Cùng nhau đọc giúp trẻ tăng trí nhớ và kỹ năng giải quyết vấn đề

Cập nhật, 06:00, Thứ Bảy, 03/06/2017 (GMT+7)

Một nghiên cứu mới cho thấy giao tiếp với trẻ trong khi đọc sách với chúng khiến não của trẻ tăng cường nhận thức.

Các nhà nghiên cứu hy vọng những phát hiện của họ sẽ củng cố giá trị của việc đọc sách tương tác, điều mà trẻ em được khuyến khích tham gia.

Các nhà nghiên cứu thuộc Trung tâm Y tế Bệnh viện Nhi đồng Cincinntai xem xét những ảnh hưởng của việc đọc trên bộ não của những trẻ mẫu giáo.

Sử dụng hình ảnh cộng hưởng từ chức năng (fMRI), họ thấy hoạt tính não lớn hơn đáng kể ở những trẻ 4 tuổi, tham gia nhiều trong quá trình nghe các câu chuyện.

Điều này làm nổi bật giá trị của “đọc đối thoại”, điều mà trẻ được khuyến khích tham gia vào thời gian kể chuyện.

TS. John Hutton- trưởng nhóm nghiên cứu- cho biết: “Việc khuyến khích cha mẹ trong nghiên cứu này là họ nên tham gia nhiều hơn khi đọc sách với con mình, đặt câu hỏi, giúp trẻ chuyển trang và tương tác với nhau.

Điều này có thể thúc đẩy sự kích thích não hoặc “tăng tốc” sự phát triển những kỹ năng đọc, viết, đặc biệt là hiểu, ở các trẻ lứa tuổi mẫu giáo”.

Trong nghiên cứu, 22 bé gái 4 tuổi được quan sát bằng cách sử dụng fMRI trong khi đọc một câu chuyện với các mẹ.

Kết quả cho thấy, trẻ em thể hiện sự quan tâm lớn nhất trong việc kể chuyện đã tăng hoạt tính phía bên phải của tiểu não- một khu vực của bộ não phụ trách việc thu nhận và tinh luyện kỹ năng nhận thức. Khu vực này là chìa khóa cho trí nhớ, giải quyết vấn đề và sự chú ý.

TS. Hutton cho biết: “Phát hiện của chúng tôi nhấn mạnh tầm quan trọng của những can thiệp rõ ràng nhằm giải quyết cả việc tương tác của cha mẹ và đứa trẻ, bao gồm nhận thức và giảm bớt những phiền nhiễu như điện thoại di động, vốn là rào cản có thể tránh được thông thường nhất mà chúng tôi quan sát”.

Các nhà nghiên cứu sẽ thực hiện thêm nhiều nghiên cứu dài hạn để hiểu rõ hơn về các yếu tố mẹ- con, đóng góp cho sự phát triển trí não khỏe mạnh.

HẢI HUỲNH (Nguồn: Mail Online/Science)