Ăn côn trùng có thể phòng chống ung thư

Cập nhật, 12:25, Thứ Sáu, 19/07/2019 (GMT+7)

Ăn kiến, châu chấu và dế có thể được khuyến nghị để bảo vệ cơ thể khỏi bệnh ung thư - theo nghiên cứu đột phá của các nhà khoa học Ý.

 Châu chấu đã xuất hiện trong món ăn ở nhiều nước. Ảnh: MSN
Châu chấu đã xuất hiện trong món ăn ở nhiều nước. Ảnh: MSN

Một loạt thí nghiệm của các nhà khoa học tại Đại học Rome cho thấy các loài côn trùng có mặt khắp mọi nơi chứa nồng độ chất chống ôxy hóa cao.

Những hợp chất này đóng vai trò rất quan trọng trong việc giảm các phản ứng hóa học trong cơ thể sinh ra các gốc tự do có hại vốn làm tăng nguy cơ ung thư cũng như một số bệnh mãn tính như tiểu đường và tim mạch.

Mặc dù nhiều loại trái cây và rau củ cũng cung cấp nhiều hợp chất chống ôxy hóa, song quá trình sản xuất, vận chuyển và tiêu thụ rau quả thường không thân thiện môi trường do phát thải nhiều khí CO2.

Giáo sư Mauro Serafini, trưởng nhóm nghiên cứu, cho biết có ít nhất 2 tỉ người – tức hơn 1/4 dân số thế giới - thường xuyên ăn các loại côn trùng như bọ, ong, kiến non...

Côn trùng ăn được là nguồn cung tuyệt vời về chất đạm (prôtêin), axít béo không bão hòa đa, khoáng chất, vitamin và chất xơ, nhưng cho đến nay, không ai so sánh chúng với các thực phẩm bổ dưỡng như dầu ô liu hoặc nước cam về hoạt tính chống ôxy hóa. Do vậy, Giáo sư Mauro và các cộng sự muốn khám phá tiềm năng chống ôxy hóa của chúng.

Trong nghiên cứu mới, nhóm chuyên gia đã kiểm tra mức độ hoạt chất chống ôxy hóa của hàng loạt côn trùng ăn được có bán trên thị trường, bằng nhiều biện pháp khác nhau.

Các phần không ăn được của côn trùng như cánh và kim chích được loại bỏ, sau đó nghiền nát và chiết tách thành hai phần riêng biệt: chất béo và phần còn lại tan trong nước.

Họ phát hiện nhiều loài chứa hàm lượng chất chống ôxy hóa cao gấp nhiều lần so với nước cam hoặc dầu ô liu, 2 trong số những thực phẩm thường được khuyên dùng để hạn chế các gốc tự do.

Thành phần hòa tan trong nước của châu chấu, tằm và dế có nồng độ chất chống ôxy hóa cao nhất, nhiều gấp 5 lần so với nước cam tươi.

Trong khi đó, châu chấu, kiến ​​đen và sâu bột chứa hàm lượng chất chống ôxy hóa polyphenol cao nhất. Chiết xuất tan trong chất béo của tằm, ve sầu khổng lồ và sâu bướm châu Phi có khả năng chống ôxy hóa cao gấp đôi so với dầu ô liu.

“Trong tương lai, chúng ta có thể điều chỉnh chế độ ăn uống kết hợp thêm côn trùng để tăng hàm lượng chất chống ôxy hóa cho con người và cả vật nuôi” - Giáo sư Mauro cho biết.

Một lợi ích bổ sung của việc ăn côn trùng là để lại “dấu chân carbon” thấp, do sử dụng côn trùng tốt hơn cho môi trường so với hoạt động nuôi trồng thông thường. Các nhà khoa học thực phẩm tin rằng trong những thập kỷ tới, người tiêu dùng sẽ kết hợp côn trùng vào chế độ ăn uống hàng ngày.

Côn trùng cũng là nguyên liệu bào chế thuốc

Việc sản xuất thuốc từ động vật, chủ yếu là côn trùng, đã xuất hiện từ lâu trên khắp thế giới và hiện vẫn được áp dụng trong y học hiện đại ở một số quốc gia. Ví dụ, bọ hung được dùng điều trị táo bón, tơ nhện chữa lành vết thương và châu chấu giúp giảm đau đầu.

Tuy một số “phương thuốc” từ côn trùng bị coi là không khoa học, nhưng số khác đã được khoa học chứng minh là có tiềm năng, chẳng hạn như mật ong được phát hiện có đặc tính kháng sinh và chống viêm trong một số nghiên cứu.

Các nhà khoa học tại Đại học Stanford (Mỹ) còn phát hiện nọc độc của bọ cạp chứa hai hóa chất có khả năng kháng khuẩn khi chúng tiêu diệt vi khuẩn gây bệnh ở chuột nhưng không sinh tác dụng phụ độc hại.

Theo HOÀNG ĐIỂU/Báo Cần Thơ