Logic phát triển gây sạt lở bờ sông và khuyến nghị

Cập nhật, 07:36, Thứ Bảy, 17/06/2017 (GMT+7)

‘’Việc sạt lở đất ở đồng bằng trước đây diễn ra theo quy luật tự nhiên nay mang tầm vóc và quy mô khác, lớn hơn nhiều’’- GS.TSKH Nguyễn Ngọc Trân cho biết.

Logic phát triển sau đây của ông cho thấy không chỉ gia tăng sạt lở ở An Giang và Đồng Tháp mà Tiền Giang, Vĩnh Long, Bến Tre cũng có thể bị ảnh hưởng.

Những vị trí đã và có khả năng xảy ra sạt lở ở Đồng Tháp (Báo cáo 2011).
Những vị trí đã và có khả năng xảy ra sạt lở ở Đồng Tháp (Báo cáo 2011).

Tại sao An Giang và Đồng Tháp có nhiều vị trí đã và có nhiều khả năng sẽ xảy ra sạt lở?

Về mặt tự nhiên, một là vì 2 tỉnh ở đầu nguồn nơi sông Mekong và sông Bassac chảy vào đồng bằng tại Tân Châu và Châu Đốc. Lưu lượng nước tại trạm thủy văn Tân Châu lớn nhất vào mùa lũ so với các trạm thủy văn khác trên sông Tiền.

Lượng trầm tích qua đây đầu tiên trước khi phân bổ ra khắp đồng bằng. Sông Vàm Nao, ban đầu chỉ là một sông nhỏ nối liền sông Tiền với sông Hậu, dần dần rộng ra và sâu thêm, hiện đóng vai trò cân bằng lưu lượng giữa 2 sông.

Hai là, triền của lòng sông Tiền lớn nhất ở đồng bằng, trên nền địa chất trầm tích bở rời là điều kiện thuận lợi cho việc xói sâu các hố.

Ba là, sông Tiền- sông Hậu- sông Vàm Nao có nhiều khúc quanh gần thẳng góc, một điều kiện khác cho phát sinh và phát triển các hố sâu. 3 lý do này giải thích sự biến động mạnh của 2 bờ sông Tiền tại Tân Châu từ 1966- 2007.

Về mặt kinh tế- xã hội, do nằm trong vùng ngập lũ sâu, người dân 2 tỉnh từ thuở vào vùng đất này lập nghiệp, đã sinh sống dọc theo đê ven sông nơi cao và được nâng lên mỗi năm sau mùa lũ với phù sa do lũ mang về. Nhà sàn, cầu tre và xuồng ba lá gắn liền với cuộc sống của người dân nơi đây.

Từ đó hình thành một phương thức quần cư dọc theo sông, kinh, rạch và theo đường giao thông bộ được xây dựng trên đê. Nền kinh tế hàng hóa phát triển dẫn đến quá trình đô thị hóa. Cát sông, vật tư không thể thiếu, được khai thác ngày càng nhiều.

Bắt đầu là “thổi” cát sông để tôn nền nhà trong các thị trấn, thị xã. Rồi tăng mạnh từ 3 thập kỷ nay với chương trình cho dân vay tôn nền nhà và chương trình xây dựng những khu- tuyến dân cư vượt lũ.

Đã là thị trấn, phải phấn đấu lên thị xã, rồi lên thành phố các loại từ thấp lên cao, với những tiêu chí đòi hỏi phải xây dựng, nghĩa là cần tới cát.

Việc khai thác cát sông Tiền, sông Hậu trở thành một ngành kinh tế phục vụ chẳng những 2 tỉnh, cho đồng bằng mà còn cho cả TP Hồ Chí Minh và dường như còn bán cả ra nước ngoài!

Việc sạt lở đất ở đồng bằng trước đây diễn ra theo quy luật tự nhiên (“dòng sông bên lở bên bồi”) nay mang tầm vóc và quy mô khác, lớn hơn nhiều.

Ứng phó với sạt lở ở thị trấn, thị xã khác với trong nông thôn. Phải kè để bảo vệ tài sản của xã hội và tính mạng người dân. Thế nhưng kè hóa bờ sông biến biên bờ sông mềm (biến dạng được) thành biên cứng.

Xói ở thân kè không được, dòng chảy sẽ xói ở đầu kè, cuối kè, dọc theo lòng sông, hoặc tác động sang phía bên kia sông, hoặc xa hơn về hạ lưu. Cứ thế kè rải ra ngày càng nhiều dọc theo sông.

Kè mà Trung Quốc xây dựng dọc theo bờ sông Bắc Luân đã lấy đi đất của Việt Nam (Móng Cái) bồi sang bờ trái, từ đó khi phân chia đường biên giới giữa 2 nước đã lấy đi gần 1/3 bãi bồi Tục Lãm và dịch chuyển hẳn đường phân định trong vịnh Bắc Bộ về phía Nam.

Điều này nhắc sự thận trọng cần thiết khi “chỉnh trị” sông. Chỉnh trị phía An Giang phải nghĩ đến Đồng Tháp, Cần Thơ. Chỉnh trị ở Đồng Tháp, phải nghĩ đến An Giang, Tiền Giang, Vĩnh Long, Bến Tre, …

Nghĩa là phải nhìn việc “chỉnh trị” với quan điểm hệ thống và động và phải tính đến các hậu quả tích lũy theo không gian và theo thời gian vào trong tính toán “được- mất” trên cả 3 mặt kinh tế, môi trường và xã hội của mọi dự án chỉnh trị.

ĐÔNG PHƯƠNG (theo ĐVO)