Truyện ngắn: Thì ra là vậy!

Cập nhật, 15:56, Chủ Nhật, 28/10/2018 (GMT+7)

HỮU VĂN

Tấn rất lấy làm lạ là gia đình chú “Tư nông dân” hết sức đầm ấm; chưa hề nghe có vụ đánh ghen nào xảy ra ở cái độ tuổi già léng phéng hơi xuân trở lại; vậy mà gần đây mọi người âm ỉ đồn lão nông này đêm đêm trốn nhà đến bồ nhí. Dư luận cho rằng chính người có tội thú nhận ở bàn nhậu.

Tranh minh họa: Trần Thắng
Tranh minh họa: Trần Thắng

Thế là nhà báo Tấn lên đường tiếp cận…

- Ngày xưa, tôi là đứa trẻ hiền lành đến độ cắn cơm không bể mà cắn tình thì bể hai liền. Năm mười sáu tuổi tôi đã bắt đầu yêu. Yêu ở độ tuổi còn cắp sách.

Đó là một buổi chiều mắc mưa tại đình làng. Tôi và nàng quen nhau. Nàng hơn tôi cả chục tuổi đời. Chúng tôi đứng nép bên nhau để truyền hơi ấm tránh những làn gió lạnh lẽo từng đợt thốc vào hiên đình. Đôi mắt nàng hết sức ấm áp trìu mến nhìn tôi.

Cái tuổi vừa mới vói gần 17 mà ông bà mình thường bảo ở tuổi đó sừng trâu cũng bẻ gãy; tôi thấy có gì xao xuyến mơ hồ vây lấy lòng tôi khi lâm tình thế này. Trong âm u buổi chiều mưa mà được sưởi nóng bằng tia mắt của đàn chị lại kiều diễm nữa thì còn bút mực nào tả nổi sóng lòng. Thế là tình yêu đến!

Đêm đêm, tôi ngồi dưới đèn kỳ mài viết. Viết mãi viết hoài cho một nàng tên là Thi- người đã làm tôi rung động con tim. Hình bóng ấy không phai nhòa dù cố nhân biền biệt, làm cho vợ tôi sau này phát ghen với cái bóng liêu trai ấy.

Coi hiền vậy chứ bà ấy ghen là không thể tả hết cái phát xít phát ra từ bà ấy. Tôi phải từ biệt dáng hình xinh xắn của người ra đời ở thập kỷ trước tôi hầu duy trì hạnh phúc gia đình.

Vậy mà…

Bước vào cái tuổi sắp rời ghế cổ lai hy để ngất ngưởng trên ngai thượng thọ, ông tơ bà nguyệt đánh lộn dây tơ hay sao khiến tôi một lần lại yêu nữa. Nàng tên Dạ Hương. Tên cũng như dáng hình đều xinh như mộng.

Nàng có biệt tài kể chuyện ru người vào giấc ngủ êm mơ. Tôi nghĩ Mỹ Thanh Loan của cổ đại Ba Tư hồi thời xa xưa với 1001 chuyện lay động trái tim một vị vua hận thù đàn bà thấu trời xanh thành giai thoại muôn đời; dù có hồi sinh chưa chắc kể hay hơn đâu.

Cái tô máu ghen phát xít bà vợ già của tôi có lẽ cũng cạn dần theo năm tháng tại cầu thang cổ lai hy. Dù đêm đêm phòng ai nấy ở nhưng bà ấy cũng không bao giờ đột xuất kiểm tra nên tôi mới có điều kiện đến Dạ Hương. Già rồi cũng chẳng làm được gì! Tình yêu của tôi hoàn toàn hiến dâng cho nàng mà nàng thì cũng vậy. Đó mới là đầm ấm nhất của tuổi ráng chiều sắp lặn.

Kiến thức nàng rất rộng lại chuyện kể với giọng ấm dịu trầm thoát ra từ đôi môi quá xinh xắn của một đóa hoa ở lứa tuổi “tri thiên mệnh”; làm sao đôi mắt tôi khỏi lịm vào không gian huyền ảo rồi nhanh chóng theo bước lãng du dẫn dắt từ nàng?

