Truyện ngắn: Người đưa đò

Cập nhật, 06:49, Chủ Nhật, 16/04/2017 (GMT+7)
  • ™NGUYỄN KIM

Ông Năm ngồi bó gối ở sàn nước lợp lá dừa nước lưa thưa gie ra mé sông. Bên cạnh ông là chai rượu trắng, cái tách sứt quai và dĩa khô cá chạch. Dáng vẻ ông nhàn tản, một bàn chân cọ cọ sợi thừng lỏng lẻo cột chiếc đò, con nước đang lừ đừ lên.

Lềnh bềnh những chai nhựa, bao bì phế thải vật vờ dựa mé, nhấp nhứ xô ra rồi tấp vào, màn trình diễn đơn điệu.

Tranh minh họa: Trần Thắng
Tranh minh họa: Trần Thắng

Tợp ngụm rượu, ông chép môi tiêng tiếc nhớ cái đầu đĩa cũ của thằng Chí- con trai ông- mua tặng năm rồi, giờ xếp xó. Ba cái đĩa nhạc người ta cho thì ông không chịu nghe, hát kiểu gì mà om sòm, rối rắm quá chừng.

Tuần trước, có thằng bán dạo gạ ông mua đĩa ca cổ. Hỏi thử có bài của nghệ sĩ Út Trà Ôn, Minh Cảnh không thì nó nhăn nhở cười: “Tía muốn gì con cũng chiều!” Lục soạn trong giỏ đệm một hồi, nó chìa ra hai cái đĩa mới cáu, bìa màu sặc sỡ in hình các danh ca ông thích.

Đưa nó hai chục ngàn, ông gằn: “Bảo đảm hông mậy?” Thằng bán đĩa dạo búng tay cái chóc, hai con mắt gian gian: “Con mà xạo, chịu cho tía đánh ba chèo!” Tối pha bình trà, hồi hộp mở máy nghe bài đầu tiên “Ông lão chèo đò” do người nghệ sĩ quê Trà Ôn hát, ông tập trung chờ, chưng hửng rồi bực tức vì kết cuộc cả hai đĩa toàn loại nhạc lai căng, nhảm nhí.

Chiều qua, đang cột đò thấy thằng bịp bợm đi lẹ qua, mắt chạm mắt, ông tính kêu lại nói phải quấy, nhưng vừa nhác thấy cái giỏ đệm nó mang bên vai có miếng vải đen vá méo mó lớn bằng bàn tay, tự dưng ông cảm thấy tội nghiệp, buồn chán sao đó nên làm thinh luôn.

Chắc cái nghề của nó bán mua trầy trật nên gạt ai được cứ gạt, đời tha phương cầu thực mà, nhiều nhỏi gì cho cam? Coi như mình đưa chuyến đò ngang cho mấy đứa học trò không lấy tiền công, vậy khỏi bận lòng.

Bên kia sông chòm xóm đã lên đèn, nghe cả tiếng nói, tiếng cười vọng sang. Bất giác, ông Năm rào rạt tình cảm cất tiếng ngâm nga “Linh đinh… trời rộng sông dài… Đò ngang một chuyến… lần hồi sớm trưa…”.

Cột rút đoạn dây thừng, nhìn chiếc đò nhỏ quen thuộc mờ mờ ánh đèn, ánh sao, ông lắc đầu chua xót: “Mình ký cam kết không được chở người qua sông, ngày mai là hạn chót rồi… mau thiệt. Quen đưa đò rồi, nghĩ cũng buồn!” Tần ngần một lúc, ông Năm rót đầy tách rượu đưa lên môi…

… Giấc ngủ chập chờn, hỗn độn tâm trí đưa ông Năm vào những cơn mơ ngắn, đứt đoạn. Ông thấy lại hình ảnh thằng Chí hồi lên sáu tuổi đang lăn ra bên dưới quan tài của mẹ để gào khóc khản giọng: “Má ơi! má đừng bỏ con…”

Ông thấy ngày đêm con nước lớn ròng, mái chèo nặng nhọc đưa con đò sang bến, cùng những khuôn mặt thân quen, những đứa trẻ nhổ giò, bể tiếng… Hai mươi năm trời, những đồng tiền lẻ góp lại lần hồi đạm bạc nuôi sống gia đình.

