Đào tạo cán bộ phải gắn với bố trí và sử dụng cán bộ

Cập nhật, 13:32, Thứ Năm, 28/12/2017 (GMT+7)

Qua 20 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 (khóa VIII) “Về chiến lược cán bộ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”, Vĩnh Long đã cụ thể hóa bằng những chương trình hành động cụ thể, giúp cho việc xây dựng đội ngũ cán bộ tỉnh nhà có bước trưởng thành và tiến bộ nhiều mặt.

Quan tâm tuyển chọn, đào tạo, luân chuyển cán bộ trẻ, nữ để tạo nguồn cán bộ cho các chức danh lãnh đạo, quản lý các cấp.
Quan tâm tuyển chọn, đào tạo, luân chuyển cán bộ trẻ, nữ để tạo nguồn cán bộ cho các chức danh lãnh đạo, quản lý các cấp.

Cán bộ cơ bản chuẩn hóa

Theo đánh giá của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Vĩnh Long, qua 20 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 (khóa VIII), đa số đội ngũ cán bộ các cấp được đào tạo, rèn luyện, thử thách, có ý thức tổ chức kỷ luật cao, chấp hành sự phân công, điều động của Đảng.

Do được đào tạo cơ bản về chuyên môn, lý luận chính trị và có năng lực thực tiễn, ở mỗi nhiệm kỳ đều có sẵn lực lượng cán bộ đảm bảo đủ tiêu chuẩn để sẵn sàng thay thế từ 30- 40% cán bộ lãnh đạo Đảng, chính quyền MTTQ, các đoàn thể chính trị- xã hội.

Sau Đại hội Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2010- 2015, trên cơ sở Nghị quyết Trung ương 3 khóa VIII, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã xây dựng Chương trình hành động số 09 “Về phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực giai đoạn 2011- 2015 và định hướng đến năm 2020”.

Tính đến năm 2016, tỉnh đã đào tạo trình độ chuyên môn và lý luận chính trị cho 10.884 cán bộ; bồi dưỡng 43.590 cán bộ.

Kết quả này giúp cho cán bộ đương chức và quy hoạch cơ bản được chuẩn hóa, đáp ứng tốt yêu cầu nhiệm vụ.

Ngoài ra, tỉnh quan tâm xây dựng kế hoạch tuyển chọn, đào tạo, luân chuyển cán bộ trẻ, nữ để tạo nguồn cán bộ cho các chức danh lãnh đạo, quản lý các cấp.

Trong quá trình công tác, việc nhận xét, đánh giá và lấy phiếu tín nhiệm cán bộ được Tỉnh ủy quan tâm.

Đặc biệt, khi thực hiện quy trình quy hoạch, bổ nhiệm, điều động cán bộ lãnh đạo, công tác đánh giá căn cứ theo từng tiêu chí, thực hiện từ cấp cơ sở nơi công tác và cư trú của cán bộ để làm cơ sở đánh giá đúng thực chất.

Riêng việc lấy phiếu tín nhiệm sẽ thực hiện vào năm thứ 3 (năm giữa nhiệm kỳ đại hội Đảng các cấp) bảo đảm dân chủ, khách quan, công bằng, minh bạch.

Qua kết quả nhận xét, đánh giá cán bộ, tỉnh đưa vào nguồn quy hoạch, nhiệm kỳ 2015- 2020 và 2020- 2025 là 2.436 đồng chí, trong đó quy hoạch trưởng, phó ngành cấp tỉnh là 823 đồng chí; quy hoạch BCH, Ban Thường vụ và các chức danh chủ chốt cấp tỉnh huyện và tương đương là 1.613 đồng chí.

Về công tác quy hoạch cán bộ, sau đại hội đảng bộ các cấp, từ năm thứ hai, Tỉnh ủy chỉ đạo và tiến hành công tác quy hoạch thực hiện từ cấp dưới lên, lấy kết quả quy hoạch chủ chốt cấp dưới để làm cơ sở liên thông quy hoạch cấp trên đảm bảo đủ các tiêu chuẩn cho từng chức danh.

