Robot "ăn" sinh vật sống giúp làm sạch nước nhiễm bẩn

Cập nhật, 12:58, Chủ Nhật, 06/11/2016 (GMT+7)

Lấy cảm hứng từ Salps – một sinh vật biển hình ống trong suốt chuyên lọc nước biển để tìm ăn các sinh vật phù du – các nhà sáng chế ở Anh đã phát triển thành công một loại robot có khả năng tiêu thụ các vật chất hữu cơ để chuyển hóa thành năng lượng hoạt động.

Cơ chế hoạt động của robot làm sạch nước (trái) được mô phỏng theo sinh vật biển Salps (phải).
Cơ chế hoạt động của robot làm sạch nước (trái) được mô phỏng theo sinh vật biển Salps (phải).

Theo báo Daily Mail, robot sử dụng một màng polymer mềm để lọc các vật chất sinh học từ môi trường nước xung quanh, sau đó phân hủy chúng bằng vi khuẩn có sẵn trong "ruột" – thực chất là pin nhiên liệu vi sinh vật (microbial fuel cell).

Trong quá trình "tiêu hóa", những vi khuẩn này sẽ giải phóng năng lượng hóa học chứa trong vật chất sinh học, sau đó biến đổi thành điện năng để robot hoạt động.

Tuy lượng điện mà robot thu được từ quá trình phân hủy vật chất hữu cơ trong nước còn hạn chế, nhưng nhóm sáng chế nhận định kết cấu mềm của robot cho phép nó giảm đáng kể nhu cầu năng lượng khi vận hành.

Phát minh robot "ăn" sinh vật sống có thể dùng vào việc làm sạch nguồn nước bị ô nhiễm, hoặc đẩy lùi hiện tượng tảo nở hoa (algal bloom) gây hại môi trường biển.

Đây không phải lần đầu tiên các nhà nghiên cứu lấy cảm hứng từ các loài sinh vật biển để tạo ra robot mềm dẻo. Hồi đầu năm, các nhà khoa học Mỹ đã dùng công nghệ in 3D để tạo ra một loại robot mềm dẻo gọi là Octobot mô phỏng hoạt động của loài bạch tuộc.

Bắt chước khả năng luồng lách qua các khe hở và những nơi chật hẹp của loài bạch tuộc, Octobot được đánh giá là lý tưởng để dùng như một robot cứu hộ.

Theo Cần Thơ Online