Có những đêm nàng đưa tôi đến bờ sông Seine của Pháp. Hai bờ thẳng tắp cây xanh soi mình nhìn mặt nước trong veo ngày hạ; điểm thêm những du thuyền buông lái trên dòng giữa trời xanh thơ mộng; du khách sao khỏi bồi hồi dùng dằng chẳng nỡ rời chân?

Có những lúc nàng dìu tôi vào hang động Sơn Đoòng của đất nước Việt Nam, tôi bàng hoàng trước bức tranh đào nguyên hiện ra tầm mắt với những hình đá huyền ảo; những điểu thú quý hiếm chập chờn đu lượn trên thảm cây xanh xanh mút tầm mắt.

Lại một đêm nàng dìu tôi vào con đường núi quanh co đến tận đỉnh Langbiang để nghe ngàn thông rì rào kể chuyện tình bi thảm rồi buông mình về hồ Than Thở nhìn trăng ngắm “Đồi thông Hai Mộ” mà thấm thía tình trường…

Hình như bà vợ già tôi dần dần rồi cũng biết. Vẫn làm thinh. Tôi lại tiếp tục đưa bước lãng du nhìn ra thế giới. Một hôm tôi đến phía Đông đảo Dadon của Phi Luật Tân. Hòn đảo đẹp tựa thiên đàng, nổi tiếng với chiếc võng ken có hình dáng như tổ chim dồng dộc.

Tôi ngồi lên chiếc võng đó mà hưởng cái thoải mái giữa vùng đất biển ấm áp, trời nước xanh ngăn ngắt một màu, rồi trong thư giãn liệm vào giấc mộng mê ly. Như nhà hàng hải Sinh Bá của 1001 đêm mê biển, tôi tiếp cuộc viễn trình đến tận bãi Sarasota xứ Florida.

Trong đời tôi chưa từng thấy vẻ trắng tinh khiết ở nơi nào tôi đã qua như bãi cát trắng này. Bờ cát trải dài như một thiếu nữ thư thả nghiêng mình vọc nước biển mặc những lượn sóng nhỏ nô đùa mơn man thể xác nguyên trinh.

Tiếp đó tôi băng mình vào quần đảo Maldives của xứ cộng hòa Maldives ở Ấn Độ Dương; thoải mái nghỉ ngơi tại phòng của khách sạn năm sao có sàn phòng nghỉ lát toàn kính dày, cho tôi cảm giác bồng bềnh trên biển như nàng tiên cá vẫy vùng ở đại dương bao la, biêng biếc tận chân trời.

Thú vị nhất là lần đến Granada xứ Nicaragua, tôi đắm mình thư giãn ngước nhìn vòm xanh êm ả trên một chiếc ghế xích đu cực lớn dưới ngôi nhà treo lủng lẳng trên cây.

Vì không bỏ cuộc du hành, tôi lại lần mò đến phía Tây Bắc vùng Sami trên đảo Kedalonia- một đảo biển của Hy Lạp- với nhiệt tình thăm hang động Melissami vì nghe đồn rằng nếu ngủ đêm tôi sẽ gặp Tiên xuống tắm ở hồ nước trong hang động này.

Rừng già và các vùng núi bao quanh nơi đây đã quyến rũ biết bao du khách- trong đó có tôi- đến đây rồi thì khó mà rời. Sinh Bá của 1001 đêm còn bước dừng chân sau cuộc hành trình thứ 7. Phần tôi có lẽ đôi chân lang bạt khó hẹn lúc dừng nên sau vài ngày đắn đo tôi cũng lên đường.

