Lý do Nhật Bản thường xuyên hứng chịu động đất

Cập nhật, 10:31, Thứ Ba, 19/04/2016 (GMT+7)

Nhật Bản nổi tiếng là quốc gia thường xuyên trải qua động đất và sóng thần, bởi đảo quốc này nằm dọc Vành đai lửa Thái Bình Dương.

Trận động đất mạnh 7 độ richter tấn công khu vực Kumamoto, đảo Kyushu, Nhật Bản vào lúc 1 giờ 25 phút (giờ địa phương) ngày 16/4. Ảnh: USGS.
Trận động đất mạnh 7 độ richter tấn công khu vực Kumamoto, đảo Kyushu, Nhật Bản vào lúc 1 giờ 25 phút (giờ địa phương) ngày 16/4. Ảnh: USGS.

Ngày 14/4, một trận động đất mạnh 6,2 độ Richter xảy ra tại miền nam Nhật Bản. Trong vòng chưa đến hai ngày sau, vùng này tiếp tục hứng chịu trận động đất mạnh 7 độ richter, kéo theo khuyến cáo về sóng thần trong khu vực.

Theo Cơ quan Khảo sát Địa chất Mỹ (USGS), trận động đất gần nhất xảy ra tại vùng Kumamoto, đảo Kyushu, Nhật Bản vào lúc 1 giờ 25 phút (giờ địa phương) ngày 16/4.

Nhật Bản nằm dọc Vành đai lửa Thái Bình Dương. Đây là khu vực thường xuyên xảy ra động đất và núi lửa phun trào. Khu vực này có hình dạng tương tự vành móng ngựa, bao quanh lòng chảo Thái Bình Dương. Trong vành đai lửa, một số mảng kiến tạo bao gồm mảng địa tầng Thái Bình Dương (Pacific Plate) và mảng kiến tạo Philipines (Philippines Sea Plate) thường xuyên phân tách và va chạm.

"Bề mặt Trái Đất được chia thành các mảng lớn luôn luôn di chuyển. Khi các mảng tương tác với nhau, chúng gây tác động lớn", Live Science dẫn lời Douglas Given, nhà địa vật lý thuộc USGS ở thành phố Pasadena, bang California. Theo nhà địa vật lý Paul Caruso, sự dịch chuyển của mảng kiến tạo Philipines phía dưới mảng Á - Âu có khả năng gây ra những trận động đất gần đây tại Nhật Bản.

Trận động đất mạnh 7 độ Richter này là một trong những trận động đất lớn nhất từng xảy ra tại miền nam Nhật Bản. Chính quyền địa phương đã phát cảnh báo về sóng thần sau trận động đất. Tuy nhiên, Cơ quan Khí tượng Nhật Bản dỡ bỏ cảnh báo ngay sau đó. Hiện nay, các nhà chức trách chưa đưa ra thông báo chính thức hoặc khuyến cáo có hiệu lực về sóng thần tại Nhật Bản.

Theo Caruso, không phải mọi trận động đất đều dẫn đến sóng thần. Sóng thần chỉ xảy ra khi hội tụ đủ ba yếu tố chính. Đó là trận động đất mạnh ít nhất 7 độ Richter với tâm chấn nằm dưới đại dương và khu vực diễn ra động đất không quá sâu.

"Những trận động đất thường xuyên diễn ra ở Fiji nhưng đôi khi chúng sâu tới 640 km dưới mặt đất. Vì vậy, chúng không gây ra sóng thần", Caruso chia sẻ. Trận động đất lần này khá nông, ở khoảng cách 10 km dưới lòng đất nhưng tâm chấn của nó lại nằm trên đất liền. Điều này có nghĩa sóng thần sẽ không xảy ra.

Giới chức Nhật Bản và nhóm nghiên cứu ở USGS sẽ tiếp tục theo dõi khu vực có dư chấn nguy hiểm. Khu vực này sẽ còn chịu ảnh hưởng từ những trận động đất với cường độ nhỏ hơn.

Given cũng cho biết sẽ có nhiều dư chấn lớn trong khu vực này. Sau một trận động đất mạnh, cấu trúc hạ tầng thường suy yếu nên nhiều khả năng sẽ có thêm các báo cáo về thiệt hại.

Theo VnExpress

TIN LIÊN QUAN

Các tin khác: