Về Sóc Rừng nghe chuyện "nói đi đôi với làm"

Cập nhật, 05:38, Thứ Tư, 23/08/2017 (GMT+7)

Sóc Rừng là một ấp vùng sâu của xã Loan Mỹ (Tam Bình) với khoảng 75% hộ dân là người dân tộc Khmer. Đời sống của bà con đa số còn khó khăn nhưng với tinh thần trách nhiệm “nói đi đôi với làm”, Chi bộ ấp Sóc Rừng đã tạo được niềm tin với người dân để thôn xóm ngày càng phát triển.

Sóc Rừng hôm nay có đường nhựa đi qua.
Sóc Rừng hôm nay có đường nhựa đi qua.

Cán bộ “nói là làm”

Đây không phải là lần đầu tiên chúng tôi đến với ấp Sóc Rừng, đây cũng không phải lần đầu ghé nhà Trưởng ấp kiêm Bí thư Trần Văn Thảo, vì ông là đầu mối thông tin cho báo chí từ chuyện giảm nghèo, xuất khẩu lao động, đào tạo nghề,…

Nhưng, chúng tôi mới biết được rằng ông Thảo không phải người dân tộc Khmer, vợ ông và gia đình hai bên đều là người dân tộc Kinh. Sở dĩ có sự hiểu lầm trên vì ông Thảo nói tiếng Khmer rất tốt và cũng có thể viết được.

Trong những tài liệu ngay ngắn xếp trên bàn làm việc, ông Thảo rút ra một cuốn sổ dày ghi đầy đủ những số liệu và công việc trong năm 2017.

Nét chữ đẹp và cứng cáp, những phần ghi chú rõ ràng, tỉ mỉ đến nỗi những người dẫu vô tình đọc cũng có thể hiểu được nội dung.

Trong sổ, ngoài những số liệu về tình hình kinh tế- xã hội của xã, ông Thảo còn ghi rõ những lần trao quà và ai đã được nhận quà.

“Vì ấp có nhiều hộ nghèo, cận nghèo nên mình phải xoay vòng mỗi đợt tặng quà cho bà con. Làm sao để mỗi năm, hộ nghèo đều có quà và cố gắng để các hộ đều được hỗ trợ tương đương nhau”- ông Thảo nói.

Ông Thảo sinh ra và lớn lên ở Sóc Rừng, làm trưởng ấp từ năm 1999 nên những con người, hoàn cảnh ở ấp này ông nắm rõ như chuyện… nhà mình.

Nói về việc biết tiếng Khmer, ông Thảo cười tươi: “Độ 5-6 tuổi, tôi đã biết nói vì nhà ở gần chùa Kỳ Son mà”.

Nhờ biết nói 2 thứ tiếng Việt- Khmer, ông Thảo có thể hiểu được hết tâm tư nguyện vọng của bà con, để phiên dịch cho bà con khi đại biểu Quốc hội, HĐND tiếp xúc cử tri.

Theo ông Thảo, “nói đi đôi với làm” không khó cũng không dễ. Không khó để thực hiện “nói là làm” nhưng không dễ để làm đúng, để dân tin và ủng hộ mình.

Mình vận động bà con chí thú làm ăn, phát triển kinh tế gia đình thì bản thân mình cũng phải làm được. “Từ lúc ra riêng đến nay, vợ chồng tôi tích lũy được thêm 6,5 công đất ruộng, nuôi bò lai Sind. Thu nhập mỗi năm khoảng 150 triệu đồng”. Ông Thảo có 2 người con gái đã lớn và có việc làm ổn định.

Ông cười nói thêm: “Bà con trong ấp bây giờ rất ý thức việc sinh con đủ và cho con đi học nên người”. Học theo gương Bác, ông Thảo cùng chi bộ ấp thực hiện các phong trào tiết kiệm từ các nguồn khen thưởng của cá nhân và chi bộ đã xây dựng được 120 cột cờ cho nhân dân.

Nhiều năm liền, ông Thảo được tuyên dương “hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ”, cá nhân tiêu biểu “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”.

Nói về bí quyết để một người dân tộc Kinh được nhân dân tín nhiệm gần 20 năm nay ở một ấp vùng sâu có đông đồng bào dân tộc Khmer, ông Thảo chỉ cười: “Không có bí quyết gì hết, tôi xem mọi người dù dân tộc nào cũng như nhau, làm gì cũng nêu tinh thần trách nhiệm, chống chủ nghĩa cá nhân. Thêm nữa là mình phải thấy việc gì có lợi cho dân thì làm thôi”.

