Phát hiện vi khuẩn chịu được điều kiện sống trên sao Hỏa

Cập nhật, 10:10, Thứ Ba, 10/07/2018 (GMT+7)

Tên khoa học của vi khuẩn là Planococcus halocryophilus. Khám phá này giúp giới khoa học có thêm hi vọng tìm thấy sự sống trên sao Hỏa.

Loại vi khuẩn nói trên có khả năng sống sót trong một chất hóa học tên là perchlorate - được tìm thấy ở nhiều loại đất của sao Hỏa. Perchlorate làm giảm đáng kể điểm mức đóng băng của nước và mang độc tính rất cao.

Vi khuẩn Planococcus halocryophilus, vốn tồn tại trong lớp băng vĩnh cửu ở Bắc Cực, còn được cho rằng sẽ ‘bình yên’ ngay cả trên sao Diêm Vương và các vệ tinh quay xung quanh sao Thổ và sao Mộc.

Vi khuẩn Planococcus halocryophilus có khả năng sống sót trong một chất hóa học được phát hiện trên sao Hỏa - Ảnh: NASA
Vi khuẩn Planococcus halocryophilus có khả năng sống sót trong một chất hóa học được phát hiện trên sao Hỏa - Ảnh: NASA

Các nhà khoa học tại Đại học Kỹ thuật Berlin, Đại học Tufts, Đại học hoàng gia London và Đại học bang Washington đã thử nghiệm khả năng chịu đựng của chúng trong môi trường Natri, Magiê và canxi clorua, cũng như perchlorate. 

Nhóm nghiên cứu muốn tìm hiểu khả năng sống sót của vi khuẩn trong các nồng độ perchlorate khác nhau. 

Nhiệt độ trung bình của sao Hỏa rơi vào khoảng -60°C, và tại các cực nhiệt độ giảm xuống tận -125°C. Nhóm nghiên cứu còn đưa vi khuẩn vào nhiều chu kỳ đông lạnh/làm tan từ -50°C đến 25°C.

Họ thấy rằng tỷ lệ chúng sống sót trong perchlorate thật ra thấp hơn nhiều so với những môi trường còn lại. 

Tuy nhiên, theo Jacob Heninz thuộc Đại học Kỹ thuật Berlin, sự hiện diện của chất này không hẳn ‘ngăn cản sự sống phát triển trên sao Hỏa hoặc bất cứ nơi nào khác’.

Vi khuẩn Planococcus halocryophilus

Anh cho biết trong nồng độ perchlorate 10% thì vi khuẩn vẫn có thể sinh sôi. Trong khi đó, perchlorate chỉ chiếm ít hơn 1% trọng lượng đất trên bề mặt sao Hỏa.

Tại sa mạc Atacama (môi trường khô hạn nhất thế giới) ở Chile và một số khu vực của Nam Cực tồn tại mức độ perchlorate tương đối cao. Rất có thể vi khuẩn đã tiến hóa để chống chọi lại với điều kiện mang độc tính như vậy, theo Theresa Fisher tại Đại học bang Arizona.

Theo cô, khi vi khuẩn bị căng thẳng, chúng sẽ hình thành phản ứng sốc. Tiếp theo, chúng sản xuất các loại protein riêng biệt để điều chỉnh, sống sót và thích nghi trong môi trường bất lợi.

Lỗ thủy nhiệt trong đại dương của vệ tinh Enceladus quay quanh sao Thổ - Ảnh: Dailymail
Lỗ thủy nhiệt trong đại dương của vệ tinh Enceladus quay quanh sao Thổ - Ảnh: Dailymail

Cùng với việc khám phá ra đại dương bên dưới bề mặt vệ tinh Europa của sao Mộc, vật chất hữu cơ trên sao Hỏa, và lỗ thủy nhiệt trong đại dương của vệ tinh Enceladus quay quanh sao Thổ, giới khoa học suy đoán có thể tồn tại sự sống ngoài Trái Đất.

Tuy nhiên, sự sống trên những hành tinh đó phải đối mặt với môi trường cực kì khắc nghiệt.

Theo ĐÌNH HẢI (TTO)