Bộ LĐTB&XH hướng dẫn cấp giấy phép cho lao động nước ngoài làm tại Việt Nam qua mạng i

Cập nhật, 18:50, Chủ Nhật, 20/08/2017 (GMT+7)

Bộ Lao động Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH) vừa ban hành Thông tư hướng dẫn thực hiện cấp giấy phép lao động cho người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam qua mạng điện tử, tại Cổng thông tin điện tử http://dvc.vieclamvietnam.gov.vn

Có hiệu lực từ ngày 2/10/2017, Thông tư 23 hướng dẫn thực hiện tiếp nhận hồ sơ chấp thuận nhu cầu sử dụng người lao động nước ngoài; cấp, cấp lại giấy phép lao động; xác nhận không thuộc diện cấp giấy phép lao động cho người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam qua mạng điện tử theo mức độ 3 của dịch vụ công trực tuyến.

Thông tư hướng dẫn thực hiện cấp giấy phép lao động cho người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam qua mạng điện tử (Ảnh minh họa: V.Hải)
Thông tư hướng dẫn thực hiện cấp giấy phép lao động cho người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam qua mạng điện tử (Ảnh minh họa: V.Hải)


Đối tượng áp dụng quy định tại Thông tư 23 gồm: lao động là công dân nước ngoài làm việc tại Việt Nam và người sử dụng lao động nước ngoài theo quy định tại Khoản 1, 2 Điều 2 Nghị định 11/2016 của Chính phủ; Cơ quan chấp thuận nhu cầu sử dụng người lao động nước ngoài là Cục Việc làm (Bộ LĐTB&XH), Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Sở LĐTB&XH hoặc Ban Quản lý khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế và khu công nghệ cao trong trường hợp được ủy quyền theo quy định của pháp luật; Cơ quan cấp giấy phép lao động theo quy định tại Điều 3 của Thông tư 40 ngày 25/10/2016 của Bộ LĐTB&XH hướng dẫn thi hành một số điều của Nghị định 11/2016; và các cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có liên quan.

Xây dựng hệ thống và hướng dẫn thực hiện qua mạng điện tử trên toàn quốc đối với việc cấp giấy phép lao động cho người nước ngoài làm việc tại Việt Nam là nhiệm vụ Chính phủ giao cho Bộ LĐTB&XH tại Nghị quyết 36a về Chính phủ điện tử. Hiện nhiệm vụ này đã hoàn thành và được triển khai chính thức tại địa chỉ http://dvc.vieclamvietnam.gov.vn.

Theo hướng dẫn của Bộ LĐTB&XH, người sử dụng lao động có thể chọn nộp báo cáo giải trình nhu cầu sử dụng lao động; hồ sơ đề nghị cấp, cấp lại giấy phép lao động; hồ sơ đề nghị xác nhận không thuộc diện cấp giấy phép lao động theo 1 trong 2 phương án: Thực hiện trực tiếp hoặc qua dịch vụ bưu chính cho cơ quan chấp thuận và cơ quan cấp giấy phép lao động; Thực hiện qua Cổng TTĐT.

Có địa chỉ http://dvc.vieclamvietnam, Cổng thông tin điện tử (TTĐT) là địa chỉ truy cập trên môi trường mạng để liên kết, tích hợp các kênh thông tin, các ứng dụng và dịch vụ của lĩnh vực cấp giấy phép lao động cho người lao động nước ngoài.

Thông tư 23 nêu rõ các nguyên tắc giao dịch điện tử trong cấp giấy phép lao động cho người lao động nước ngoài làm tại Việt Nam, đó là: thực hiện thống nhất, đúng quy định của pháp luật về giao dịch điện tử, quản lý người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam và pháp luật có liên quan; bảo đảm tính liên tục, kịp thời, rõ ràng, chính xác, công bằng, trung thực, an toàn, hiệu quả, tuân thủ các quy định của pháp luật về bảo mật và toàn vẹn thông tin; người sử dụng lao động khi thực hiện các giao dịch điện tử phải có tài khoản giao dịch điện tử để đăng nhập vào Cổng TTĐT.

Thông tư mới cũng hướng dẫn cụ thể về hồ sơ cấp giấy phép lao động cho người lao động nước ngoài; việc cấp, cấp lại giấy phép lao động, xác nhận không thuộc diện cấp giấy phép lao động qua mạng điện tử; cũng như việc quản lý dữ liệu giấy phép lao động điện tử.

Theo đó, cơ quan cấp giấy phép lao động đã có cơ sở dữ liệu (CSDL) trong lĩnh vực cấp giấy phép lao động cho người lao động nước ngoài phối hợp với Cục Việc làm để đồng bộ dữ liệu qua Cổng TTĐT. Cơ quan cấp giấy phép lao động chưa xây dựng CSDL có trách nhiệm cập nhật vào CSDL về giấy phép lao động đang còn hiệu lực của người lao động nước ngoài lên Cổng TTĐT.

Đáng chú ý, về bảo mật dữ liệu và chia sẻ thông tin, Thông tư quy định, bảo đảm năng lực, khả năng phát hiện, cảnh báo và ngăn chặn các truy nhập bất hợp pháp, các hình thức tấn công trên môi trường mạng để bảo đảm tính bảo mật, toàn vẹn của dữ liệu trao đổi giữa các bên tham gia; có các quy trình thực hiện sao lưu dữ liệu, sao lưu trực tuyến dữ liệu, khôi phục dữ liệu; có khả năng phục hồi dữ liệu trong trường hợp dữ liệu điện tử gặp sự cố. Chứng từ điện tử trong thời gian giao dịch chưa hoàn thành với yêu cầu thông điệp dữ liệu điện tử gốc phải được lưu giữ trên hệ thống và được truy cập trực tuyến.

Đồng thời, nhật ký giao dịch điện tử phải được lưu trữ trong thời gian tối thiểu 5 năm kể từ thời điểm thực hiện giao dịch thành công. Bảo đảm các thông tin lưu trữ trong nhật ký giao dịch.

Cùng với việc quản lý, hướng dẫn và kiểm tra việc cấp giấy phép lao động cho lao động nước ngoài qua Cổng TTĐT, Cục Việc làm được giao trách nhiệm tổng hợp, báo cáo tình hình cấp giấy phép lao động cho người lao động nước ngoài qua Cổng TTĐT; vận hành Cổng TTĐT để tiếp nhận và xử lý dữ liệu cấp giấy phép lao động điện tử đảm bảo tính liên tục, toàn vẹn, an ninh, an toàn và bảo mật…

Theo ICTNews