Không hợp tác cứu hộ trong phòng chống thiên tai sẽ bị phạt đến 40 triệu đồng

Cập nhật, 05:17, Thứ Ba, 26/09/2017 (GMT+7)

Nghị định 104 của Chính phủ quy định về việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực phòng, chống thiên tai; khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi, đê điều có hiệu lực từ 1/11 và nghị định này sẽ thay thế Nghị định 139.

Nghị định quy định xử phạt vi phạm trong triển khai ứng phó với thiên tai. Cụ thể như: Phạt tiền từ 100.000- 300.000đ đối với hành vi cố ý trì hoãn hoặc không chấp hành sự chỉ đạo, chỉ huy phòng, chống thiên tai của cơ quan hoặc người có thẩm quyền.

Phạt tiền từ 3- 5 triệu đồng đối với hành vi chống đối hoặc cản trở việc thực hiện chỉ đạo, chỉ huy phòng, chống thiên tai, quyết định huy động nhân lực, vật tư, phương tiện, trang thiết bị, nhu yếu phẩm phục vụ ứng phó khẩn cấp thiên tai của cơ quan hoặc người có thẩm quyền.

Phạt tiền từ 15- 25 triệu đồng đối với hành vi cố ý giấu hoặc cung cấp thông tin sai lệch về vị trí, tình trạng của phương tiện tàu, thuyền đang hoạt động trên biển, trên sông, trên hồ cho chính quyền địa phương, cơ quan chức năng khi có thiên tai.

Về vi phạm quy định về cứu hộ, cứu nạn trong phòng, chống thiên tai, nghị định nêu rõ: Phạt tiền từ 5- 10 triệu đồng đối với hành vi không chủ động cứu giúp hoặc không thông tin kịp thời để lực lượng khác đến ứng cứu người, phương tiện bị nạn trên biển, sông, suối, ao, hồ khi có điều kiện mà không thực hiện.

Phạt tiền từ 20- 40 triệu đồng đối với hành vi yêu cầu cấp cứu khẩn cấp nhưng không hợp tác khi lực lượng cứu hộ tiếp cận gây lãng phí cho cơ quan cứu hộ.

Đối với vi phạm quy định trong khắc phục hậu quả thiên tai, nghị định nêu rõ: Phạt tiền từ 3- 5 triệu đồng đối với hành vi cố ý kê khai, báo cáo sai sự thật về thiệt hại do thiên tai gây ra.

Phạt tiền từ 5- 10 triệu đồng đối với một trong các hành vi sau: Sử dụng sai mục đích, làm thất thoát tiền, hàng cứu trợ và cứu trợ không đúng đối tượng; thực hiện nhiệm vụ cứu trợ không kịp thời.

HP (nguồn LĐO)