Truyện ngắn: Mẹ Út

Cập nhật, 15:14, Chủ Nhật, 07/06/2020 (GMT+7)

(Kính tặng Mẹ Việt Nam anh hùng Huỳnh Thị Út ngụ xã Hòa Hiệp, huyện Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long)

Đêm ba mươi. Nước sông Hòa Hiệp lớn đầy. Tiếng bìm bịp kêu ra rả phát ra những âm thanh nghe buồn não ruột. Mưa vẫn tuôn xối xả bởi ảnh hưởng của cơn áp thấp nhiệt đới chưa chịu dừng lại. Sấm chớp tạo những tia sáng xanh dờn cứ xoèn xoẹt trên bầu trời tối mịt kèm theo những tiếng nổ đì đùng nghe rất rợn người. Vặn nhỏ ánh sáng chiếc đèn “hột vịt” trên bàn thờ, mẹ Út đốt mấy cây nhang cắm vào hai chiếc lư hương rồi nhìn chằm chằm vào hai tấm ảnh như cố nhớ lại những khuôn mặt thân yêu của mình nay không còn nữa.

Tranh minh họa: TRẦN THẮNG
Tranh minh họa: TRẦN THẮNG

- Ông với thằng Sang có sống khôn thác thiêng thì “dìa” đây phù hộ cho tui với xấp nhỏ khỏe mạnh.

Nói đến đó bà bật khóc. Cứ mỗi lần đến cái đêm ba mươi định mệnh này thì những thước phim quá khứ xót xa lại ầm ập kéo về làm bão tố trong lòng bà và có lẽ nó sẽ đeo đẳng theo bà suốt cả cuộc đời, đeo đẳng theo một phụ nữ hình như sinh ra để hy sinh, để chịu đựng bao mất mát đau thương của cuộc chiến tranh.

Ngày ấy…

- Chị Út ơi có nhà hông chị?- tiếng thằng Năm Lê gọi dồn dập phía sau cái chái bếp.

- Có. Lê hả? Có chuyện gì gấp hông mà bây “dìa” đây giờ này. Nè. Dòm tới, dòm lui coi có ai theo dõi hông nghe. Lúc này tụi lính bảo an, biệt kích “quần” tới “quần” lui dữ lắm.

- Dạ. Em biết. Sau cái vụ anh Năm Quện, Sáu Phèn bò vô chọi lựu đạn, bắn sập đồn Ông Đệ, tụi nó nổi “khùng” nên “quần” dữ dội, lơ mơ một chút là nó “ria” một băng đại liên thì má em nhận hổng ra em- Lê cười khì khì.

- Có chuyện gì, bây nói lẹ lẹ đi. Vòng vo tam quốc hoài, lính nó tới thì chết cả đám.

- Chút nước lớn. Anh Hai bí thơ nói chị cố gắng bơi xuồng ra lộ Ba Kè rước cán bộ ở Vĩnh Long xuống rồi đưa vô đồng “Bỏ Cỏ”. Nè, chị nhớ cẩn thận nghe. Thôi em đi đây. Nhà còn cái gì ăn hông chị Út? Em đói quá. Hồi sáng tới giờ có ăn uống gì đâu, bởi vậy bây giờ cái bụng cứ kêu ọt ọt.

- Còn mấy đòn bánh tét nhưn đậu xanh. Bây ăn cho đỡ đói.

Vừa nói chị vừa nhanh chóng cắt lấy hai đòn bánh treo trên giàn bếp nhét vội vàng vào cái giỏ đệm đeo sau lưng thằng Lê. Nhìn bóng dáng nhỏ xíu lặng lẽ nhanh nhẹn biến mất trong màn đêm, chị thương nó đứt ruột, đứt gan. Mới mười tuổi mà nó sớm mồ côi ba má. Má nó chết khi mới sanh nó, nghe nói bị băng huyết rồi nhiễm trùng trong cái “tăng xê” ngoài vườn ngoại nó.

Nhà nghèo rớt mồng tơi, ngoại nó phải xẻ bộ “ván ngựa” để làm hòm chôn cất. Hồi đám ma, tuyệt nhiên không thấy mặt ba nó bởi tụi lính biệt kích “canh me” ngày đêm để bắt cho bằng được cái người bí thơ Việt Cộng xuất quỷ nhập thần đánh đồn như cơm bữa làm tụi lính sợ té đái trong quần. Vậy mà cứ vài bữa người ta lại thấy những cây nhang lạ cắm trên cái mộ đất. Ai cũng im lặng hết vì họ hiểu, những tép nhang đó là của Hai Tánh nửa đêm lén về cắm lên mộ vợ.