Lần này tôi lạc bước vào thánh đường St. Basil ở thành phố Mạc Tư Khoa. Thánh đường này ra đời từ năm 1555 có vẻ đẹp quyến rũ với một tháp chính có nóc nhọn, cao hơn tám mươi mét nhô lên với trời xanh thăm thẳm, xung quanh nó là tám tháp thấp làm cận vệ; mỗi tháp đội trên đầu một quả bầu thúng to tướng. Vẻ đẹp tuyệt mỹ kiến trúc cổ Nga hiếm thấy ở nơi khác.

Trở về Việt Nam, tôi theo du thuyền lượn lờ trong vùng vịnh Hạ Long để chiêm ngưỡng kỳ quan thiên nhiên ban tặng cho con Hồng cháu Lạc.

Đối diện trời nước xanh xanh bao la ôm ấp hàng ngàn đảo đa dạng thể hình, tôi mới thấm sâu tình yêu chú “bộ đội Cụ Hồ” ngày đêm miệt mài bảo vệ biển đảo; mới tri ân thâm sâu sự hy sinh vĩ đại của hơn hai vạn chiến sĩ vì bảo vệ nền văn hiến dân tộc, nằm lại Nghĩa trang Hàng Dương để Côn Đảo mãi mãi thành tấm gương sáng chói tình yêu nước;

mới cho con cháu muôn đời kính phục, tiếp nối truyền thống giữ gìn thắng cảnh của một đất nước mà toàn dân luôn luôn tâm niệm câu “Không gì quý hơn độc lập tự do”.

Lần lượt rồi tôi cũng đến Tam Cốc ở Ninh Bình để thấm cái trầm mặc vùng hồ tuyệt mỹ; bước chân Mù Căng Chải chiêm ngưỡng những thửa ruộng bậc thang làm nên êm ả bước đào nguyên; rồi dừng chân trên đỉnh Mã Pí Lèn của Hà Giang và say sưa ngắm dòng Nho Quế lững lờ.

Nói gì thì nói chứ quê hương vẫn là chùm khế ngọt cho nên tôi phải xuống thuyền lả lướt đường sông quanh cù lao An Bình để vời trông chiếc quạt hùng vĩ xòe ra trên cầu Mỹ Thuận xa xa phía trên đang tắm trăng vàng;

mà thưởng ngoạn vùng cây trái xanh rì cù lao mút tầm mắt trải rộng giữa đôi dòng Cổ Chiên và Cái Bè, đưa hồn lâng lâng trở về hoài niệm tiếng cười giòn tan của bác Tám Cồ từ thuở khai cồn. Đây là một trong số những bức tranh quê hương đẹp nhất Vĩnh Long miệt cồn quê mình…

Chú “Tư nông dân” nhấp chút rượu nhìn xa xôi như vét hết túi hồi ức để trao cho bạn đối ẩm. Chiều dần buông, tiệc rượu mi ni cũng tàn theo ánh sáng còn sót lại chân trời. Tấn hỏi chú Tư hôm nay có đến bà Dạ Hương không. Chú cười không đáp, bước chân chưa đến độ loạng choạng nhưng cũng không được ngay, dẫn dắt chú trở lại nhà.

Tấn bâng khuâng nhìn theo, thầm nghĩ với dáng điệu này làm sao chú ấy đến “cơ sở hai” được?

Trở về quán cà phê chị Ba quen thuộc gần Văn Thánh miếu, nơi thờ Đức Khổng Tử- một vị vạn thế sư biểu- Tấn mang hết cảm nghĩ thố lộ với chị Ba. Tấn cho rằng giữa thời buổi tình yêu chưa có chút ý niệm hiến dâng, thím “Tư nông dân” lại đổi mới hiến dâng cái tình mà hồi xưa bà quyết giữ;

giữ một cách gần như chiếm đoạt để bộc phát cái ghen đến nỗi chú “Tư nông dân” gọi đùa là phát xít; nay thì lại rất thoáng; thoáng như một người dâng hiến đang thong dong trên con lộ tráng nhựa tình trường tạo thành trang tình sử đẹp, hạnh phúc tuyệt vời.

