Truyện ngắn: Sống qua mùa dịch

Cập nhật, 21:50, Chủ Nhật, 05/07/2020 (GMT+7)

Út Hiền uể oải mở cửa căn phòng trọ, quăng cái giỏ vào một góc, ngồi phịch xuống chiếc giường ọp ẹp, nó rung lên kêu cọt kẹt. Trời nóng như bưng, căn phòng ngột ngạt, tối lờ mờ, Út Hiền không thèm đi tắm rửa, cũng chẳng mở đèn. Cô vẫn ngồi đó, mắt nhìn xa xăm nơi một cõi vô định, thở dài thườn thượt.

Tranh minh họa: TRẦN THẮNG
Tranh minh họa: TRẦN THẮNG

Văng vẳng bên tai cô tiếng thằng cha Tư Thẹo nghiến răng trèo trẹo: “Mầy tính sao nghen! Tiền góp hổm rày không đóng gì hết. Tao tính lời thêm thì đừng có trách. Mầy mà dây dưa, tao dứt sữa, cắt cổ mầy đó!”

Mới về tới cửa thì bà chủ nhà trọ ngọt nhạt: “Tới kỳ đóng tiền nhà rồi đó nghen Út Hiền. Tháng này dì bớt cho một trăm tiền điện, nước, coi như làm phước trong mùa dịch đó nghen!”

Út Hiền chỉ biết vâng vâng, dạ dạ, cám ơn chứ trong bụng rối bời. Cô muốn thét lên: Trời ơi! Nhà nước không cho phát hành vé số kiến thiết để chống dịch cô vy cô vít gì đó, cả tháng nay không đi bán thì tiền đâu mà đóng với góp chứ. Sao cái thân tui khổ quá vậy nè trời!

Mà số Út Hiền khổ thật. Mới sinh ra đã khổ. Mới vừa biết đi, biết chạy, cha Út Hiền đã bỏ cô mà đi theo ông bà sau một cơn bạo bệnh. Mẹ cùng ba anh em cô dắt díu nhau về ngoại, cất căn nhà nhỏ ở góc vườn. Ngày thì đi nhặt khoai, lựa trái cây, làm cỏ mướn, bắt cua, bắt ốc, hái rau. Đêm thì đi giăng câu soi ếch, soi nhái. Sống đắp đổi qua ngày, đoạn tháng, không biết ăn ngon, mặc ấm là gì.

Đi học thì bữa đực, bữa cái, chưa hết cấp hai rồi cũng nghỉ. Cái bụng đói thì cái chữ cũng nuốt hổng vô. Mới mười mấy tuổi đầu, cô đã thuộc từng góc vườn, cái mương, con rạch ở trong vùng. Nhiều hôm thấy mấy đứa bạn tíu tít đạp xe đi khai trường, cô ham lắm, nhưng nhà không có tiền thì biết làm sao.

Anh Hai của Út Hiền lấy vợ, nồi nào úp vung đó, lại là nông dân, cất căn nhà tạm bợ ở kế bên, chẳng thấy khá hơn gì, cũng tiếp tục cuốc đất, vun giồng, trồng khoai. Ông anh Ba đi làm thuê, làm mướn, phụ hồ, không thèm lấy vợ. Mà có ai chịu gả đâu mà lấy, quen được cô nào thì gia đình người ta cũng lắc đầu quay ngang, rồi bảo: Thằng đó nghèo quá, lấy tiền đâu nuôi vợ, nuôi con.

Buồn đời, ngày nào anh cũng uống rượu say mèm. Mấy năm nay, khu công nghiệp mở ra, ảnh vay nóng mua chiếc xe máy cà tàng, ngày hai bận qua phà đi làm công nhân, có lương, tạm cho là ổn định, nhưng tháng nào rồi cũng hết tháng đó, chẳng dư đồng nào.

Mới chưa đầy 20 tuổi, Út Hiền đã đi lấy chồng. Mẹ bảo: Lấy chồng, lập gia đình riêng, lo mần ăn, coi có khá hơn không. Chồng cô cũng là công nhân, mấy bận anh Ba dẫn về nhà chơi. Quen biết sơ sơ, tìm hiểu cũng chẳng bao nhiêu, người lớn đặt để thì làm theo, lấy thì lấy chứ chưa thương yêu gì mấy. Đám cưới nhà nghèo, chỉ làm cái tiệc nhỏ ra mắt bà con dòng họ. Đò giang cách trở, cũng chẳng rước dâu.

Nhà chồng cô ở ngã ba sông của một xóm nghèo ven thành phố. Sau đám cưới, mẹ chồng che cho cái chái bên hông nhà. Hàng ngày, chồng cô đi làm công nhân, Út Hiền mua bán tro ở dưới bến sông cho những người trồng rẫy.

