ĐÓNG GÓP DỰ THẢO LUẬT ĐẤT ĐAI (SỬA ĐỔI):

Ý kiến tập trung về vấn đề giao đất, cho thuê đất, thu hồi đất, bồi thường và tái định cư...

Cập nhật, 13:29, Thứ Năm, 27/12/2012 (GMT+7)


Qua 10 năm thực hiện luật, thông qua việc phân bổ quỹ đất đã đáp ứng yêu cầu bảo đảm an ninh lương thực quốc gia.

Hội thảo lấy ý kiến cho dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) do Đoàn đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh Vĩnh Long tổ chức mới đây nhận được sự quan tâm và cho ý kiến đóng góp của các ngành, địa phương.

Sự điều chỉnh Luật Đất đai là cần thiết

Đất đai là vấn đề lớn, quan trọng ảnh hưởng sâu sắc đến sự phát triển kinh tế- xã hội, đặc biệt liên quan tới lợi ích và quyền của người dân. Hiện nay, liên quan đến đất đai đang có nhiều vấn đề tranh luận và rất cần ý kiến tham vấn, xin ý kiến rộng rãi trong xã hội.

Qua gần 10 năm thực hiện Luật Đất đai năm 2003, ngoài những thành tựu vẫn còn bộc lộ nhiều hạn chế. Thành tựu của luật là chính sách, pháp luật từng bước hoàn thiện, đóng góp tích cực cho sự phát triển kinh tế. Thông qua việc phân bổ quỹ đất đáp ứng mục tiêu phát triển kinh tế- xã hội, quốc phòng- an ninh.

Việc chuyển dịch cơ cấu sử dụng đất về cơ bản phù hợp với chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Quỹ đất nông nghiệp đáp ứng yêu cầu bảo đảm an ninh lương thực quốc gia, bảo vệ và phát triển rừng. Quỹ đất dành cho công nghiệp, dịch vụ, xây dựng kết cấu hạ tầng, phát triển đô thị được mở rộng từng bước đáp ứng yêu cầu đẩy mạnh công nghiệp hóa- hiện đại hóa đất nước.

Tuy nhiên, qua tổng kết thi hành Luật Đất đai năm 2003 còn nổi lên một số tồn tại, bất cập. Pháp luật đất đai và các pháp luật khác có liên quan đến đất đai quy định còn thiếu đồng bộ, chồng chéo, mâu thuẫn, một số nội dung chưa rõ ràng. Việc phân cấp thẩm quyền trong quản lý đất đai chưa đi đôi với quy định cơ chế bảo đảm quản lý thống nhất của Trung ương.

Nguồn lực đất đai chưa được khai thác và phát huy đầy đủ để trở thành nguồn nội lực quan trọng phục vụ phát triển kinh tế- xã hội của đất nước. Quy định pháp luật về giải quyết khiếu nại, tố cáo, tranh chấp về đất đai còn chưa đáp ứng được yêu cầu dẫn đến nhiều vụ việc phải giải quyết qua nhiều cấp, kéo dài.

Với những hạn chế trên, việc sửa đổi Luật Đất đai là rất cần thiết. Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) có 14 chương và 192 điều. So với Luật Đất đai năm 2003, bố cục dự thảo luật mới tăng thêm 7 chương và 46 điều.

Những vấn đề được sửa đổi tập trung vào các lĩnh vực: việc lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; giao đất và cho thuê đất, thu hồi đất, bồi thường và tái định cư,…

Cần phát huy tiềm năng, nguồn lực đất để phát triển

Theo thống kê của Sở Tài nguyên và Môi trường, tại Vĩnh Long, từ khi Luật Đất đai có hiệu lực, mặc dù diện tích đất thu hồi để thực hiện các dự án là thấp nhất so với cả nước nhưng toàn tỉnh có đến 770 trường hợp khiếu nại liên quan đến thu hồi đất giải phóng mặt bằng.
 
Trong số này, tập trung nhiều nhất vào dạng khiếu nại về giá đất (47,8%) và tái định cư (28%). Qua số liệu này cho thấy, phương pháp xác định giá đất nói chung và việc áp giá trong giải tỏa, bồi thường đang có nhiều bất cập, hạn chế. Nếu không sớm khắc phục sẽ ảnh hưởng không tốt đến đời sống người dân của những vùng có triển khai dự án.

Đại diện sở Tài nguyên và Môi trường cho rằng, tới đây khi sửa đổi vẫn giữ nguyên giá đất bồi thường đối với trường hợp thu hồi để giao đất cho các công trình công cộng lợi ích quốc gia thuộc vốn ngân sách thì áp dụng theo bảng giá đất do UBND tỉnh ban hành. Bảng giá đất của UBND tỉnh cần được giữ ổn định khoảng 5 năm để làm căn cứ tính các loại thuế, phí, lệ phí.

Đối với các trường hợp còn lại (giao đất, cho thuê đất…) thì thực hiện việc xác định giá đất cụ thể. Ngoài ra, cần có quy định cụ thể về nguyên tắc, quy trình, phương pháp để định giá đối với từng loại đất, quy trình định giá hàng loạt, quy trình xác định giá đất riêng lẻ (cho từng dự án khi thu hồi, giao, cho thuê…) phù hợp với thị trường.

Đại diện UBND huyện Bình Tân đóng góp, nên giao đất nông nghiệp cho các tổ chức và cá nhân sử dụng ổn định lâu dài, mở rộng hạn điền, không hạn chế hạn mức chuyển nhượng đối với đất làm nông nghiệp. Vì với quy định hiện nay, người nông dân chưa có tâm lý ổn định đầu tư vào đất để nâng cao năng suất sử dụng đất.

Cụ thể, huyện thống nhất thời hạn Nhà nước giao đất nông nghiệp cho cá nhân, hộ gia đình sử dụng được nâng lên mức 50 năm. Khi hết thời hạn, người sử dụng đất được Nhà nước tiếp tục giao đất nếu có nhu cầu tiếp tục sử dụng. Về hạn mức giao đất, hạn mức chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp nên mở rộng hạn mức vì đất nước ta đang trong quá trình công nghiệp hóa- hiện đại hóa, cho nên quy định hạn mức đất nông nghiệp trên mỗi hộ là 3ha thì chưa hợp lý, nên tăng lên từ 5- 7ha.
 
Có như thế mới phù hợp với quy luật phát triển nông nghiệp hiện đại, cho phép nông dân tích tụ ruông đất, yên tâm đầu tư, hình thành những vùng sản xuất chuyên canh lớn, đạt hiệu quả kinh tế cao.

Ngoài ra, một số đại biểu đóng góp xoay quanh việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, (các điều 68, 69, 70 của Dự thảo Luật Đất đai).

Theo đó, những quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư… cần tuân thủ nguyên tắc trước hết bảo đảm quyền và lợi ích chính đáng của dân, hài hòa với lợi ích của nhà đầu tư và Nhà nước, nhất thiết không để người dân thiệt thòi, không có việc làm và thu nhập sau khi không còn đất sản xuất.

Về giá đất, cần xóa bỏ sự chênh lệch quá lớn hiện nay giữa giá do Nhà nước quy định với giá thị trường, cần thực hiện nguyên tắc một giá, là giá thị trường.

Ngoài ra, cần khuyến khích hình thành và sử dụng rộng rãi các tổ chức tư vấn, giám định về giá đất, để việc xác định giá đất được quy định có căn cứ khoa học, khách quan, bảo đảm hài hòa lợi ích của các bên.

Bài, ảnh: BÙI THANH