Hiện tại chen vào như tia chớp, ông giật mình tỉnh giấc, lẩm bẩm: “Mình ơi! Tôi không còn chèo đò đưa khách nữa rồi…” Nấu bình trà ngồi uống thầm, ông nhìn sang bên kia bến. Thấp thoáng bóng vài người cùng quang gánh, tiếng kêu đò văng vẳng khiến ông bồn chồn, xót ruột.

Chờ lâu, họ bỏ đi theo con đường ngược xóm, chắc lên phía cây cầu mới khánh thành tháng trước. Ông Năm nghĩ: “Tại bà con ngại đường vòng xa, muốn đi đò ngang cho sớm buổi chợ thôi, cũng buồn thiệt!” Bất giác nhớ thằng Chí, ông đứng lên nghiêng người ngó qua miếng vườn.

Đất đai nhiễm phèn mặn và hổng có vốn liếng nhiều để cải tạo, bồi thố trồng trọt gì cho ra hồn, đặt thử các loại cây ăn trái thì cứ lụn dần, riết chán. Hai năm trước, con trai ông đặt bốn chục cây sa kê là giống cây khá lạ ở vùng này.

Cây lên xanh tốt, ít lâu sau trong xóm cũng nhiều nhà tận dụng đất trống bắt chước trồng theo, riết rồi bộn bộn toàn xã. Lâu lâu có người chỗ khác tới hỏi xin lá khô, lá tươi về làm thuốc trị tiểu đường, viêm gan…, ông gom cho thoải mái còn dặn uống một tuần nghỉ một tuần, uống liên tục coi chừng ngộ độc. Hổm rày thấy in như cây đang ra bông ra trái, thấy ham lắm, để coi sao.

Nhớ hồi vừa ăn tết xong, tối mùng bốn, thằng Chí đột ngột báo với ông là sẽ đi Bình Dương làm công nhân. Ông chưng hửng biểu: “Con phụ ba chèo đò lai rai cũng sống được, đi xa làm chi? Rồi vài năm kiếm đứa nào chịu thương chịu khó, ba coi mắt…”

Nó dùng dằng: “Rồi tiếp tục chèo đò nữa hả ba? Có chắc được tới đời cháu không?” Ông nén giận, hỏi lại: “Mày sợ nghèo đói, tính bỏ mồ mả ông bà, bàn thờ má mày cho hoang tàn, nguội lạnh hử?”

Đang lui cui soạn cái túi xách cũ, nó đứng lên, giọng ráo hoảnh: “Con không bỏ, nhưng cùn mằn quá phải đi, phải tìm cách thay đổi cuộc sống. Vừa làm vừa học thêm nghề mới khá nổi. Đời con còn dài, cứ gầm đầu cúi mặt, bám víu cái nghèo hoài… nhục lắm!” Không dằn được, ông Năm đánh thằng Chí một tát tay. Nó lủi vào góc nhà ngồi ôm đầu lặng lẽ…

Gần như cả đêm chẳng ngủ, ba giờ sáng ông mở rương lấy cái áo cánh cũ má thằng Chí thường mặc khoác ngoài lúc chèo đò.

Chuyện đã lâu lắm mà hổng quên, nhân cúng năm mươi ngày, ông làm mâm cơm đem xuống đò bày biện và rớt nước mắt khi tình cờ thấy chiếc áo của vợ, đem cất kỹ luôn tới giờ. Ông vuốt ve lưng áo thâm kim, khuỷu tay sờn chỉ mà lòng nghẹn ngào khôn xiết.

Cúng tách trà, thắp nén nhang, ông ôm chiếc áo trong lòng, mắt đăm đăm nhìn di ảnh vợ. Chí ra hồi nào không hay, nhẹ nhàng ngồi sát cha, hơi thở phả bên tai, nghèn nghẹn: “Con xin lỗi ba… ý con là…” Ông Năm xếp chiếc áo áp lên ngực, lắc đầu: “Ba hiểu, có điều khi nghe con đòi bỏ quê, ba buồn nên nóng nảy…”

Cả ngày đó và luôn ngày hôm sau, Chí giành việc chèo đò thay cha đưa khách qua lại. Khuya ngày thứ ba, nó đi cùng mấy đứa bạn lên Bình Dương. Con ngày một lớn, thằng Chí bé bỏng giờ đã trưởng thành, đã đủ sức rời cái bóng liêu xiêu của ông…

Bốn hàng cây sa kê cao hơn hai thước rưỡi, lá chen rợp bóng, bông đực bông cái trổ đều chờ thụ phấn. Ông Năm gom mớ lá vàng rụng vào một góc cho gọn, định bụng nghỉ một chút sẽ làm cỏ gốc cho sạch thoáng.