Coi như vẫn ăn chung, ở chung với gia đình chồng. Sáng sớm tờ mờ, chồng cô đã đi, trưa ăn cơm ở công trường, tối về đã ngà ngà say, ngáy như kéo gỗ. Ấy vậy mà chẳng bao lâu cô đã cấn thai, có bầu. Ngày ngày, cô lủi thủi, vác cái bụng chửa lên xuống bến sông. Rồi sinh con, ra viện, mẹ cô rước về nuôi, nằm chỗ một mình mấy tháng trời.

Chừng cứng cáp, quay trở về nhà chồng thì mối mua bán tro không còn. Giờ mấy cái xóm ven sông trở thành đô thị, người ta nấu bếp gas, nồi điện, đâu còn bếp củi, lò trấu nữa. Con đường đất ven sông giờ thành con đường đan dài hun hút tận trong xóm rẫy. Nhà trọ mọc lên, xóm công nhân chen chúc.

Mẹ chồng Út Hiền bán mảnh vườn tạp phía sau, lấy tiền chia cho đám con nay đã ra riêng. Vợ chồng cô cũng được hưởng một ít, xây sửa lại cái chái nhà, cất cái quán nhỏ phía trước cho cô bán cà phê, nhậu khô mắm, cóc ổi, còn bao nhiêu chồng cô cất giữ.

Và cũng từ đây bắt đầu sanh chuyện. Gái một con trông mòn con mắt. Quán nhỏ ven sông ngày càng đắt khách, ong bướm dập dìu, lả lơi, cớt nhả, mơn trớn, đụng chạm. Có tiền, chồng Út Hiền đâm ra lười biếng, nhậu càng nhiều hơn, lên đời từ rượu đế sang bia bọt, karaoke, gái gú. Có hôm còn dẫn cả đám bạn về, nhậu xả láng, gật gù gật gưỡng thâu đêm suốt sáng, trông gà hóa cuốc, nhìn bà chủ nhà tưởng là tiếp viên.

Thằng chồng khốn nạn, rượu chè riết rồi sức lực không còn, yếu như con bún, đêm về chưa kịp bò lên bụng vợ đã xụi lơ, nước miếng, nước mồm chảy dài hai bên mép như kẻ chết rồi. Vậy mà ghen chịu đời không thấu. Người ta nói chẳng có sai: Khi thằng đàn ông ghen là chứng tỏ nó đã bất lực.

Tiền bán đất cạn dần, đãi đằng riết rồi quán cũng thâm vốn. Tiếng cằn nhằn, cãi vã tăng dần. Tội nghiệp thằng Nam- con Út Hiền- mới năm bảy tuổi đầu đã chứng kiến cảnh sóng khua, chén bể. Già néo đứt dây. Tức nước vỡ bờ. Rồi một ngày, hai ngày, con vợ không kiềm chế, buông lời xúc phạm; thằng chồng có hơi men, thượng cẳng chân, hạ cẳng tay. Thế là toang, đổ vỡ một gia đình!

Út Hiền dẫn con trở lại mái nhà xưa, tìm lại hơi ấm, vòng tay che chở, đùm bọc của mẹ hiền. Bà con chòm xóm thương tình giúp đỡ, có chuyện gì cũng kêu làm để có tiền công sống qua ngày. Mẹ cô bảo: “Thôi cái số con nó vậy rồi, cứ ở đây, có rau ăn rau, có cháo ăn cháo, mẹ con bà cháu hủ hỉ với nhau!”

Nhưng mà Út Hiền không cam tâm. Con cô đang tuổi ăn, tuổi lớn, ăn mặc, học hành,… không có tiền thì làm sao? Đời cô đã khổ, hổng lẽ bây giờ tiếp tục để con khổ nữa? Còn Út Hiền, mới trên 30 tuổi thì còn trẻ lắm, cô cũng có những cảm xúc, bản năng, ham muốn riêng của mình. Nhiều đêm cô trằn trọc không ngủ được. Hổng lẽ Út Hiền chịu sống và chết mòn ở cái góc quê hẻo lánh này. Không! Cô phải bước tiếp trên đường đời đầy chông gai và ô trọc này.

Út Hiền gửi con cho mẹ, quay trở lại thành phố miền Tây, thuê cái phòng trọ nhỏ xíu, nằm lọt thỏm trong xóm lao động nghèo. Xung quanh cô cũng là những người tứ xứ tìm đến thành phố mưu sinh. Hàng ngày, Út Hiền đến đại lý của bà Năm Mập, lãnh vé số đi bán khắp các quán cà phê, quán nhậu, hang cùng ngõ hẻm nào cũng tới, riết rồi khách hàng, chủ quán, tiếp viên quen mặt.

