Khoa học và công nghệ

"Chìa khóa" phát triển kinh tế, xã hội

Cập nhật, 07:28, Thứ Năm, 18/05/2017 (GMT+7)

 

Việc nghiên cứu, ứng dụng khoa học và công nghệ sẽ giúp cho các doanh nghiệp nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm để cạnh tranh thị trường thời kỳ hội nhập. Trong ảnh: Chế biến cá lóc thương phẩm. Ảnh: KHÁNH NGUYỄN
Việc nghiên cứu, ứng dụng khoa học và công nghệ sẽ giúp cho các doanh nghiệp nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm để cạnh tranh thị trường thời kỳ hội nhập. Trong ảnh: Chế biến cá lóc thương phẩm. Ảnh: KHÁNH NGUYỄN

Được xem là động lực góp phần quan trọng cho sự phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh, nhiều năm qua, lĩnh vực khoa học và công nghệ (KH- CN) đã có nhiều thành tựu đáng ghi nhận. Đây có thể được xem là tiền đề, là “chìa khóa” thành công cho nhiều lĩnh vực trong thời kỳ hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng…

Bám sát với thực tiễn

Trong những năm qua, hoạt động KH- CN đã góp phần thúc đẩy quá trình đổi mới công nghệ, đẩy nhanh việc ứng dụng KH- CN vào sản xuất và đời sống, góp phần tích cực trong tiến trình phát triển kinh tế, xã hội.

Theo ông Nguyễn Trọng Danh- Phó Giám đốc Sở KH- CN, tất cả các lĩnh vực KH- CN đều gắn với nhu cầu thực tế, đi sát với nhu cầu của từng đối tượng.

Từ đó, dần hiện đại hóa sản xuất công nghiệp truyền thống, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả trong sản xuất, góp phần đẩy nhanh sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng dần tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ phù hợp với xu thế hội nhập kinh tế quốc tế.

Đặc biệt, theo ông Nguyễn Trọng Danh, hoạt động thanh, kiểm tra về KH- CN ngày càng đi vào chiều sâu. Từ đó thực hiện các biện pháp xử lý vi phạm, tuyên truyền góp phần thiết thực vào việc nâng cao nhận thức, đảm bảo tính công bằng trong hoạt động sản xuất kinh doanh, đảm bảo lợi ích chính đáng cho người tiêu dùng…

Trong khi đó, hoạt động KH- CN cũng đã bám sát các mục tiêu phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh. Đặc biệt là xây dựng các mô hình ứng dụng KH- CN vào nông nghiệp- nông thôn, xây dựng nông thôn mới.

Theo ông Nguyễn Văn Hiếu- Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở KH- CN, hoạt động quản lý nhà nước về KH- CN ở các địa phương đã có những kết quả tích cực, từ đó triển khai các nhiệm vụ KH- CN theo quy định. Việc ứng dụng và chuyển giao KH- CN vào sản xuất ngày càng phát triển.

Đến nay, toàn tỉnh có 102 điểm mô hình cung cấp thông tin KH- CN, góp phần tích cực trong khai thác, phổ biến thông tin, phục vụ người dân ứng dụng vào sản xuất và đời sống.

Trong khi đó, theo ông Vũ Thanh Tâm- Trưởng Phòng Quản lý khoa học, thời gian qua, hoạt động ứng dụng KH- CN đã góp phần không nhỏ vào việc nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, các mô hình thực tế như: Ứng dụng KH- CN sản xuất giống và nuôi cá lóc; quy trình và mô hình quản lý tổng hợp sâu đục trái bưởi;

cơ chế khuyến khích doanh nghiệp vừa và nhỏ phát triển công nghệ bảo quản, chế biến và tổ chức thị trường tiêu thụ nông sản;… được triển khai tốt và có tính ứng dụng cao.

Còn ông Võ Văn Long- Giám đốc Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KH- CN- chia sẻ, trong lĩnh vực bảo quản và chế biến nông sản, trung tâm đã thực hiện các đề tài nhằm nâng cao giá trị nông sản cho các sản phẩm làng nghề truyền thống, cũng như nâng cao giá trị thương phẩm các loại nông sản đặc trưng của tỉnh như: khoai lang, dưa cải muối, nước ép thanh long ruột đỏ, rượu vang thanh long, rượu linh chi,…

“Chìa khóa” thành công cho thời hội nhập

Những kết quả của hoạt động KH- CN đang dần đóng góp tích cực cho sự phát triển kinh tế, xã hội của địa phương. Trong khi đó, Vĩnh Long cũng đã tạo dựng được mối quan hệ hợp tác chặt chẽ và hiệu quả với Trường ĐH Cần Thơ, Quốc gia TP Hồ Chí Minh, Viện Lúa ĐBSCL, Viện Cây ăn quả Miền Nam, các sở, ngành,…

Các nhà khoa học được mời đã thể hiện tinh thần trách nhiệm cao, tích cực đóng góp trí tuệ và công sức cho việc phát triển KH- CN của Vĩnh Long.

