Đêm văn nghệ nồng nàn giữa biển xa

Cập nhật, 15:59, Thứ Tư, 06/05/2015 (GMT+7)

Trong hành trình thăm, động viên cán bộ, chiến sĩ nhân dân huyện đảo Trường Sa của Đoàn công tác số 7 chúng tôi, sau khi cập cảng tại đảo Trường Sa Lớn, đoàn văn công đã có buổi giao lưu phục vụ văn nghệ tại thị trấn Trường Sa. Một món quà tinh thần quý giá giữa trùng khơi đã thật sự làm ấm lòng các cán bộ, chiến sĩ và nhân dân nơi đảo xa.

Ca sĩ “cháy” hết mình với chiến sĩ.
Ca sĩ “cháy” hết mình với chiến sĩ.

Tàu cập cảng, “bỏ qua” mệt mỏi của một ngày vượt sóng biển Đông, đoàn ca múa nhạc Hải Đăng (tỉnh Khánh Hòa) đã nhanh chóng triển khai chương trình giao lưu phục vụ văn nghệ cho cán bộ quân dân thị trấn Trường Sa, bởi tất cả các thành viên trong đoàn đều biết nơi đảo xa rất cần những món ăn tinh thần thắm đậm nghĩa tình từ đất liền.

Buổi biểu diễn văn nghệ có sự tham gia của các thành viên Đoàn công tác số 7, quân và dân trên đảo Trường Sa. Đây là buổi văn nghệ rất đặc biệt mà tôi lần đầu tiên tham dự và chắc chắn sẽ không bao giờ quên. Từ khi chương trình chưa “mở màn” thì những cành hoa… cải đã được chiến sĩ chuẩn bị sẵn sàng dành tặng ca sĩ. Khi giọng hát trong trẻo của những nữ ca sĩ vang lên, không khí đêm văn nghệ càng nồng nhiệt, xé tan màn đêm yên tĩnh nơi đảo xa. Những tiếng hò reo, cổ vũ giúp giọng hát ca sĩ cất cao, vang xa… Không khí đêm diễn càng về khuya càng sôi nổi. Giữa mênh mông sóng nước, một giọng nói quê hương, một câu quan họ, một giọng nói nhỏ nhẻ con gái tiếp cho Trường Sa thêm sức mạnh. Chiến sĩ Võ Quốc Nam tâm sự: “Chiến sĩ Trường Sa mến khách. Mỗi lần có đoàn ra thăm, cả đảo vui như hội, nhất là những lần có chương trình văn nghệ như thế này”.

Các chiến sĩ nơi đây cho biết, khi hay tin có đoàn đất liền ra và có văn công phục vụ, tất cả chiến sĩ đều háo hức đón chờ và cũng tranh thủ tập dợt một vài tiết mục để giao lưu. Những ca khúc ngợi ca tình yêu biển đảo, quê hương, ngợi ca người lính hải quân ngày đêm kiên trì bám đảo đã được đông đảo cán bộ, chiến sĩ và nhân dân nơi đảo Trường Sa Lớn đón nhận như một món quà tinh thần lớn, khích lệ động viên họ nơi đầu sóng ngọn gió.

Chiến sĩ Nguyễn Hoàng Việt cho biết: “Được xem chương trình văn công biểu diễn thế này, chúng tôi rất vui sướng. Đó là món quà tinh thần to lớn để động viên chúng tôi hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao”. Còn chiến sĩ Hoàng Văn Quang thì “tôi mong sẽ có nhiều đoàn ra thăm chúng tôi ở ngoài đảo, cho chúng tôi được xem những tiết mục văn nghệ để hun đúc tinh thần cho chúng tôi học tập, công tác ở ngoài đảo xa”.

Ca sĩ Nguyễn Hoài Thương- đoàn ca múa nhạc Hải Đăng- cho biết: “Mong muốn của chúng em là mang những giai điệu quê hương, của từng vùng miền gửi đến các anh chiến sĩ đang công tác ngoài đảo xa gửi qua từng bài hát, với mong muốn các anh sẽ vơi đi nỗi nhớ nhà. Và qua những bài hát, các anh sẽ hiểu rằng hậu phương luôn dõi theo các anh và mong các anh hãy yên tâm công tác”.

Chị Phạm Thị Như Trinh- người dân trên đảo- đang cố hết sức để giữ cháu Nguyễn Tấn Phát vì cứ đòi chạy qua chạy lại sân khấu. Chị kể, lần nào có tàu ra biểu diễn văn nghệ thì cháu cứ nằng nặc đòi đi sớm. “Chút nữa cháu nó cũng có tiết mục hợp ca của đảo nữa đó”- chị Trinh tự hào khoe.

Vừa kể xong, chương trình giao lưu văn nghệ của thiếu nhi trên đảo Trường Sa bắt đầu. Bài “Quê em ở Trường Sa” do tập thể học sinh từ mẫu giáo đến lớp 2 của huyện đảo Trường Sa đã gây cho chúng tôi nhiều cảm xúc và nhận nhiều tràng pháo tay cổ vũ của khán giả. “Quê em ở Trường Sa có đảo chìm, đảo nổi, quê em có biển sâu với màu xanh bao la. Sinh ra ở Trường Sa, em là con của biển, những chuyến tàu yêu thương mang hơi ấm đất liền. Sẽ mừng biết mấy nếu đảo gần nhau hơn, mỗi bước đến trường phong ba rợp bóng mát…”

Đêm văn nghệ trôi qua mau nhưng những kỷ niệm về tình quân dân, nghĩa tình đất mẹ với biển đảo sẽ còn ở lại và là những kỷ niệm khó quên đối với các chiến sĩ, với tôi và các đại biểu. Bởi, đây chính là món ăn tinh thần vô giá làm ấm lòng cán bộ, chiến sĩ và nhân dân Trường Sa đang ngày đêm giữ gìn vùng biển đảo thân yêu của Tổ quốc Việt Nam.

Bài, ảnh: THANH TÂM