Soi mình vào gương BÁC để sống tốt hơn

Kỳ cuối: Tiết kiệm nhỏ, chắp cánh ước mơ

Cập nhật, 14:22, Thứ Ba, 27/09/2016 (GMT+7)

Nhờ tham gia nhiều đợt hùn vốn mà bà Bánh (phải) có được “căn nhà mơ ước”.
Nhờ tham gia nhiều đợt hùn vốn mà bà Bánh (phải) có được “căn nhà mơ ước”.

Thực hành tiết kiệm, giúp nhau phát triển kinh tế là một trong những nội dung trọng tâm, được các cấp Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) trong tỉnh Vĩnh Long lựa chọn để đẩy mạnh việc học tập và làm theo Bác Hồ. Từ đó, nhiều chị em đã thoát nghèo, vươn lên khá giàu và xây cất những “căn nhà mơ ước”.

Tiết kiệm luôn là ưu điểm nổi bật

Đa phần PN là người nội trợ trong gia đình. Với đức tính kiên nhẫn, tỉ mỉ nên việc học và làm theo Bác của các chị rất thực tế từ những việc nhỏ. Trong đó, tiêu biểu nhất là vận động giúp nhau phát triển kinh tế gia đình bằng nhiều hình thức như: thành lập các tổ tiết kiệm; tổ góp vốn xoay vòng; các tổ, nhóm tín dụng và vay vốn.

Qua 5 năm đẩy mạnh việc “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, các cấp hội đã vận động chị em nuôi gần 54.000 con heo đất tiết kiệm hộ gia đình, mổ gần 8.900 con heo đất thu được trên 17,7 tỷ đồng, giúp trên 10.800 chị có hoàn cảnh khó khăn; thành lập được 5.800 tổ tiết kiệm với gần 79 tỷ đồng, giúp gần 25.000 chị có vốn mua bán, chăn nuôi, trồng trọt phát triển kinh tế.

Bà Nguyễn Thị Minh Trang- Tỉnh ủy viên, Chủ tịch Hội LHPN tỉnh- nhận định, thực hành tiết kiệm luôn là ưu thế của PN nên các chị thực hiện rất tốt phong trào này. Trong đó, nổi bật là mô hình hùn vốn xây nhà kiên cố, nhiều căn nhà khang trang được xây cất, thỏa niềm ước mơ, nên các chị rất mừng, tham gia ngày càng đông. Đây là mô hình được cấp ủy, chính quyền đánh giá cao và được Trung ương Hội LHPN Việt Nam chọn biểu dương, chia sẻ để nhân rộng.

Một căn nhà khang trang thật sự là ước mơ của cả đời người, nhất là với chị em PN nghèo thì điều đó thật “xa tầm với”, nhưng nó đã thành hiện thực khi ý tưởng hùn vốn để xây nhà được các chị nghĩ ra và thực hiện. Nổi bật, phải kể đến Chi hội Phụ nữ ấp Bà Phận (xã Trung Chánh- Vũng Liêm), ban đầu có 36 hội viên tự nguyện tham gia, mỗi chị hùn 5 phân vàng 24K/vụ lúa. Mỗi năm, giúp được 3 chị nhận vốn để xây nhà kiên cố, ổn định cuộc sống. Thấy được hiệu quả, Hội LHPN tỉnh đã khảo sát, đánh giá, biểu dương và nhân rộng.

Tính đến nay, mô hình được thành lập tại 8 xã thuộc 3 huyện Vũng Liêm, Mang Thít và Tam Bình với 22 tổ, có 474 thành viên, hỗ trợ xây cất và sửa chữa được 91 căn nhà kiên cố, tổng số tiền trên 5 tỷ đồng (bình quân mỗi căn trị giá từ 70 triệu đồng).

Chắp cánh ước mơ

Đón chúng tôi bằng nụ cười tươi rói, chị Thạch Thị Ngọc (ấp Gò Nhum, xã Tân Long Hội- Mang Thít) không ngớt lời cảm ơn Chi hội PN ấp đã tổ chức được mô hình hùn vốn xây nhà kiên cố. Nhờ vậy mà cả nhà chị không còn sợ cảnh mưa dột, gió lùa.

