50 năm thực hiện Di chúc Chủ tịch Hồ Chí Minh (1969- 2019)

Bản Di chúc lịch sử và sự thống nhất hoàn hảo trong tư tưởng Hồ Chí Minh

Cập nhật, 06:01, Thứ Ba, 27/08/2019 (GMT+7)

Đã 50 năm, cứ mỗi độ thu về, trong mỗi con người Việt Nam lại bùi ngùi một niềm thương nhớ Chủ tịch Hồ Chí Minh. Bác đã ra đi vào cõi vĩnh hằng nhưng di sản tư tưởng và tinh thần để lại cho dân tộc Việt Nam là vô cùng lớn lao. Vẫn mãi là ngọn cờ tỏa sáng và rọi chiếu con đường đi lên của dân tộc ta.

Một trong những di sản to lớn đó là bản Di chúc lịch sử với những lời dặn lại từ trái tim văn hóa, trí tuệ, nhân hậu và đầy tâm huyết.

Lời dặn lại từ một trái tim đầy tâm huyết, với niềm tin tất thắng

Từ tháng 5/1965, khi Bác Hồ nhận thấy tuổi tác của mình “càng cao” và sức khỏe “càng giảm”, thì Người đã khởi thảo “Tài liệu tuyệt đối bí mật”.

Và những năm tiếp theo, cứ vào dịp sinh nhật, Bác lại dành ít thời gian để đọc lại, suy ngẫm, chỉnh sửa và bổ sung “những lời dặn lại” mai sau trước khi đi xa vào “thế giới người hiền”. Đó chính là bản Di chúc lịch sử của Người và đã trở thành di sản vô giá cho dân tộc.

Trong Di chúc, khát vọng và niềm tin tất thắng về cuộc chiến đấu chính nghĩa của nhân dân ta được Bác nhắc đến nhiều lần: “Cuộc chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta dù phải kinh qua gian khổ, hy sinh nhiều hơn nữa, song nhất định thắng lợi hoàn toàn. Đó là một điều chắc chắn”.

Và dù phải hy sinh nhiều của, nhiều người, nhưng “Tổ quốc ta nhất định sẽ thống nhất, đồng bào Nam Bắc nhất định sẽ sum họp một nhà”.

Đó là niềm tin thắng lợi không gì lay chuyển đối với cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của dân tộc, bắt nguồn từ thực tiễn chiến đấu, từ khối đại đoàn kết, sự đồng tình ủng hộ, giúp đỡ to lớn của các nước xã hội chủ nghĩa và toàn thể nhân dân tiến bộ, yêu chuộng hòa bình trên thế giới.

Những lời căn dặn cuối cùng của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong bản Di chúc thể hiện sự kế thừa và phát triển rực rỡ truyền thống độc lập, tự chủ của dân tộc ta. Và thực tế nước ta đã đánh thắng kẻ thù xâm lược, thống nhất nước nhà, non sông thu về một mối.

Sự hoàn hảo trong tư tưởng Hồ Chí Minh về chăm lo bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau

Trước lúc đi xa, Bác đã để lại “muôn vàn tình yêu cho toàn dân, toàn Đảng, cho toàn thể bộ đội, cho các cháu thiếu niên và nhi đồng” và “gửi lời chào thân ái đến các đồng chí, các bầu bạn và các cháu thiếu niên, nhi đồng quốc tế”.

Trong muôn vàn tình thương yêu đó, Bác “nâng niu và chia điều cho hết thảy”, không sót một ai, không quên một ai, nhưng đặc biệt vẫn là lớp trẻ, lớp cách mạng đời sau, tương lai của đất nước. Theo Người: “Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là một việc rất quan trọng và rất cần thiết”.

Bởi, không chăm lo cho thế hệ trẻ, không tạo dựng một lực lượng kế tục có đức và có tài, sẽ không có những con người xã hội chủ nghĩa để xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội và sâu xa hơn là không thể giữ gìn được thành quả cách mạng mà biết bao thế hệ cha anh đã đổ xương máu để tạo dựng nên.

50 năm thực hiện Di chúc Bác Hồ, sự nghiệp đổi mới đất nước do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo đã hơn 30 năm, khoảng thời gian lịch sử đó đủ để sinh dưỡng một thế hệ người Việt Nam mới.

Đảng ta đã đề ra nhiều chủ trương chăm lo quyền lợi vật chất và tinh thần cho thế hệ trẻ. Đó là chủ trương, chính sách “trồng người”, bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau mà Bác Hồ hết sức coi trọng.

Có thể nói rằng, những mong muốn cháy bỏng và tâm huyết trong ước nguyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh từ sau khi Người ra đi đã và đang trở thành hiện thực trong đời sống xã hội.

Và điều mong muốn cuối cùng của Bác là: “Toàn Đảng, toàn dân ta đoàn kết phấn đấu, xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh, và góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới”.

Thực hiện ý nguyện cuối cùng Bác Hồ, gần 50 năm qua, toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta đã đoàn kết một lòng, cùng nhau khắc phục khó khăn, xây dựng đất nước với nhiều thành tựu vô cùng to lớn đem lại cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho nhân dân, tiềm lực kinh tế, vị thế của nước ta ngày càng sánh vai với các cường quốc trên thế giới.

Giờ đây, mỗi khi lật xem từng trang bản thảo, bút tích của Di chúc qua những lần chỉnh sửa, bổ sung, chúng ta vẫn thấy một Hồ Chí Minh đang cẩn trọng cân nhắc từng ý, từng lời, từng việc để dặn dò lại, và chúng ta luôn cảm nhận Bác vẫn ở bên, dõi theo bên cạnh và đồng hành cùng dân tộc trong mỗi bước đi.

TRƯỜNG CHINH