Ngày mưa, còn gì bằng món cá dứa kho tiêu ăn với cơm nóng

Cập nhật, 18:20, Chủ Nhật, 28/07/2019 (GMT+7)

Cá dứa kho tiêu mà ăn với cơm nóng trong những ngày mưa là số một. Cái lành lạnh dường như sẽ dịu đi với vị tiêu xay, ớt cay cay, còn vị ngọt, béo thơm của thịt cá dứa sẽ theo vào đầu lưỡi, người có sức có thể ăn hết bốn, năm thố cơm.

Cá dứa kho tiêu - Ảnh: TRẦN THẮNG
Cá dứa kho tiêu - Ảnh: TRẦN THẮNG

Tôi sinh ra và lớn lên ở vùng sông nước miền Tây, chuyện cơm với cá là chuyện thường ngày (cũng xin mở ngoặc là những lúc thắt ngặt thì hột vịt, cá mòi, mì gói…) nhưng có lẽ không thể không nhắc đến một món ăn ngon được chế biến từ một loài cá ăn rất hao cơm đã đi vào ký ức của tôi, đó là món cá dứa kho tiêu.

Về tên gọi con cá gán với từ dứa thì nghe qua quá đỗi bình dân, đơn sơ và dễ nhớ. Có phải chăng thịt cá ngon, thơm một cách nhẹ nhàng nên ông bà ta đã gán vào tên một loài cây thường mọc ở vùng quê cho mùi thơm thoang thoảng.

Lá dứa thường được sử dụng để tạo mùi, như khi nấu cơm vừa chín cho ít lá dứa vào là nồi cơm dậy mùi thơm phức.

Còn làm bánh ngọt, tàu hủ bánh lọt… thì không thể thiếu mùi lá dứa. Một vài tài xế khi có dịp về quê chịu khó ngắt vài cọng lá dứa bỏ sau xe ôtô để tạo mùi thơm thật nhẹ nhàng, dễ chịu.

Buổi sáng nếu chịu khó ghé chợ sớm, rất có thể mua được những con cá dứa vừa mới đánh bắt bằng cách bủa chài, giăng lưới, cá còn tươi rói, nhảy xoi xói trong thau.

Con cá dứa không lớn, kích thước cỡ chừng 2 ngón tay người lớn nên có người gọi vui là "cá nhi đồng", nhưng về độ ngon, béo thì xứng đáng được xếp trong tốp loài cá đặc sản xứ sở miền Tây sông nước.

Theo những người chuyên nghề hạ bạc, cá dứa thường xuất hiện nhiều vào khoảng tháng 5 trở đi.

Đặc điểm của loài cá này là ăn các sinh vật phù du trôi nổi, trái bần, trái mắm. Ngày nay có thể thấy chúng quần tụ tại các làng bè để ăn theo các thức ăn dư thừa từ lồng nuôi cá rơi ra…

Người làm nghề hạ bạc còn kể với nhau rằng khi vào mùa mưa, cũng là lúc trái bần, trái mắm bắt đầu chín rụng, là lúc từng đàn cá dứa trưởng thành trọng lượng cỡ vài ký bắt đầu xuất hiện để tranh mồi.

Với tính háu ăn, chúng ăn cho đến khi nào bụng căng phình không thể lặn sâu mà nổi dập dềnh trên mặt nước mới chịu thôi ăn, người dân chỉ cần bơi xuồng theo con nước dùng chỉa đâm là có thể bắt vài chục ký cá dứa dễ dàng… Nghe như chuyện chơi nhưng ai tin thì tin không tin thì thôi!

Cá dứa khi mua về, cắt mang, vây, bỏ ruột, dùng muối rửa sạch nhớt, rồi xếp vào nồi, sau đó ướp với nước mắm ngon, nước màu, đường, bột nêm, củ hành tím, trong khoảng 15 phút.

Nếu muốn ngon hơn có thể thêm chút nước dừa rồi đun lửa lớn cho cá vừa chín, canh chừng khi còn xăm xắp nước thì để lửa cháy liu riu cho đến khi nước gần cạn thì bỏ thêm chút tóp mỡ heo, rắc chút tiêu xay.

Trước khi tắt bếp, bỏ lên trên ít hành lá thái nhỏ, thêm trái ớt cho nồi cá kho dậy mùi thơm. Thịt cá dứa ngon lại còn có công dụng bồi bổ cơ thể do chứa nhiều vitamin, Omega 3.

Nếu có dịp ghé Vĩnh Long vào mùa cá dứa có thể đến quán cơm Chí Thành, ở đường Lê Thái Tổ, P.2, TP Vĩnh Long (gần bia tưởng niệm Anh hùng liệt sĩ Lưu Văn Liệt).

Món cá dứa kho ăn với cơm trắng hấp trong chiếc thố nhỏ, người có sức có thể ăn bốn, năm thố cơm là chuyện thường, tuy nhiên lưu ý là do chủ quán khá lớn tuổi nên phần phục vụ hơi chậm.

Cá dứa kho tiêu mà ăn với cơm nóng trong những ngày mưa sùi sụt là số một. Cái lành lạnh dường như sẽ dịu đi với vị tiêu xay, ớt cay cay, còn vị ngọt, béo thơm của miếng thịt cá dứa sẽ theo vào đầu lưỡi và còn theo mãi vào ký ức của những người xa xứ một hương vị không quên của vùng sông nước đồng bằng.

Theo TTO