẩn bị thử nghiệm vắc-xin Covid-19 ARCT-154 công nghệ của Mỹ

Cập nhật, 13:43, Thứ Ba, 03/08/2021 (GMT+7)

Theo kế hoạch, ngày 8/8, chương trình thử nghiệm lâm sàng vắc-xin ARCT-154 phòng Covid-19 sẽ khởi động tại Trường Đại học Y Hà Nội. Đây là vắc-xin do Vingroup mua công nghệ từ Mỹ.

Ngày 2/8, Bộ Y tế đã ban hành quyết định phê duyệt đề cương nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng vắc-xin ARCT-154 phòng Covid-19.

Trước đó, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và lãnh đạo Bộ Y tế về việc chuyển giao công nghệ vắc-xin Covid-19 để sớm có sản phẩm phục vụ công tác phòng chống dịch, Tập đoàn VinGroup, thông qua công ty thành viên của mình là Công ty Cổ phần công nghệ Sinh học VinBioCare đã tiếp cận, đàm phán với Công ty Arcturus Therapeutics, Inc, Mỹ mua công nghệ vắc-xin mRNA phòng Covid-19 và sẽ triển khai đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất vắc-xin này tại Khu công nghệ cao Hòa Lạc.

 Tiêm thử nghiệm vắc-xin Covid-19 do Việt Nam sản xuất tại Trường ĐH Y Hà Nội
Tiêm thử nghiệm vắc-xin Covid-19 do Việt Nam sản xuất tại Trường ĐH Y Hà Nội

Tổ công tác đặc biệt của Bộ Y tế đã tổ chức nhiều cuộc họp với Tập đoàn VinGroup, đối tác chuyển giao Arcturus, các đơn vị thử nghiệm lâm sàng vắc-xin (Trường Đại học Y Hà Nội, Viện Pasteur TP HCM, Học viện Quân y); và các chuyên gia trong lĩnh vực nghiên cứu sản xuất, kiểm định vắc-xin, các tổ chức hỗ trợ nghiên cứu để xây dựng, thống nhất đề cương, hồ sơ nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng tại Việt Nam.

Vắc-xin Covid-19 ARCT-154 sẽ được thực hiện cả 3 giai đoạn 1, 2, 3 ở Việt Nam trên người tình nguyện tham gia nghiên cứu từ 18 tuổi trở lên, trong đó:

+ Giai đoạn 1: Thực hiện tại Trường Đại học Y Hà Nội trên 100 người tình nguyện.

+ Giai đoạn 2: Thực hiện trên 300 người tình nguyện tại các tổ chức nhận thử và tại cộng đồng ở các tỉnh triển khai nghiên cứu.

+ Giai đoạn 3: Số lượng 20.600 đối tượng, gồm giai đoạn 3a (600 người tình nguyện) và 3b (20.000 người tình nguyện).

Theo kế hoạch, ngày 8/8 tới đây sẽ tổ chức khởi động chương trình thử nghiệm lâm sàng vắc-xin ARCT-154 phòng Covid-19 tại Trường Đại học Y Hà Nội.

Với năng lực sản xuất lên tới 200 triệu liều/năm, dự kiến VinGroup sẽ xuất xưởng lô vắc-xin đầu tiên vào đầu năm 2022.

Vắc-xin ARCT-154 được phát triển theo công nghệ saRNA (self-amplifying mRNA-mRNA tự nhân bản). Đây là công nghệ mới, cho phép sử dụng liều vắc-xin thấp hơn, trong khi kích thích miễn dịch kéo dài hơn. Công nghệ vắc-xin mRNA thích hợp để đáp ứng nhanh với các biến thể nCoV nhờ đặc tính hóa học, vật lý của mRNA vẫn giữ nguyên, ngay cả với những thay đổi trình tự nhỏ cần thiết để phù hợp với các đột biến của virus. Nhờ vậy, việc phát triển vắc-xin mRNA cho hiệu quả phòng ngừa biến thể nCoV nhanh chóng và đơn giản, có khả năng chống lại các biến chủng mới nguy hiểm như Alpha, Beta, Delta, Gamma…

Kết quả thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 1 và 2 của vắc-xin này tại Singapore và Mỹ cho kết quả rất khả quan, tỉ lệ chuyển đổi huyết thanh đạt trên 90%, đạt yêu cầu về độ an toàn và khả năng dung nạp.

Theo Báo Người Lao Động (www.nld.com.vn)