Chờ cho Tấn dứt “trang lời” say sưa nói về tình yêu hiến dâng của đôi vợ chồng già với lời ca tụng hết mình và còn dự kiến đưa lên trang báo để thành tấm gương người tốt việc tốt mà chắc chắn người đó phải là thím Tư; chị Ba buông tiếng cười kèm theo câu “cậu Tấn này, cậu đã gặp phải bác Ba Phi rồi đấy”.

Chị kể cho cậu em nghe một chuyện này nghen. Chuyện như vầy:

- Hồi trước lâu và lâu lắm nơi làng Mỹ An (huyện Mang Thít) có một chàng trẻ rất mê thơ. Mười sáu tuổi đã từng ngâm nga “Năm lên mười sáu anh đà yêu em”.

Thế là thơ tình ồ ạt ra không có giờ giấc, trật tự. Cái nết khó bỏ ấy đeo đẳng thành tật, nên sau khi kết hôn với người vợ trẻ vốn là phụ nữ mực thước, cô này chịu hết nỗi, có lần đốt gần cả trăm bài thơ mà cô ấy cho rằng thương vay khóc mướn, tâm hồn ở tận mây xanh trong thời buổi chiến tranh.

Tỉnh mộng, chàng trai thề không bao giờ ngó đến thơ. Đến khi bước vào con lộ hẹp đi chặng cuối đường đời; chàng thanh niên đó thành người cao tuổi; va phải cái tính thích kể chuyện như bác Ba Phi nên người ta gọi là bác Tư Phi vì ông ấy thứ tư.

Ông Tư lại nì nằn họ sụt xuống thành biệt danh trìu mến: “Tư nông dân”. Một biệt danh của lão nông tri điền vui tính; một tấm gương nông dân trung kiên với cách mạng giải phóng dân tộc qua hai thời kỳ chống ngoại xâm; luôn luôn sống lạc quan và làm theo gương Bác Hồ từ nhỏ đến lớn.

Chú “Tư nông dân” thường cho rằng, bước qua khỏi ngưỡng cửa “tri thiên mệnh” tức là vào ngõ hẹp 60, ông bà mình hồi xưa gọi là một đời người, con cháu thường tổ chức lễ mừng lục tuần; đây là giai đoạn hưởng lộc trời tính từng năm mà mỗi năm là một lộc quy thiên ban cho những đứa con ngoan biết cội biết nguồn với điều kiện tâm biết lặng.

Ngoài việc đó, còn phải biết cách ăn uống quân bình âm dương; phải biết cách ngủ cho tốt mới mong hái nhiều lộc trời, kéo dài tuổi thọ để “lãnh đạo con cháu” yêu nước; giữ vững truyền thống gia đình.

Thời đại hội nhập công nghệ 4.0, thế hệ tương lai chỉ ngồi một chỗ cũng có kiến thức trang bị đa chiều. Vì vậy, lớp người cao tuổi đang hái lộc trời phải là những hướng dẫn viên cần thiết không thể coi thường.

Lực lượng này mới có kinh nghiệm dẫn dắt con cháu bước đi vững chãi đường đời trong thời đại hội nhập; nơi con đường đó luôn có nhiều hầm hố, nhiều ngả rẽ; chọn lầm mà bước thì hậu quả khôn lường.

Ông bà ta thường nói “ăn được ngủ được là tiên” để tuổi già vẫn còn hữu ích đối với người sau thì cần biết đưa hồn mình du ngoạn đó đây để đón chào mộng đẹp đến từng đêm. Một giấc ngủ ấp ôm mộng đẹp thì đó là giấc ngủ chữa bá bệnh. Có sức khỏe là có con cháu ngoan hiền. Giản dị quá đi thôi.

Thế là câu chuyện nàng Dạ Hương thay Mỹ Thanh Loan của 1001 đêm được thành chuyện kể lúc trà dư tửu hậu... Cậu em hiểu chưa?

Tấn ngớ người hàng phút như kẻ ngu ngơ rồi bẽn lẽn nhìn chị Ba chủ quán, thốt:

- Thì ra là vậy!