Các đồng chí quy hoạch lần đầu phải đủ tuổi tham gia 2 nhiệm kỳ, nhưng ít nhất cũng phải trọn 1 nhiệm kỳ.

Đối với các chức danh lãnh đạo quản lý, tối thiểu quy hoạch 2- 4 người cho 1 chức danh, không quy hoạch 1 người quá 3 chức danh với phương châm “động” và “mở”, không khép kín từng địa phương, cơ quan, đơn vị, đồng thời có định kỳ hàng năm rà soát, bổ sung, quy hoạch phù hợp với tình hình thực tế của địa phương, đơn vị.

Đào tạo phải gắn với quy hoạch

Những khó khăn, vướng mắc hiện nay trong công tác cán bộ là trong nhận xét, đánh giá cán bộ chưa ban hành được quy định cụ thể khung tiêu chuẩn đánh giá cho từng chức danh.

Vì thế, dẫn đến công tác nhận xét, đánh giá cán bộ còn chung chung, hình thức, còn có hiện tượng né tránh, đổ trách nhiệm cho tập thể.

Ông Lê Anh Nghĩa- Phó Bí thư Huyện ủy Vũng Liêm- đề xuất, Ban Tổ chức Tỉnh ủy và Sở Nội vụ cần thống nhất bản hướng dẫn trong đánh giá cán bộ để tránh tình trạng việc đánh giá mang tính hình thức, nể nang, thậm chí một số cá nhân tự nhận xét, đánh giá chưa báo cáo đầy đủ những hạn chế để tập thể xem xét.

Ông Phan Văn Đàng- Phó Bí thư Huyện ủy Tam Bình- cho rằng, đánh giá cán bộ phải căn cứ vào tiêu chuẩn, hiệu quả thực tế, chất lượng hoàn thành nhiệm vụ được giao (căn cứ vào kết quả thực hiện nghị quyết của Huyện ủy) và mức độ tín nhiệm của quần chúng để xem xét, đánh giá đúng thực chất.

Ngoài công tác nhận xét, đánh giá cán bộ, công tác quy hoạch cán bộ cũng cần phải có điều chỉnh cho phù hợp.

Theo ông Lê Anh Nghĩa, hiện nay có tình trạng vẫn còn cán bộ trong diện quy hoạch nhưng không sử dụng lại bổ sung thêm vào.

Điều này cũng gây tâm lý không tốt trong công tác cán bộ, vì những người đã nằm trong diện quy hoạch trước đó vẫn hoàn thành tốt nhiệm vụ hàng năm và được tập thể đánh giá cao.

Ông Lê Anh Nghĩa đề xuất, tỉnh cần nên quy định cụ thể nếu đơn vị bổ sung thêm quy hoạch phải báo cáo và giải trình với BCH tại sao còn nguồn quy hoạch nhưng vẫn bổ sung quy hoạch.

Ngoài ra, một vấn đề mà các lãnh đạo các ngành và huyện quan tâm là vẫn còn tình trạng đào tạo cán bộ chưa gắn với bố trí và sử dụng cán bộ.

Đây là một trong những vấn đề bất cập hiện nay, chúng ta đào tạo nhiều cán bộ trong diện quy hoạch, nhưng khi đưa đi đào tạo chưa xem xét kỹ chuyên ngành, chưa chú ý đào tạo để sử dụng mà chỉ chạy theo chỉ tiêu số lượng nên khi sử dụng cán bộ có một số bố trí trái chuyên ngành được đào tạo (có cả tỉnh và huyện).

Ông Nguyễn Phi Hùng- Phó Giám đốc Sở Nội vụ- đề xuất, bộ phận tham mưu cho cơ quan có thẩm quyền phê duyệt quy hoạch, căn cứ trên tiêu chuẩn chức danh được quy hoạch, xác định rõ các nội dung cán bộ cần phải đào tạo, bồi dưỡng và lộ trình cụ thể để đảm bảo cán bộ được quy hoạch đáp ứng tiêu chuẩn trước khi bổ nhiệm.

Bài, ảnh: BÙI THANH