Cổ thụ ngàn năm ở châu Phi chết bí ẩn

Cập nhật, 20:19, Thứ Ba, 12/06/2018 (GMT+7)

Cây bao báp - loài cây cổ thụ được coi là biểu tượng của thảo nguyên châu Phi, được phát hiện đang chết hàng loạt một cách bí ẩn.

Panke, cây bao báp lâu đời nhất ở châu Phi, hiện đã chết - Ảnh: JOCELYN ALEXANDER
Panke, cây bao báp lâu đời nhất ở châu Phi, hiện đã chết - Ảnh: JOCELYN ALEXANDER

Theo BBC, các nhà khoa học quốc tế phát hiện hầu hết các cây bao báp lớn nhất và lâu đời nhất ở châu Phi lần lượt chết đi trong 12 năm qua mà không rõ nguyên nhân.

Nhóm nghiên cứu, đến từ các trường đại học ở Nam Phi, Romania và Mỹ, nói rằng sự mất mát này là "một sự kiện chưa từng có".

Trên tạp chí Nature Plants, nhóm nghiên cứu cho biết số cây trên chết đi không phải do dịch bệnh. Họ nghi ngờ biến đổi khí hậu có thể có liên quan dù không có bằng chứng trực tiếp.

Trước đó, các nhà nghiên cứu đã đến thăm những cây cổ thụ ở miền nam châu Phi từ năm 2005, dùng phương pháp cacbon phóng xạ để đo tuổi và cấu trúc của chúng.

Thật bất ngờ, họ phát hiện 8 trong số 13 cây bao báp lâu đời nhất và 5 trong số 6 cây bao báp lớn nhất đã chết hoàn toàn hoặc chết một phần. Số cây này - nằm rải rác ở Zimbabwe, Namibia, Nam Phi, Botswana và Zambia, có tuổi đời từ 1.000 đến hơn 2.500 năm.

"Chúng tôi nghi ngờ điều này có liên quan đến hạn hán và nhiệt độ tăng", tiến sĩ Adrian Patrut thuộc Đại học Babes-Bolyai ở Romania nói. Tuy nhiên ông nói cần có nghiên cứu sâu hơn để khẳng định giả thuyết này.

Cây bao báp còn được gọi là cây "chuột chết" do hình dáng quả của chúng. Đặc trưng của cây là thân mập mạp và lưu trữ một lượng lớn nước giúp cây chịu đựng được thời tiết khô hạn.

Cây có thể phát triển đến một kích thước rất lớn và có thể sống hàng trăm đến hàng ngàn năm.

Theo TTO