Mực nước sông Mekong tại Thái Lan thấp kỷ lục

Cập nhật, 05:39, Chủ Nhật, 21/07/2019 (GMT+7)

Trang tin tức Bangkok Post của Thái Lan ngày 15/7 cho hay, mực nước sông Mekong đang ở mức thấp nhất trong vòng một thập kỷ qua.

Thái Lan ghi nhận mực nước sông Mekong thấp nhất trong thập kỷ qua.Ảnh minh họa: The Nation
Thái Lan ghi nhận mực nước sông Mekong thấp nhất trong thập kỷ qua.Ảnh minh họa: The Nation

Theo đó, mực nước sông Mekong đoạn chảy qua Thái Lan đang ở mức 2,6m, thấp hơn khoảng 10m so với điểm tràn bờ. Cùng kỳ năm ngoái, mực nước ở khúc sông này cao 12m.

Trạm khí tượng ở Nakhon Phanom, tỉnh Đông Bắc Thái Lan đã đo được lượng mưa trung bình năm nay là 90mm, trong khi năm ngoái đo được mức 300mm.

Nhiều khu vực ở Thái Lan năm nay hứng chịu thời tiết khô hạn kéo dài bất thường ngay cả trong mùa mưa. Hạn hán khiến nước ở các nhánh của sông Mekong như Nam Kam, Nam Oun và Nam Songkhram chỉ ở mức 20- 30% so với bình thường. Tình hình được dự đoán sẽ tồi tệ hơn cho đến khi mùa mưa tới.

Được biết, Cơ quan Thủy lợi tỉnh Nakhon Phanom bắt đầu dự trữ nước tại 13 hồ chứa trong 12 huyện để chuẩn bị cứu hạn. Nông dân tại các khu vực tưới tiêu được yêu cầu giảm hoạt động nông nghiệp để tránh thiệt hại do hạn hán.

Dự án thành lập 13 hồ chứa tại Thái Lan nằm trong Dự án Phát triển nước Huai Luông của Văn phòng Tài nguyên nước quốc gia Thái Lan (ONWR). Đây là kế hoạch sử dụng nước tràn từ sông Mekong trong mùa lũ để tưới cho vùng đất nông nghiệp ở các tỉnh phía Đông Bắc.

Dự án này là phiên bản cập nhật một kế hoạch tưới nước được khởi xướng cách đây 30 năm (kế hoạch Khong-Chi-Mun) nhằm mở rộng tưới tiêu đến các khu vực khô cằn ở Đông Bắc.

Dự án bao gồm một loạt các đập, kinh thủy lợi và trạm bơm sẽ được thiết lập tại các nhánh của sông Mekong ở Udon Thani và Nong Khai để tràn ra các sông ở địa phương và lưu trữ nước cho mùa khô.

Một số hạng mục của dự án Khong-Chi-Mun đã được xây dựng cách đây 2 thập kỷ nhưng đã bị dừng lại do tác động từ người dân địa phương.

Sau đó, dự án này được hồi sinh và được phát triển thêm thành dự án Huai Luang dưới sự hỗ trợ ngân sách 21 tỷ baht (khoảng 16.000 tỷ đồng). Một phần lớn số tiền được dùng để mua máy bơm nước. Địa hình không bằng phẳng đòi hỏi máy bơm nước hoạt động liên tục để bơm nước sông Mekong tới các kênh, rạch nằm trên phần đất cao hơn.

Sau dự án Huai Luang, ONWR còn dự định sẽ thúc đẩy các kế hoạch khác để chuyển nước lũ từ sông Mekong chảy vào các nhánh sông ở Thái Lan để cải thiện thủy lợi. Kế hoạch này bao gồm các dự án lưu trữ nước ở hồ Nong Han Kamphawapi và đập Kalasin Lam Pao.

Chương trình tích nước quy mô lớn ở Thái Lan được coi là kế hoạch “chuyển nước” sông Mekong, đã gây ra sự phản đối của những quốc gia cùng hưởng lợi chung từ dòng sông quốc tế này. Các chuyên gia nhận định kế hoạch “chuyển nước” này là rất đáng lo ngại đối với các nước ở hạ nguồn như Việt Nam, Lào, Campuchia.

Trước đây, các chuyên gia nhiều lần cảnh báo, các đập thủy điện của Trung Quốc cản trở đường di cư của các loài cá và chặn phù sa màu mỡ chảy xuống hạ nguồn. Các cộng đồng sống ven sông phải hứng chịu sự tăng giảm đột ngột của dòng chảy sông do điều tiết của các đập ở thượng nguồn. Giờ đây, kế hoạch của Thái Lan sẽ khiến cuộc sống của các khu vực hạ lưu thêm phần khó khăn hơn.

Là một trong số quốc gia ở hạ lưu con sông, Việt Nam đã có phản ứng về động thái này.

Đại diện Mạng lưới sông ngòi Việt Nam cho biết, hiện nay, theo Hiệp định Mekong năm 1995, tất cả các hoạt động có liên quan đến nguồn nước, chuyển nước với số lượng dù ít hay nhiều cũng cần tham vấn của các nước trong khu vực.

Đầu tiên, các dự án trên họ phải xin ý kiến của Ủy hội sông Mekong (MRC) và sau đó là Ủy ban sông Mekong Việt Nam, chưa kể phải xin ý kiến cộng đồng cùng các bên liên quan.

Thế nhưng, các hội viên hiện nay có thể đã có các tác động lớn nhưng chưa có chế tài. Nếu như các cuộc họp thông qua phương án nào đó thì coi như không bị vi phạm. Do không có chế tài nào có thể bắt phạt, nên khi các nước thượng lưu tự ý làm bất kỳ dự án nào và thiệt thòi lớn nhất vẫn là các nước hạ lưu.

Chuyên gia cảnh báo lũ, xâm nhập mặn đáng nguy ở ĐBSCL

ThS. Nguyễn Hữu Thiện- chuyên gia độc lập về sinh thái ĐBSCL- cảnh báo tình trạng lũ và xâm nhập mặn đáng lưu ý ở ĐBSCL do ảnh hưởng từ mực nước thấp báo động trên sông Mekong:

Theo bản tin dự báo của Cơ quan Khí quyển và Đại dương quốc gia Hoa Kỳ ra ngày 15/7/2019 thì hiện nay, đang có tình trạng El Nino yếu và sẽ chuyển sang trạng thái ENSO trung tính trong 1 đến 2 tháng tới ở Bắc bán cầu. Như vậy, có khả năng lượng mưa trong lưu vực Mekong trong vòng 1- 2 tháng tới sẽ thấp.

Trong khi đó, mực nước sông Mekong tại Vientiane (Lào), Thái Lan đang ở mức thấp kỷ lục so với tất cả các năm trước. Mực nước này có nghĩa là tình hình mùa lũ năm nay ở ĐBSCL sẽ rất thấp và về rất muộn, kéo theo sang mùa khô đầu năm 2020, sau tết, xâm nhập mặn ven biển ĐBSCL sẽ vào sâu trong đất liền.

PV

ĐÔNG PHƯƠNG (theo ĐVO)