Mấy ngày sau, tụi biệt kích bắt được Hai Tánh khi anh đang đánh Chi khu Cái Ngang rồi trúng đạn từ mấy cái lô cốt. Chúng treo anh lên cây sao rồi bắn liên tục vào cái xác đang lơ lửng với đôi mắt trừng trừng, như để trút giận. Mấy ngày sau, chúng quăng xác anh xuống sông trôi mất dạng, không tìm thấy xác. Thằng Lê mồ côi từ lúc lên mười rồi “cuốn đồ” đi theo Việt Cộng, làm giao liên.

Đang loay hoay chuẩn bị bơi xuồng ra mé lộ để rước cán bộ theo lệnh của cấp trên, sẵn định mua thuốc tây cho mấy người nữ cán bộ bị thương được chị nuôi giấu dưới hầm thì nghe tiếng Hai Huỳnh vừa chạy lính quýnh, vừa khóc nức nở:

- Út ơi. Chết rồi Út ơi. Mấy “ổng” bị tụi biệt kích phục kích bắn chết hết bốn ông rồi. Tụi nó đang bỏ xác xuống tàu chở “dìa” đồn Ông Đệ. Làm sao bây giờ?

- Chị nghe tin này ở đâu, có thiệt hông?

Vừa hỏi mà tim chị cũng đánh thình thịch liên hồi. Chị bật khóc rồi ngồi bệt xuống nền đất trước nhà.

- Hổng thiệt sao được Út ơi. Anh Sáu Thòn cũng trúng đạn nhưng chạy thoát được mới ghé cho hay tức thì- Hai Huỳnh trả lời.

Hèn gì. Hồi nãy chị nghe tiếng súng nổ liên tục mé đồng “Bỏ Cỏ”- nơi chồng chị và mấy người du kích, cán bộ đang ẩn náu hoạt động. Hổng lẽ…

Một sự lo sợ ầm ập kéo đến. Linh tính đã cho chị biết những điều không may đã đến với chị như một sự nghiệt ngã nhất, đau đớn nhất. Chị nhìn đám con mình đang ngủ say sưa trong cái mùng rách được vá víu khắp chỗ mà nước mắt tuôn tràn. Ở cái “tăng xê” được ngụy trang khéo léo dưới cái bàn thờ, chị nghe tiếng Hai Thu- nữ trinh sát được trên tăng cường về hoạt động- hỏi vọng lên:

- Út ơi. Có chuyện rồi, phải hông? Cố gắng bình tĩnh nghe Út!

- Chị yên tâm. Cứ ở yên đó. Dù cỡ nào thì tui cũng hoàn thành nhiệm vụ. Tui hổng bỏ Đảng, bỏ Bác, bỏ mấy chị đâu. Tui hứa mà- chị nói lí nhí trong hơi thở đứt quãng, dồn dập.

Tiếng máy tàu hù hụ của lính chính quyền Sài Gòn càng lớn dần trong đêm ba mươi vắng lặng. Hai bên bờ sông, nhà nhà đốt con “cúi” bằng rơm có, bằng lá dừa có đứng đông nghẹt.

Họ đang chờ đợi chiếc tàu tuần tiểu đi ngang coi mấy “ông” Việt Cộng sống chết ra sao. Tiếng khóc la, bàn tán, xì xầm cứ vang lên tạo những âm thanh hỗn độn. Trời bỗng mưa. Vậy mà không ai chịu về nhà. Người thì lấy mấy cái tấm bạt ny lông chống chọi; người thì trú ẩn dưới mấy cái tàng cây dúi, trâm bầu; người thì gồng mình “chịu trận”.

Gần tới nhà chị Út, tiếng máy tàu tắt đột ngột. Đèn pha sáng trưng rọi xuống phía trước mũi tàu bốn cái xác người bê bết máu. Một thằng lính chắc là chỉ huy đám biệt kích nói oang oang:

- Nè. Xóm Việt Cộng này nghe đây. Theo Việt Cộng thì chết không toàn thây như vậy đó. Liệu hồn mà sống. Hứ…

Nói xong nó lấy cây súng tiểu liên bắn một loạt xuống bốn thi thể người du kích rồi cười sằng sặc như con thú điên.

- Con mẹ Út đâu rồi, ra đây dòm cho kỹ cái thằng chồng Việt Cộng, chút nữa lên đồn đem “thịt heo” về làm đám- tiếng thằng Tám Ó “chiêu hồi” từ phía sau ca bin tàu nói vọng lên bờ.

Chị khuỵu xuống trên bờ đê khi nhận ra chồng mình dù thân thể chẳng còn nguyên vẹn. Không nhận ra anh sao được khi bộ đồ bà ba đen may bằng vải ú có vá ba miếng vải ka ki ở dưới nách là chính tay chị vá mới mấy ngày. Đôi mắt. Đúng rồi. Đôi mắt của chồng chị đang mở trừng trừng vì căm hờn như thúc giục chị can đảm lên để trả thù cho anh, trả thù cho quê hương, đất nước. Chị lại gượng đứng lên nói thật lớn:

- Mấy ông cũng là con người mà sao ác dữ vậy? Dù gì người ta cũng chết rồi, làm vậy tội chết.

