Giới tội phạm Trung Quốc lo sợ trước kính râm nhận dạng của cảnh sát

Cập nhật, 09:49, Thứ Sáu, 09/02/2018 (GMT+7)

 

Nữ cảnh sát Trung Quốc với chiếc kính râm nhận diện khuôn mặt. (Nguồn: phoneradar.com)
Nữ cảnh sát Trung Quốc với chiếc kính râm nhận diện khuôn mặt. (Nguồn: phoneradar.com)


Cảnh sát Trung Quốc vừa được trang bị một công cụ hỗ trợ mới trong kho vũ khí và công cụ hỗ trợ của họ: kính râm với công nghệ nhận diện khuôn mặt. 

Theo báo chí địa phương, kính râm nhận diện khuôn mặt đang được cảnh sát Trung Quốc sử dụng để tuần tra tại các ga tàu hỏa ở "siêu đô thị mới" của Trịnh Châu. Với chiếc kính râm công nghệ cao này, hình ảnh của người dân đi lại tại các ga tàu trong dịp Tết Nguyên đán sắp tới sẽ được ghi lại. 

Cảnh sát cho hay, kính râm nhận diện khuôn mặt đã được sử dụng để bắt giữ bảy nghi phạm cũng như 26 cá nhân đi du lịch bằng thẻ căn cước giả.

Kính râm nhận diện khuôn mặt là sản phẩm mới nhất trong công nghệ giám sát đang phát triển của Trung Quốc. Trong những năm gần đây, quốc gia này đã tập trung đầu tư nguồn lực vào các công nghệ theo dõi tiên tiến khác nhau, phát triển trí tuệ nhân tạo để xác định các cá nhân. Một ước tính cho thấy nước này sẽ có hơn 600 triệu máy quay camera quan sát vào năm 2020, với các tính năng tiên tiến như nhận dạng hành trình.

Theo tờ Nhật báo Phố Wall, kính râm nhận diện khuôn mặt triển khai tại Trịnh Châu ​do công ty LLVision Technology Co. đặt trụ sở tại Bắc Kinh phát triển.

Một thách thức đối với phần mềm nhận dạng khuôn mặt là hình ảnh bị mờ và khi xác định được đối tượng thì đối tượng đã có thể di chuyển. Ngược lại, chiếc kính râm này đã cho cảnh sát "khả năng kiểm tra mọi nơi," Wu Fei - giám đốc điều hành công ty LLVision nói. "Bằng cách tạo ra kính đeo, với AI ở đầu, bạn sẽ nhận được phản hồi tức thời và chính xác. Bạn có thể quyết định ngay những hành động tiếp theo sẽ được. "

LLVision cho biết họ có thể nhận diện được các cá nhân từ một cơ sở dữ liệu 10.000 nghi phạm chỉ trong 100 phần nghìn giây, nhưng cảnh báo rằng mức độ chính xác trong việc sử dụng thực tế có thể thay đổi do "tiếng ồn môi trường".

Theo VIỆT ĐỨC (VIETNAM+)