Về xứ cát ăn xương rồng

Cập nhật, 13:06, Thứ Ba, 28/02/2017 (GMT+7)

Vùng cát trắng ven biển như Núi Thành, Thăng Bình, Điện Bàn,… của Quảng Nam có loại cây xương rồng mọc hoang khắp nơi từ trên các nổng cát cho tới các bờ rào quanh vườn, được các bà mẹ quê chế biến thành những món ăn thơm ngon, hấp dẫn.

Theo Đông y, xương rồng vị đắng, tính lạnh; có tác dụng hành khí hoạt huyết, thanh nhiệt giải độc, tán ứ tiêu thũng, kiện vị, giảm đau, cầm ho.

Cây xương rồng có “gai góc” vậy nhưng cư dân duyên hải miền Trung thường dùng xương rồng gọt bỏ vỏ xanh và gai, xắt mỏng, rửa sạch mủ để chế biến các món ăn như canh, xào, nộm,… rất ngon lành, hấp dẫn.

Bà Văn Thị Nhứt (82 tuổi, trú tại thôn 1, xã Điện Dương, huyện Điện Bàn- Quảng Nam) đưa chúng tôi ra bờ rào ở góc vườn giới thiệu về cây xương rồng.

Bà cho hay, đây là loài cây sống trên cát bỏng, chịu được cái nắng nóng khắc nghiệt vào mùa hè của miền Trung xứ Quảng. Những năm thiên tai, hạn hán, mùa màng thất bát, cây xương rồng này là thực phẩm cứu đói cho cư dân sống trên vùng đất cát.

Từ xa xưa, người dân nơi đây chế biến ngọn xương rồng thành những món ăn dân dã như luộc chấm mắm cái, nấu canh chua, kho cá, xào với dầu, tỏi… ăn cho no thay cơm chống đói. Ngoài ra, xương rồng xào với dầu, tỏi cũng là một món ăn với cơm trong những lúc trời “mưa gió sụt sùi” hay là làm món trộn với đậu phộng rang ăn cũng không kém phần thi vị.

Xương rồng tuy ngon nhưng phải chọn những ngọn xương rồng non mới mềm và ngon. Xương rồng luộc lên có màu vàng như dưa cải muối chua, vị chua chua, đem vắt ráo nước là có thể chế biến món gì tùy thích.

Bà Nhứt vừa nói vừa thao tác bày chúng tôi cách lấy xương rồng như sau: Đầu tiên, bà dùng dao bén cắt ngang phần đầu, dùng 2 ngón tay của bàn tay trái nắm lấy nơi vừa cắt để cố định thân xương rồng, sau đó bà lấy tay phải cầm dao rọc các cạnh gai từ trên xuống dưới.

Cuối cùng là cắt phần thân đã sạch gai. Sau đó, bà dùng tay lột lớp vỏ lụa bao bọc quanh thân xương rồng và mang rửa sạch rồi cho vào luộc trong nước sôi khoảng 5 phút cho mềm rồi chế biến các món tùy thích.

Hôm ấy, chúng tôi xin bà mấy ngọn về nhà chế biến 2 món, ăn rất thơm ngon và lạ miệng. Đầu tiên là nấu món canh chua xương rồng cá ngát.

Cá ngát làm sạch sẽ để ráo, sau đó ướp mắm muối, gia vị, bắc chảo phi dầu với tỏi cho thơm rồi bỏ cá vào xào cho thấm rồi cho xương rồng vào, đảo qua vài lượt rồi chế nước sôi vừa đủ vào.

Nồi canh sôi chừng 5 phút, nêm nếm vừa ăn cho thêm ngò gai, hành lá xắt nhỏ vào. Ăn lát xương rồng hình “năm cánh” rất giòn và có vị chua chua rất lạ. Thưởng thức tiếp chén canh chua cá ngát thơm ngon, thấy người như khỏe ra. Ngoài ra, món xương rồng kho cá ăn cũng khá ngon do lạ miệng và vị chua chua rất đặc trưng.

Ngày nay, đời sống kinh tế của cư dân miền duyên hải xứ Quảng cũng khá dần lên, cảnh những món ăn chế biến từ ngọn xương rồng do những bà mẹ quê chế biến cũng đã mất dần trong sự ra đi của những người già về bên kia thế giới.

Cho nên, lớp trẻ bây giờ ít được thấy và thưởng thức món ăn dân dã, truyền thống của cư dân miền “thùy dương cát trắng”.

Đáng lưu ý, theo kết quả nghiên cứu ở nước ngoài cho thấy xương rồng là thực phẩm giàu dinh dưỡng và lượng chất xơ trong xương rồng có thể giúp đốt cháy hơn 30% chất béo so với các chất xơ khác.

Do đó, dù đời sống hiện nay không còn đói kém như trước đây, nhưng vẫn nên “ăn xương rồng thay cơm” để giảm béo, kiểm soát lượng đường và mỡ trong máu, cải thiện sức đề kháng, ngăn ngừa ung thư dạ dày, đại tràng và chống táo bón rất hiệu quả.

Bài, ảnh: TIÊN SA