Đắt thì mỗi ngày được vài trăm; ngày nào ế, trời mưa chỉ bán trên trăm vé. Có bữa hên, người mua trúng, hào phóng cho chút đỉnh. Cộng lại, mỗi tháng cũng được dăm ba triệu, gói ghém tiền tiêu xài, tiền nhà trọ, điện nước, gửi tiền về nuôi con. Năm ba tuần, tranh thủ bán hết sớm, Út Hiền qua phà, về chơi với con, ngủ với mẹ một đêm, rồi lại tiếp tục hành trình.

Không ở đâu người mua vé số nhiều như ở miền Tây. Có lẽ cuộc sống càng khó khăn thì người ta càng cầu vận may. Thực tế vắt cạn kiệt bàn tay, khối óc rồi mà chưa khá lên được thì dựa vào trời và những đấng siêu nhiên.

Cò ỉa miệng ve, biết đâu có ngày cũng trúng. Người ta hay nói đùa với nhau: Chưa đến năm giờ chiều thì chưa biết ai giàu hơn ai. Ngồi uống cà phê, ăn sáng cũng mua. Ngồi nhậu cũng mua. Khoái nhau rồi mua tặng qua tặng lại. Cá cược với nhau cũng bằng vé số. Sáng nuôi hy vọng, chiều thất vọng, cứ thế tiếp diễn ngày này qua ngày khác.

Mà phong cách mua vé số của người miền Tây không giống như nơi khác. Người ta khoái mua của người bán vé số dạo hơn là mua ở quầy, sạp cố định. Nó như một thú vui mỗi ngày. Ngồi nhịp nhịp chân, mắt nheo nheo nhìn cô bán vé số xinh đẹp, miệng thì chọc ghẹo tía lia, tay xòe một xấp vé số, tưởng mua nhiều lắm, ai dè chỉ chọn một vài tờ.

Và lúa thóc tới đâu bồ câu tới đó. Không có ở đâu người bán vé số đông như ở miền Tây. Ngồi chừng một chút đã có chục người bán vé số đến chào mời. Mỗi người đến bán, khách mua vài tờ cũng đã tốn trăm ngàn, bạc triệu, tiền đâu cho đủ, lắc đầu cũng mỏi. Ở xứ này người ta thường kháo nhau rằng: bể nợ, thất nghiệp thì đi Bình Dương làm công nhân còn không thì đi ra chợ bán vé số.

Mà cái nghề này coi bộ dễ làm, ít vốn. Già cả, tật nguyền người ta rũ lòng thương mua cho cũng có tiền lời để sống. Mấy cô gái trẻ có nhan sắc một chút, khéo lả lơi, đon đả chào mời thì bán đắt hơn.

Nói vậy, chứ nghề này cũng trần thân khoai củ. Có người, ỷ nhiều tiền coi khinh mấy người bán vé số chẳng ra gì, xua đuổi người ta như đuổi tà. Có người, chắc đêm qua vợ không cho ngủ chung, mới sáng sớm ra cái mặt đã quạu đeo, nạt người ta như nạt con. Đông nhất là cái thói cười cợt, khiếm nhã, sỗ sàng.

Út Hiền nhiều lần đỏ mặt khi bị hỏi: Có vé xổ liền hông em? Thậm chí có khi còn bị đám đàn ông sàm sỡ, bốc hốt. Cô nghĩ: Ðàn ông nào mà không hảo ngọt, có máu dê xồm. Kệ bà nó! Miễn sao trả đủ tiền là được.

Song cũng nhiều người vui vẻ, tử tế, biết thông cảm cho người nghèo. Nhiều bữa, Út Hiền gặp mấy anh chị nhân viên công ty, các chú làm việc nhà nước chia nhau một vòng là hết vé.

Có người thật lòng hỏi thăm gia cảnh, động viên, khích lệ. Trong số đó, có một người luôn ngồi ở một góc quán cà phê với nụ cười thân thiện mỗi khi Út Hiền bước đến chào mời. Mỗi sáng, anh chỉ mua vài vé cho vui. Út Hiền để ý bữa nào anh ấy mở hàng là bữa đó bán đắt.

Còn mấy bữa trời mưa, bán ế, tất tả chạy hết quán này sang quán khác cho kịp giờ xổ số thì từ đâu có mặt anh xuất hiện, chìa tay gom hết mấy tờ vé số, móc bóp trả tiền, nhẹ nhàng bảo: “Em về nghỉ đi, mắc mưa ướt hết bây giờ, đổ bệnh thì khổ, không ai lo cho đâu nghen”. Trời ơi! Mấy tiếng thôi mà không hiểu sao Út Hiền thấy lâng lâng, cảm giác như được uống nước đường, mật ong, trái tim đập rộn ràng.

(Mời xem tiếp trên số báo CN tới)

NGUYỄN SAN