30 năm leng keng với thùng cà rem

Cập nhật, 06:08, Thứ Bảy, 19/09/2020 (GMT+7)

 

Ông Tú dừng lại bên đường bán kem cho mấy bạn trẻ đang tắm sông là hình ảnh thật dễ thương.
Ông Tú dừng lại bên đường bán kem cho mấy bạn trẻ đang tắm sông là hình ảnh thật dễ thương.

Tiếng leng keng, leng keng vang lên lạc lõng giữa con đường ầm ào xe cộ, nhưng nó dội vào lòng tôi bao nhiêu là cảm xúc, bao nhiêu nhớ thương một thời nhìn thùng cà rem mà thèm thuồng, mà thọc tay mân mê túi áo trống rỗng không tiền.

Gần 30 năm nay, tiếng leng keng của ông Tú (45 tuổi- Long Hồ) đi bán dạo cà rem trên đoạn đường không đổi, thời gian đi và về cũng tầm tầm nhất định 2 giác trưa chiều.

Bây giờ ông Tú chạy trên chiếc xe thùng bán kem, còn hồi khởi thủy ông quảy trên vai thùng mớp đựng cà rem, thời gian sau thì “lên đời” chở thùng cà rem bằng chiếc xe đạp cà tàng không thắng.

Cái chuông trên tay thỉnh thoảng lắc lên mấy tiếng thay cho lời rao, cái chuông cũng mấy mươi năm theo ông qua hàng ngàn cây số, cũng đã ướt đẫm bao nhiêu mồ hôi nhọc nhằn một đời đi bán dạo.

Ngày nay kem bán không hết có thể ướp lại chớ hồi xưa khổ lắm, ông Tú nhớ hồi đó quảy thùng cà rem để phụ má nuôi đàn em nheo nhóc, có hôm chiều mưa tầm tã mà cái thùng còn nặng trên vai, ông vừa đi vừa khóc nước mắt nhòa trong nước mưa, coi như một ngày lội rã cẳng mà không có đồng lời, thậm chí bị thâm vốn.

Coi như một buổi chiều 9 anh chị em xúm lại ăn cà rem đã đời, má ngồi lặng thinh lấy khăn rằn lặng lẽ chậm nước mắt, còn thằng Út nhảy cà tưng, cà tưng: “Anh Hai bán ế, được ăn cà rem đã luôn”, nó vô tư cũng không ai nỡ la nó, mà bình thường nó thèm cũng không dám đòi ăn.

Thùng cà rem đi qua năm tháng, mấy em lớn dần lên lập gia đình, rồi tới ông Tú cũng lập gia đình, cháu con xung quanh đông lên, nhưng đã thiếu vắng bóng dáng thân yêu, quan trọng nhất nhà- má ông đã đi xa. Tự dưng ông cũng không muốn rời xa cái nghề… leng keng này nữa.

Cuộc mưu sinh nhọc nhằn, vất vả nhưng cũng không nặng vốn, nặng lo; nó như một cái nghề giản đơn nhưng gắn với hình ảnh bao nhiêu kỷ niệm yêu thương của một gia đình ngày xưa có má. Giờ mấy anh em cũng rời xa nhau mỗi người tự lo cho cái gia đình riêng, mỗi năm trông chờ ngày giỗ má để có dịp ngồi lại với nhau.

Những lúc ngà ngà say, thằng Út ôm anh Hai nó tha thiết: “Em thương anh Hai quá!” Những lúc như vậy tự dưng ông rưng rưng nước mắt. Thương quá thùng cà rem, thương quá tiếng leng keng gắn bó gần 30 năm, đổ mồ hôi lấy những đồng bạc lẻ, chiều về đổ một đống ra cẩn thận vuốt thẳng từng tờ bạc rốt cuộc cũng chẳng có bao nhiêu.

Thùng kem ngày nay ông Tú tự làm, mỗi cây kem có rắc lên mấy hột đậu phộng, chế lên chút sữa đặc có giá 5.000đ, mỗi ngày cũng kiếm hơn 300.000đ, tiền lời không bao nhiêu nhưng tạm xoay xở trong nhà.

Vậy là được rồi. Cái nghề này cũng vui vui, nó đi cùng những đứa trẻ, sân trường, luôn gợi cho ông Tú nhớ ngày xưa mình chỉ được học tới lớp 5, những ngày đi học chưa bao giờ có tiền trong túi, ra chơi là xáp vô mấy thùng cà rem, mấy xe đá bào xi rô nhìn mà thèm chảy nước miếng.

Một cách tự nhiên tôi có cảm tình với ông Tú, như hiểu được mà không cần ông nói cặn kẽ; bởi hồi xưa tôi cũng từng xách bịch bánh phồng vào lớp vừa học vừa bán, những ngày cuối tuần ngoại đổ bánh bò tôi cũng đội đi bán bình thường, không mắc cỡ mà còn cảm thấy rất vui khi mình làm ra tiền.

Tôi không thích ăn vặt, nên cũng không có nhu cầu ăn kem mà ngày nay kem được bọc trong những chiếc vỏ đủ màu sắc đẹp mắt và có chất lượng, vệ sinh. Nhưng thỉnh thoảng tôi vẫn thích mua một cây kem 5.000đ của ông Tú, thích đứng chơi với ông nhìn ông bán kem cho mấy đứa trẻ, cảm giác như ùa về bao nhiêu là ký ức xa xôi.

Thương quá những tiếng leng keng lạc lõng trên những đoạn đường ầm ào xe cộ. Rồi đây cũng sẽ chẳng còn mấy người như ông Tú đi bán dạo bằng “tiếng leng keng” nữa đâu.

Những đứa trẻ được cha mẹ đưa vào những quán máy lạnh bên những ly kem sang trọng đầy sắc màu, chúng cũng sẽ không thể nào hiểu được những que kem bình dân ướt đẫm nhọc nhằn của một đời bán dạo.

Bài, ảnh: NGỌC TRẢNG