Thủy điện có gây lũ lụt ở hạ du?

Cập nhật, 14:59, Chủ Nhật, 16/12/2018 (GMT+7)

Thủy điện có gây lũ lụt ở hạ du? Có hay không hiện tượng lũ chồng lũ? Đó là những câu hỏi tạo nên ý kiến trái chiều giữa các chuyên gia.

Hồ thủy lợi Cửa Đạt.
Hồ thủy lợi Cửa Đạt.

Thủy điện cắt lũ, giảm lũ cho hạ du...

Tại hội thảo đánh giá an toàn hồ đập ở các tỉnh phía Bắc Việt Nam do Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) tổ chức ngày 12/12, một số chuyên gia cho rằng các công trình thủy điện không gây ra lũ ở hạ du và không có chuyện lũ chồng lũ.

Theo TS. Chu Phượng Chí (Hội Thủy lợi Việt Nam), thủy điện có gây úng ngập nhưng đây không phải là nguyên nhân chính.

Ông nói: “Đã là hồ chứa thủy lợi, đập thủy điện bao giờ cũng cắt lũ, giảm lũ cho hạ du, không có chuyện tăng lũ cho hạ du bởi nếu không có hồ đập, tất cả lũ vẫn đổ xuống hạ du. Đằng này có đập thì ít nhiều nó cũng giữ lũ lại, làm sao tăng ngập được!”

TS. Chu Phượng Chí phân tích cụ thể về các loại hồ thủy lợi, thủy điện: Đối với hồ chứa có dung tích phòng lũ lớn như Hòa Bình, Sơn La trên sông Đà, Thác Bà trên sông Chảy, Tuyên Quang thuộc hệ thống Lô- Gâm và một số hồ ở các nơi như Cửa Đạt (Thanh Hóa), Tả Trạch (Thừa Thiên- Huế), Vũ Quang, Ngàn Tươi (Hà Tĩnh) thì các con lũ nhỏ đều được giữ lại trong hồ nên nhiều năm hạ du không có lũ.

Với công trình đập dâng không có tràn khống chế lũ do đập đã thu hẹp lòng sông nên khi lũ về đã có tác dụng giảm nhẹ lũ cho hạ du nhưng thường không lớn.

Loại đập dâng có cửa tràn tạo lượng chứa nhỏ để điều tiết phát điện ngày đêm về mùa khô, khi lũ về các cửa tràn đều mở trước lũ hoặc trong khi lũ về thì đập vẫn xả lũ với lưu lượng lớn nhất.

Trong trường hợp này, nói lũ chồng lũ là không có cơ sở vì lưu lượng đỉnh lũ xả xuống hạ du luôn nhỏ hơn lưu lượng đỉnh lũ về công trình.

Các hồ thủy lợi, thủy điện loại 3 được xây dựng nhiều ở miền Trung và Tây Nguyên chỉ làm nhiệm vụ điều tiết nước ngày đêm nên các hồ này không có tác dụng cắt giảm lũ cho hạ du khi xảy ra mưa lũ lớn. “Vì vậy, cho rằng việc xây dựng thủy điện ở khu vực này gây ra úng ngập ở hạ du là chưa chính xác”- TS. Chu Phượng Chí nói.

Minh chứng cho điều này, ông Lê Văn Thủy- Tổng Giám đốc Công ty TNHH 1TV Sông Chu, đơn vị quản lý hồ thủy lợi Cửa Đạt- khẳng định, cắt lũ là nhiệm vụ quan trọng trước tiên của hồ này.

“Hồ Cửa Đạt có dung tích thiết kế 1,45 tỷ m3 thì đã dùng gần một nửa để cắt lũ, thậm chí những trận lũ vừa rồi có thể cắt lũ toàn bộ. Có những trận lũ 300- 400 triệu m3 đều được tích hết trong hồ. Cho nên nói hồ thủy lợi xả lũ gây ngập lụt cho hạ du là không phải.

Từ lúc hồ Cửa Đạt tích nước từ năm 2010 đến nay, chỉ có năm 2017 và 2018 là phải xả lũ, còn trước đây lũ về đều tích ở hồ để điều tiết cho mùa khô hết.

Đồng quan điểm, kỹ sư cao cấp Hoàng Xuân Hồng (Hội Đập lớn Việt Nam) cho rằng, không có chuyện thủy điện làm tăng lũ hạ du dù là nhỏ hay lớn và không có chuyện lũ chồng lũ.

Theo ông, thực tế, các hồ thủy điện từ xưa đến nay, trừ các hồ lớn như Hòa Bình, Sơn La, Lai Châu..., các thủy điện ở miền Trung nói chung có dung tích phòng lũ rất ít, có những hồ như hồ Bình Điền hoàn toàn không có dung tích phòng lũ vì được xây dựng hồ với mục đích phát điện chứ không phải với mục đích chống lũ.

Thực tế “lũ chồng lũ”?

Thể hiện một quan điểm khác, TS. Đào Trọng Tứ (Hội Tưới tiêu Việt Nam) nhấn mạnh, an toàn hồ đập ở Việt Nam cần phải được nhận thức đầy đủ và phải có biện pháp toàn diện để không xảy ra sự cố, thảm họa vỡ đập ở Việt Nam.

“Hoạt động xả lũ của các hồ chứa thủy lợi, thủy điện gây ra tác hại cho hạ du không phải không có. Nếu nói không gây ra ngập lụt ở hạ du khác nào những gì các nhà khoa học phản biện, người dân phản ánh là sai hết? Về vấn đề này chúng tôi đã có nghiên cứu hẳn hoi”- ông nói.

PGS.TS Chu Văn Ngợi (Hội Kinh tế môi trường Việt Nam) chỉ ra rằng, khi các đập xả lũ đã tác động mạnh mẽ đến môi trường tự nhiên ở hạ du đập mà trước hết là làm thay đổi chế độ thủy văn ở hạ du đập. Chế độ thủy văn ở vùng gần chân đập trở lên khắc nghiệt hơn với đặc tính lưu tốc lớn, động năng lớn nên khả năng phá hủy rất lớn.

Xả lũ cũng phá vỡ quy luật bồi tụ xói lở. Gia tăng xói lở ngang làm mất quỹ đất canh tác và uy hiếp các công trình văn hóa, uy hiếp nhiều tuyến đường giao thông. Tăng cường bồi tụ đáy, cản trở dòng chảy và gây bất lợi cho hoạt động phát triển.

Vào mùa lũ, xả lũ đôi khi làm cho lũ các sông liên quan dâng cao, nước tràn qua đập và qua đê, làm cho nhiều vùng bị ngập, phá hoại hoa màu, vùi lấp đất canh tác, các công trình.

Ông cũng đã dẫn chứng tác động xả lũ của thủy điện Hòa Bình và hồ thủy lợi Cửa Đạt đến môi trường tự nhiên ở hạ lưu đập.

Về vấn đề này, TS. Phan Tùng Mậu- Phó Chủ tịch VUSTA- cũng chỉ ra rằng, thực tế thời gian qua, ở Phú Yên, Quảng Nam, Quảng Ngãi... mưa nhiều, lũ gây ngập lụt nhưng có nhiều hồ đập lúc đó mới xả lũ. “Nước lũ cộng với hoạt động xả lũ của thủy điện khiến các địa phương đã lụt lại càng lụt thêm.

Vì thế, phải làm cho rõ nguyên nhân là vì đâu, do công tác quản lý vận hành hồ đập thực hiện không đúng quy trình hay vì lý do nào khác”- TS. Phan Tùng Mậu chỉ rõ.

ĐÔNG PHƯƠNG (theo ĐVO)