Nghỉ đưa đò, thôi thì kiếm chuyện khác mà làm kiếm cơm, tuổi hơn bảy mươi chớ còn cứng lắm. Sông rạch nhiều, chịu khó giăng lưới, đặt vó bắt cá tôm lây lất qua ngày chắc được. Tạm an lòng với ý nghĩ trên, ông Năm vừa cầm cuốc lên thì có tiếng gọi ngoài rào:

- Anh Năm ơi! Trời nắng quá, vô nhà nói chuyện chút coi…

Nhìn ra thấy người hàng xóm thân thiết, ông cười mừng rỡ:

- Tưởng ai… ừ… tôi vô liền đây chú Bảy!

Ngồi bên bàn trà, hai người trầm ngâm ngó ra lộ. Chú Bảy rờ rờ cánh tay cụt gần tới khuỷu- vết thương thời chiến. Ông Năm nhớ đâu hồi năm sáu sáu, bảy Cương thoát ly, hoạt động miệt Rạch Bùn, Tân Điền…, còn ông giữ thế cơ sở hợp pháp giúp anh em liên lạc bên trong.

Hòa bình, ông tham gia tiếp quản, gầy dựng đoàn thể cho xã, mấy năm sau xin nghỉ. Bên ủy ban, nhất là chú Bảy bảo ông viết tờ khai báo công, anh em hồi đó sẵn sàng xác nhận.

Ông Năm một mực từ chối với lý do: “Tui đâu có cống hiến chi nhiều cho cách mạng mà báo công báo trạng gì! Lo là lo cho những gia đình thương binh, liệt sĩ có cuộc sống đàng hoàng là tui mừng…” Đơn giản vậy thôi.

Hàng năm, cứ tới ngày Thương binh Liệt sĩ hăm bảy tháng bảy là ông Năm đều cùng anh em Hội Cựu chiến binh xã đến viếng nghĩa trang với sự bùi ngùi, trân trọng. Hiểu tấm lòng ông nên chú Bảy từ chỗ cảm mến, sau khi về hưu qua lại chơi thường thành ra thân thiết. Đặt cái giỏ đệm lên bàn, chú Bảy chậm rãi nói:

- Đem qua biếu anh ít lít nếp nhà với chục hột gà…

Ông Năm tặc lưỡi:

- Chú cứ cho này nọ hoài, tôi ngại quá. Gởi lời cảm ơn thím nghen!

Có vẻ đắn đo, chú Bảy xoay xoay tách trà:

- Tư Sáng chèo đò ngang ở khúc trên mấy bữa nay tới ủy ban khiếu nại ì xèo, nó đòi… đền bù kiểu như lệnh cấm xe ba gác năm kia. Còn anh có tính…

Vừa lắc đầu vừa cười, ông Năm chặn ngang:

- Hổng có chuyện đó đâu, mình chín chắn hơn nó mà… Ba gác, xích lô thì có chính sách nhà nước rõ ràng, chèo đò ngang mắc mớ gì đòi hỏi. Xã xây được cây cầu cho bà con đi đứng tiện lợi, mình nghỉ thôi.

Như cầu Rạch Miễu, cầu Mỹ Thuận, cầu Mỹ Lợi làm xong thì mấy chiếc phà coi như xong nhiệm vụ phải chuyển đi chỗ có nhu cầu, sao phải nấn níu cái cũ, cái lạc hậu cho cực?

- Không phải đòi hỏi, nhưng thằng Tư Sáng nó căn cơ khá giả mới là vô lý, còn anh có thể làm đơn xin hỗ trợ… Hoàn cảnh anh đơn chiếc, con đi làm xa, chỉ dựa vào chiếc đò làm thu nhập chính. Nay neo cột rồi làm sao…

Ông Năm bình thản trả lời:

- Thì tôi giăng câu, thả vó, đươn ky đươn rổ… cũng kiếm được gạo ăn mà chú Bảy! Rối rắm, phiền phức, người ta hiểu lầm mình. Bỏ vụ này đi!

- Ờ thôi… Tự dưng tôi nhớ lúc bị thương cụt tay ở Bình Thành năm bảy tư, nhớ má Hai là bà má rất hiền hậu đã cưu mang tổ du kích tụi tôi.

Trận đó lính sư 7 càn lớn, tụi tôi rút ra bố trí đặt trái, bắn tỉa cầm chân. Nó đặt ban chỉ huy ở nhà má Hai, tình hình bọn chúng sắp đổ nhào rồi mà còn làm trời làm đất, ra vô ăn nhậu không ngớt. Anh biết sao hông?

Rít hơi thuốc, chú đăm chiêu tiếp:

- Được hai ngày, đêm nọ má Hai với thằng cháu ngoại lén chất mấy bó rơm quanh nhà rồi đốt. Lửa bốc cao, hai bà cháu thoát ra, giả bộ la làng la xóm. Tụi lính hồn vía lên mây, xách súng chạy, ba lô đồ đạc bị lửa thiêu rụi hết.

Chừng lính rút hết, tôi hỏi: “Sao má đốt nhà, hổng tiếc sao?” Má Hai cũng bình thản như anh: “Nhà tao thì tao đốt, tiếc nỗi gì? Tao chướng mắt đám lính nghênh ngang trong nhà mình, ai chịu được?”

Sau giải phóng, má được phong tặng danh hiệu Mẹ Việt Nam anh hùng, là mẹ của 3 liệt sĩ. Riêng bản thân má Hai nhiều thành tích, tôi năn nỉ làm báo công, má từ chối thẳng thừng còn tôi thiếu điều bị chửi cho một chập. Cá biệt có những kẻ chạy đôn chạy đáo, ỉ ôi, tô vẽ, thậm chí gian dối để nhận lấy cái công mà mình không có…

- Loại này cũng không nhiều đâu chú! Có điều theo thời gian, họ cứ ngay ngáy lo có người biết… Quan trọng hơn là họ sẽ triền miên nỗi nhục ám ảnh trong lương tâm, nếu có, cho đến hết đời!

Chợt thấy phong bì thư dằn ở góc bàn, chú Bảy hỏi:

- Thằng Chí gởi thơ về hả anh Năm? Nó sao rồi?

Nếp nhăn trên trán như giãn ra, ông Năm cười vui:

- Nó làm ở xưởng in ấn bao bì, gởi thơ cho hay mới được lên lương cũng khá khá… Ờ, nó hỏi thăm chú, còn dặn tôi có gì lộn xộn ở nhà thì nhờ chú giúp. Thằng thiệt lo xa, tôi mà làm gì… lộn xộn!

Hứng thú, ông thì thầm ra vẻ bí mật:

- Nói riêng chú nghe… Nó rào đón, rồi mí mí là hồi lâu quen con Trúc- con anh Chín Lưu- ngoài ấp chợ. Hai đứa hiểu tánh ý, rồi thương nhau mà chưa dám cho người lớn biết. Có dịp chú thăm dò, lựa lời nói khéo mở đường giùm với anh Chín nghen! Chú giúp tui…

Không chần chừ, chú Bảy gật đầu ngay:

- Khỏi lo, Chín Lưu với tôi quan hệ tốt lắm! Mà tôi đoán chắc ý anh hổng muốn thằng Chí đi làm xa? Hổng muốn nó sống tự lực, mở rộng tầm nhìn để mà…

- Ban đầu thì có vậy, giờ tôi bình tâm chấp nhận sự lựa chọn của nó. Nói thiệt, cái suy nghĩ, nếp sống, làm ăn ở quê mình còn… lạc hậu lắm.

Từ chục năm trước, nghe phát động phong trào, hô hào xây dựng rần rộ, nói xin lỗi… giống như để tự vuốt ve, lừa dối nhau. Chẳng ai dám nhìn thẳng vào thực tế đầy lúng túng, bấp bênh. Anh thấy sao?

Hơi chồm tới trước, chú Bảy nói ngay:

- Lúng túng thì có, nhưng không bấp bênh đâu anh. Đó chỉ là một khía cạnh cá biệt cục bộ, không nhiều như anh thấy đâu! Vấn đề là cái chung, cái hiệu quả số đông địa phương làm được, làm tốt. Gần đây thôi, xã mình mới biểu dương gần hai chục hộ gia đình hiến đất làm trường học, mở rộng đường giao thông nông thôn, đóng góp quỹ “Vì người nghèo” thường xuyên.