Trước đây, vợ chồng chị đều làm thuê, làm mướn, chạy gạo từng bữa và phải sống tạm bợ dưới mái nhà lụp xụp dột nát.

Nụ cười của chị Ngọc (giữa) khi tu sửa được căn nhà.
Nụ cười của chị Ngọc (giữa) khi tu sửa được căn nhà.

“Do đa phần ai cũng nghèo nên chỉ góp 50.000 đ/tháng. Nhờ đông người tham gia nên đến đợt hốt cũng được gần 20 triệu đồng.

Ngoài ra, hội còn tạo điều kiện cho vay lãi suất thấp với số tiền 3 triệu đồng, nên tui mừng húm, làm lại căn nhà cho hết dột. Tuy không khang trang, nhưng vợ chồng, con cái đã có chỗ ngủ ngon, có nơi học tập đàng hoàng. Tui sẽ tiếp tục tham gia để mua sắm vật dụng trong nhà”- chị Ngọc khoe.

Trên đường dẫn chúng tôi đi thăm hội viên, Chi hội trưởng PN ấp Gò Nhum- Nguyễn Thị Tuyết Nga phấn khởi khoe:

“Đây là ấp xây dựng mô hình hiệu quả nhất xã. Có đến 4 tổ hùn vốn, hùn xi măng xây nhà. Mỗi tổ khoảng 15 chị, định kỳ 4 tháng, mỗi người sẽ hùn 20 bao xi măng, giá từ 2 triệu đồng trở lên để giúp nhau cất nhà. Từ vốn giúp nhau cộng với tiền nhà mà trên 20 chị đã xây được “căn nhà mơ ước”.

Mở cánh cửa lớn căn nhà hai gian khang trang, bà Lê Thị Bánh mời chúng tôi vào nhà và thưởng thức ly trà thơm mát. Tay chỉ về hướng căn nhà lá bên cạnh, bà Bánh nói: “Cũng nhờ tham gia nhiều đợt mà tôi mới xây được căn nhà kiên cố như vầy, chứ trước đây tôi phải ở là mái lá lụp xụp như kia kìa...”.

Qua quan sát, chúng tôi thầm nghĩ trị giá căn nhà không dưới 300 triệu đồng. Bà Bánh tiếp lời:

“Tôi hùn vốn, hùn xi măng với chị em trong hội được 7 năm nay, hốt được nhiều đợt, mỗi đợt tui bù tiền vô làm thêm vô một chút để xây cất mà căn nhà dần được hoàn thiện như hôm nay, thiệt là mừng không tả nổi. Mỗi ngày chỉ cần tiết kiệm chi tiêu chút đỉnh để góp vốn xoay vòng vậy mà làm được nhiều chuyện lắm, tôi vẫn đang tham gia và chờ ngày nhận tiền sẽ làm hàng rào”.

Nhìn nét mặt hạnh phúc, vui tươi của các chị, chúng tôi biết được rằng mô hình này thực tế và đem lại hiệu quả biết dường nào, niềm vui cũng lan tỏa theo chúng tôi trên con đường quê trở về đã nhuốm màu nông thôn mới khi các chị nhận định chắc nịch: “Tiết kiệm học theo Bác vậy mà hay”.

Có thể nói, mỗi tập thể, mỗi cá nhân học theo Bác bằng những cách rất riêng nhưng đều mang lại hiệu quả thiết thực cho bản thân và cộng đồng, được xã hội tin tưởng, yêu mến. Đối với họ, tư tưởng, đạo đức Hồ Chí Minh luôn là kim chỉ nam soi đường để mỗi người tìm thấy hướng đi đúng đắn cho cuộc đời và điểm tô những bông hoa tươi thắm cho cộng đồng.

 

Thông qua phong trào PN giúp nhau phát triển kinh tế, cùng sự hỗ trợ của chính quyền địa phương, đã có 10.037 hộ vươn lên thoát nghèo; trong đó, có 4.109 hộ nghèo do PN làm chủ hộ được hội giúp đỡ thoát nghèo. Nhiều chị đã trở thành những gương mặt tiêu biểu trong phong trào thi đua “Lao động giỏi, lao động sáng tạo”, góp phần thực hiện thắng lợi chương trình mục tiêu giảm nghèo của tỉnh.

 

  • ™Bài, ảnh: NHÓM PHÓNG VIÊN