Chi bộ Kinh- Khmer đoàn kết

Chi bộ ấp gần dân, nói tiếng nói của dân và hiểu tâm tư nguyện vọng của quần chúng.
Chi bộ ấp gần dân, nói tiếng nói của dân và hiểu tâm tư nguyện vọng của quần chúng.

Chi bộ ấp Sóc Rừng hiện có 11 đảng viên, trong đó 9 đảng viên là người dân tộc Khmer. Hôm chúng tôi đến thăm, Sóc Rừng đang vào mùa gặt lúa, bà con phấn khởi với giá lúa tươi tại ruộng khoảng 5.000 đ/kg.

Chú Võ Văn Hoàng ngồi trên mấy bao lúa vừa mới cân cho lái nói: “Cán bộ ấp mới thông báo chiều họp vụ bán đồng để làm đường”.

Nói rồi chú Hoàng chỉ tay về hướng Phó Bí thư ấp Sóc Rừng Thạch Sa Phe- cũng vừa mới đi đồng về, “lúa ông này cũng đang cắt, cắt xong là ổng kêu họp dân luôn, khỏi nghỉ mệt”.

Việc họp dân cũng đã được chi bộ chuẩn bị sẵn nội dung để thống nhất chuyện bán đồng với giá bao nhiêu và số tiền đó sẽ dùng vào việc gì.

Theo ông Thạch Sa Phe thì “Sóc Rừng còn nghèo nhưng giàu đoàn kết lắm, nhất là trong chi bộ”. Trước khi thực hiện một việc gì, chi bộ ấp thường bàn bạc cùng nhau rồi mới đưa ra quyết định.

Ông Thạch Sa Phe nói: “Năm nay bán đồng, chúng tôi định mua đá rải những tuyến đường đất còn lầy lội cho bà con dễ đi lại”. Những lần bán đồng trước, chi bộ ấp làm đèn an ninh, làm cột cờ.

“Làm việc gì cũng thông qua dân, chi bộ chỉ đề xuất những việc cần thiết nhất rồi nhân dân góp ý”- ông Thạch Sa Phe vừa lau mồ hôi vừa nói.

Nhà nghèo, nhà khó khăn, nhà có hữu sự đều được cán bộ ấp quan tâm và lui tới động viên. Theo ông Hoàng, sở dĩ cán bộ ấp nói dân nghe vì họ nói đúng, vui vẻ hòa đồng với mọi người.

“Nhà tui thuộc hộ trung bình, chưa từng được giúp đỡ, quà cáp gì nhưng cán bộ ấp nói là tui nghe vì họ nói được, làm được”.

Nói rồi, chú Hoàng còn ví dụ thêm những trường hợp từ sạ lúa, làm đường nước cho tới kêu máy gặt đập cho dân, chi bộ ấp sắp xếp là đâu ra đó. Những mâu thuẫn gút mắt trong ấp được cán bộ ấp quan tâm giải quyết từ sớm nên mọi người rất yêu thương nhau.

Ông Hoàng cười cho biết: “Chi bộ ấp đây nói là dân nghe, vì họ nói có tình có lý. Còn ông trưởng ấp thì bầu mấy đợt rồi, đợt sau được tín nhiệm hơn đợt trước”.

Câu chuyện ở ấp nhỏ Sóc Rừng tuy không lớn nhưng khẳng định được sức mạnh của chi bộ khi “nói đi đôi với làm” đã xây dựng thế trận lòng dân vững chắc. Tin rằng, với sự nỗ lực của chi bộ, nhân dân trong ấp và sự quan tâm của các cấp, ban, ngành, Sóc Rừng sẽ từng ngày đổi mới.

Ấp Sóc Rừng có 242 hộ dân, trong đó 64 hộ dân tộc Kinh và 178 hộ dân tộc Khmer. Có 119 hộ nghèo và 24 hộ cận nghèo, tỷ lệ nghèo, cận nghèo chiếm 59% hộ trong ấp. Bí thư kiêm Trưởng ấp- Trần Văn Thảo nói: “Đa số hộ nghèo do thiếu đất sản xuất, do đó, chúng tôi đang đẩy mạnh việc đào tạo nghề cho lao động nông thôn và giúp vốn chăn nuôi để bà con thoát nghèo”.

Bài, ảnh: CAO HUYỀN

TIN LIÊN QUAN

Các tin khác: