Tạo ra nam châm mỏng nhất thế giới

Cập nhật, 06:26, Thứ Bảy, 31/07/2021 (GMT+7)

Nam châm mỏng nhất thế giới- chỉ dày 1 nguyên tử- đã được các nhà khoa học tạo ra và có thể mang lại những tiến bộ to lớn trong tính toán và vật lý lượng tử. Thiết kế này là sản phẩm trí tuệ của các chuyên gia Phòng Thí nghiệm quốc gia Lawrence Berkeley và ĐH California, Berkeley.

Độ dày của nam châm khoảng một phần triệu của một tờ giấy, nó linh hoạt và có thể hoạt động ở nhiệt độ môi trường xung quanh, không giống như dạng nam châm khác.

Với điều này, thiết kế có thể tìm thấy ứng dụng trong lưu trữ dữ liệu spintronic, trong đó thông tin được mã hóa bằng sự xoay của electron, thay vì
điện tích.

GS. Jie Yao cho biết: “Về mặt lý thuyết, chúng ta biết rằng nam châm càng nhỏ thì mật độ dữ liệu tiềm năng của đĩa càng lớn. Nam châm 2D của chúng tôi không chỉ là nam châm đầu tiên hoạt động ở nhiệt độ phòng hoặc cao hơn, mà còn là nam châm đầu tiên đạt đến giới hạn 2D thực sự- nó mỏng như một nguyên tử!”.

Các thiết bị bộ nhớ ngày nay thường sử dụng các màng từ tương đối mỏng- nhưng, khi xét trên quy mô nguyên tử, chúng vẫn là 3 chiều, với độ dày từ hàng trăm đến hàng ngàn nguyên tử.

Các nam châm mỏng hơn và nhỏ hơn tiếp cận 2 chiều hấp dẫn các nhà nghiên cứu, vì chúng có tiềm năng lưu trữ dữ liệu ở mật độ cao hơn nhiều- nghĩa là sẽ cần ít không gian hơn để chứa một lượng thông tin nhất định.

HẢI HUỲNH (Nguồn: the journal Nature Communications)