Tầng ozone đang dần hồi phục

Cập nhật, 09:03, Thứ Tư, 07/11/2018 (GMT+7)

Theo báo cáo khoa học mới được công bố ngày 5/10 vừa qua, tầng ozone đang dần được phục hồi nhờ tác động của Nghị định thư Montreal năm 1987 cấm các hóa chất gây hại cho tầng ozone.

Tầng ozone đang dần hồi phục. (Ảnh: UN)
Tầng ozone đang dần hồi phục. (Ảnh: UN)

Trong quá trình làm việc cùng Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO) và Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP) để đưa ra bản đánh giá khoa học này, các nhà nghiên cứu, chuyên gia hàng đầu thế giới về lĩnh vực khoa học khí quyển đã nhấn mạnh, các biện pháp được thông qua trong Nghị định thư Montreal đều hoàn toàn hữu dụng.

Các nghiên cứu cho thấy, tầng bình lưu khí quyển đang có xu hướng dần phục hồi với tốc độ từ 1% đến 3% mỗi thập kỷ, kể từ năm 2000. Theo dự báo, tầng ozone ở khu vực Bắc bán cầu và tại các vùng thuộc vĩ độ trung bình (khu vực ôn đới) có thể hồi phục hoàn toàn vào năm 2030.

Tiếp theo đến năm 2050, chúng ta sẽ nhìn thấy sự tái sinh của tầng ozone tại khu vực Nam bán cầu và đến năm 2060 sẽ là các vùng cực.

Đây là một tín hiệu đáng mừng, bởi tầng ozone đóng một vai trò quan trọng trong việc trong việc lọc ánh sáng Mặt trời, ngăn ngừa tác hại của tia cực tím đến được bề mặt Trái đất, qua đó bảo vệ sự sống trên hành tinh này.

Ông Geir Braathen, một chuyên gia của WMO, cho biết, Nghị định thư Montreal về tầng ozone được ký năm 1987 và sửa đổi, bổ sung nhiều lần. Tính đến năm 2015, đã có 197 quốc gia tham gia ký vào bản cam kết quốc tế đầu tiên về môi trường này.

Đó là lý do tại sao Nghị định thư Montreal là một trong những thỏa thuận đa phương thành công nhất trong lịch sử, Giám đốc điều hành UNEP Erik Solheim nhấn mạnh.

Hơn nữa, trong thời gian tới, Bản sửa đổi, bổ sung Kigali sẽ có hiệu lực từ ngày 1/1/2019 với điều kiện được ít nhất 20 bên tham gia Nghị định thư Montreal phê chuẩn.

Việc thực hiện thành công Bản sửa đổi, bổ sung Kigali sẽ tránh phát thải khoảng 70 tỷ tấn CO2 tương đương trên phạm vi toàn cầu cũng như ngăn chặn nhiệt độ trung bình toàn cầu tăng thêm khoảng 0,5 độ C vào cuối thế kỷ này.

Theo lộ trình thực hiện Bản sửa đổi, bổ sung Kigali của Nghị định thư Montreal, các quốc gia sẽ ngưng mức tiêu thụ các chất hydrofluorocarbures (HFC) trong từng giai đoạn.

Cho đến nay, đã có 58 quốc gia thành viên tham gia lộ trình này. Việc tuân thủ đầy đủ các giải pháp đưa ra sẽ làm giảm tới 50% sự nóng lên toàn cầu trong tương lai gây ra do các chất HFC vào năm 2050.

Theo Nhân dân