Cây cầu gần bến đò mới xây nối liền hai bờ chia cách mấy chục năm, cũng có sức người, sức của từ dân. Những bức xúc hoặc chưa bằng lòng này nọ, họ xếp một bên để chung tay xây dựng nông thôn mới. Tự nguyện cả đó chứ! Chuyện đi lên đâu phải ngày một ngày hai, anh Năm?

Hai người im lặng hồi lâu. Chú Bảy thấp giọng như trải lòng:

- Anh Năm nè… Hồi đánh giặc, hiểm nguy rình rập, sống chết tày gang, tôi và có lẽ nhiều anh em lúc trò chuyện thường chung một mơ ước. Mơ ước gì? Đánh đuổi xâm lược, hưởng niềm vui hòa bình, sống êm ấm, đủ ăn đủ mặc cùng vợ con với miếng ruộng mảnh vườn.

Nào có quá đáng hay cao xa? Nhưng nếu tự bằng lòng vậy hoài thì thành ra tụt hậu, giậm chân tại chỗ! Xã hội phát triển, nhu cầu cuộc sống ngày một nhiều và cao hơn, mình phải làm sao cho gia đình, rồi cả mọi người, làng xóm lên mức khá, giàu.

Chuyển đổi sản xuất, vật nuôi, cây trồng, phát huy thế mạnh của địa phương mình, tận dụng đất đai… Muốn được vậy, cần dựa vào tập thể, vào cộng đồng, đồng tâm hiệp lực mới thành công, đúng không anh Năm?

Vuốt vuốt mái tóc bạc ngẫm nghĩ hồi lâu, ông Năm như thấm thía, cười nhỏ:

- Anh nói tôi nghe thông suốt hơn nhiều rồi… Ờ, anh thấy mấy chục cây sa kê trồng từ nhánh chiết của tôi sắp ra trái sum sê coi được không?

- Tốt lắm! Nãy giờ quên, tôi có người bạn bên Bến Tre mười năm nay học hỏi, trồng trọt rồi chuyên thu mua, chế biến đủ thứ mặt hàng từ trái sa kê, giờ làm ăn rất khá. Thu hoạch vườn nhà, lúc đầu ảnh bày vợ con chiên bán ở gần trường học, bến xe…

Riết rồi khách ăn nhiều, khen ngon hổng thua khoai môn, khoai tây. Quán xá, nhà hàng nghe tiếng đặt ảnh cung cấp, vô bịch vệ sinh đàng hoàng. Không đủ cung ứng, ảnh mua lại của bà con quanh vùng còn chưa thấm tháp…

- Ăn riết người ta phải ngán…

- Không! Cơ sở của ảnh mấy năm nay hoạt động, phát triển thêm nhiều mặt hàng… Ảnh học hỏi cách làm bột sa kê khô, nấu rượu từ những trái có tì vết chớ chẳng bỏ đi, nói chung là sản xuất không kịp bán.

Nay đã thành lập tổ hợp tác ươm cây giống, cung cấp ra cả ngoài tỉnh, anh thấy họ làm ăn giỏi chưa? Để hôm nào tôi mời anh bạn đó qua chơi, biết đâu là cơ hội cho bà con mình cải thiện phần nào đời sống…

Ông Năm im lặng một lúc, chậm rãi nói:

- Anh nói chuyện cây sa kê như một ví dụ cho thấy hiệu quả của sự tự lực, không trông chờ, ỷ lại… Hay lắm, tôi nghe anh!

Xoa xoa khuỷu tay cụt, chú Bảy tươi nét mặt:

- Chuyện vãn vầy mà tốt, giống như… hội thảo đầu bờ! Ờ quên, ngày mai đơn vị bộ đội hành quân diễn tập đóng quân tại xã mình có tổ chức giúp dân phát quang, khai thông đường kinh nước, vệ sinh môi trường… Anh tham gia không nè?

- Còn phải hỏi!

Đứng lên từ giã nhau, chú Bảy siết chặt tay ông bạn già một thời cùng chung lý tưởng đánh giặc giữ nước. Và ngày nay lại sát vai bên nhau để góp phần củng cố, phát triển quê hương trên đường xây dựng nông thôn mới…