- Tội với lỗi, mầy nói lôi thôi tao “nẻ” một phát là chết mẹ nghe. Hứ.

Thằng lính biệt kích trả lời và lên đạn khẩu súng nghe rốp rốp.

Tàu lại nổ máy rồi chạy thật chậm trên sông, cứ mỗi lần đi qua nhà của những người du kích bị chúng bắn giết, cái điệp khúc tắt máy tàu- gọi tên người thân chửi rủa- mời lên đồn để nhận “thịt heo” về làm đám cứ vang lên…

***

Sáu năm sau, đang ngồi chặt mấy cái nhánh dừa làm củi chuẩn bị cho đám giỗ lần thứ sáu của chồng, chị thấy một chiếc xuồng nhỏ ghé vào bến sông. Nhanh như chớp, thằng Lê phóng lên bờ chạy ù ù tới gần chị nói với vẻ gấp rút:

- Chị Út ơi! Thằng Sang trốn đi theo cách mạng ở Tam Bình rồi. Hồi nãy gặp em ở đầu vàm, nó gởi cho chị cái thư này. Thôi tui đi đây.

Nói xong, chưa kịp đợi chị hỏi han đầu đuôi cớ sự, nó phóng xuống xuồng bơi một mạch mất tiêu. Chị lật đật mở cái thơ nó gởi với nét chữ không ngay hàng thẳng lối: “… Má, tha tội cho con, đám giỗ ba mà con không ở nhà cúng vái, con đi theo Việt Cộng trả thù cho ba, chừng nào rồi, con dìa với má… Sang, con trai của má. À quên nữa, má nhớ mua thuốc cho thằng Giàu, mấy ngày nay nó nóng hầm hầm hoài. Con trai má, thằng Sang…”

Đọc thư con, chị vừa mừng vừa giận. Cái thằng gì tánh nết y chang ba nó. Vừa bướng bỉnh, vừa “cứng đầu”, bù lại rất chu đáo nhỏ nhặt như con gái. Thôi thì cho nó đi chớ cản đản sao được. Chị đi đến bàn thờ đốt ba cây nhang van vái.

- Ông về độ trì cho thằng Sang mạnh giỏi. Nó đi trả thù cho ông đó. Tui cũng muốn đi nhưng còn xấp nhỏ, ông đừng giận tui nghe ông.

Nỗi đau một lần nữa lại ập xuống cuộc đời của chị. Thằng Sang hy sinh trong trận đánh đồn Cái Ngang khi nó vừa đúng mười sáu tuổi. Nó chết cũng đúng vào đêm ba mươi định mệnh như ba nó. Một lần nữa, chị lại nhận lấy khăn tang trắng về mình. Chị không khóc mà nói cho cùng không còn nước mắt để khóc bởi nỗi đau nghiệt ngã chiến tranh liên tục chồng chất xuống cuộc đời mình…

***

Đêm nay, cũng là đêm ba mươi. Chị Út giờ đã là một phụ nữ tóc bạc phơ. Hơn tám mươi tuổi rồi chớ phải trẻ trung gì nữa. Bà đang ngồi tại bến sông này để nhớ chồng, nhớ con đến xót xa, bầm gan tím ruột. Sông Hòa Hiệp vẫn chảy vô tư như chưa từng chứng kiến nỗi đau của những người vợ, người mẹ vĩnh viễn tiễn biệt người thân để đất nước có được ngày hòa bình thống nhất hôm nay. Ngày mai là đám giỗ của chồng và con trai bà. Đêm nay bà muốn ngồi đây thì thầm tâm sự với người đã khuất trong mưa.

- Nội ơi, sao nội ngồi đây một mình buồn hiu vậy? Ngày mai, chắc nhà mình đông vui lắm phải hông? Đám giỗ ông nội với bác Hai mà.

Tiếng đứa cháu nội bi bô đưa bà về thực tại.

- Ờ. Năm nào mấy ông, mấy bác cũng tới nhà mình đó con. Thôi con ngồi đây để nội kể chuyện đời xưa cho con nghe há.

- Nội kể chuyện gì ? Chuyện “Tôm“ và “Gie Ri“ hay chuyện Đô Rê Mon?

- Không. Mấy cái chuyện đó nội đâu có rành. Nội kể chuyện con sông, bến nước, cây cầu, lũy tre, con trâu, con cá và hay nhứt là cái chuyện ông nội và bác Hai con đánh giặc.

Trong đêm tối. Mưa bỗng tạnh đột ngột. Tiếng kể chuyện ngày xửa, ngày xưa cứ đều đều trong đêm lạnh, trong tiếng sóng vỗ óc ách, tiếng gió lào xào trên dòng sông Hòa Hiệp đang lắng nghe những câu chuyện bi hùng.

VÂN ANH