Theo ông Nguyễn Trọng Danh, hàng năm có nhiều đề tài, dự án được thực hiện trên các lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn, nông nghiệp, nông thôn, công nghiệp, công nghệ thông tin, bảo vệ môi trường, y tế,…

Khoa học và công nghệ đang từng bước xây dựng các mô hình ứng dụng khoa học và công nghệ vào nông nghiệp- nông thôn, xây dựng nông thôn mới, góp phần nâng cao đời sống nhân dân.Ảnh: VINH HIỂN
Khoa học và công nghệ đang từng bước xây dựng các mô hình ứng dụng khoa học và công nghệ vào nông nghiệp- nông thôn, xây dựng nông thôn mới, góp phần nâng cao đời sống nhân dân.Ảnh: VINH HIỂN

Có thể nhắc đến các kết quả tốt ở các lĩnh vực như: Lĩnh vực nông nghiệp đã tập trung giải quyết nhu cầu về giống cây, con;

kỹ thuật sản xuất; nghiên cứu giải pháp, quy trình công nghệ nâng cao hiệu quả sản xuất, thu nhập, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp theo hướng hiện đại; ở lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn đã nghiên cứu đề xuất luận cứ khoa học cho các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước;

lĩnh vực kỹ thuật, công nghệ cũng đã nghiên cứu công nghệ đóng hộp, chế biến, bảo quản; chế biến các sản phẩm từ cá lóc, trái thanh trà; ứng dụng nhũ tương nhựa đường xây dựng đường giao thông nông thôn; sản xuất gốm men;…

Đặc biệt, “trong lĩnh vực nghiên cứu về y tế, công nghiệp, sở hữu trí tuệ, ISO hành chính công,… đã đề xuất điều chỉnh quy hoạch phát triển ngành công nghiệp; hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, bảo vệ tài sản trí tuệ;

nâng cao tính minh bạch trong hoạt động tại các cơ quan hành chính nhà nước, từng bước đáp ứng yêu cầu cải cách hành chính, phục vụ ngày càng tốt hơn nhu cầu của công dân, tổ chức và doanh nghiệp”- ông Nguyễn Trọng Danh cho biết.

Ông cũng nhấn mạnh, “trong thời gian tới, để KH- CN phải là chìa khóa thành công cho sự phát triển kinh tế, xã hội của địa phương, ngành KH- CN sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền, thực hiện các chương trình, đề án, đẩy mạnh nghiên cứu, triển khai ứng dụng tiến bộ, đầu tư cho tiềm lực KH- CN.

Đồng thời duy trì mối quan hệ hợp tác với các viện nghiên cứu, trường ĐH, các tổ chức KH- CN. Gắn hoạt động nghiên cứu khoa học với đào tạo nguồn nhân lực KH- CN, gắn hoạt động nghiên cứu khoa học với phát triển sản xuất kinh doanh, từng bước hình thành các doanh nghiệp KH- CN”.

Ông Nguyễn Trọng Danh- Phó Giám đốc Sở KH- CN tỉnh Vĩnh Long

Trong những năm qua, nhận thức của các cấp, các ngành đối với vai trò, động lực của KH- CN tại địa phương có chuyển biến tích cực. Một số ngành, địa phương và các doanh nghiệp trong tỉnh đã chủ động tiếp cận công nghệ mới. Các hoạt động KH- CN đều có sự tiến bộ đáng kể, từng bước đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.

 

Tiềm lực KH- CN của tỉnh trong thời gian qua từng bước được nâng lên, đáp ứng cơ bản nhu cầu đầu tư phát triển tiềm lực KH- CN. Hiện tỉnh cũng đã trang bị tương đối trang thiết bị phân tích kiểm nghiệm, trang thiết bị y tế, trại giống vật nuôi, thủy sản,… Đồng thời đã đầu tư cơ sở thực nghiệm và ứng dụng công nghệ sinh học; xây dựng trụ sở làm việc, các trang thiết bị kỹ thuật cho các đơn vị thuộc Sở KH- CN.

 

  • ™KHÁNH NGUYỄN