Soi mình vào gương BÁC để sống tốt hơn

Kỳ 2: "Cả đời phải học ở Bác!"

Cập nhật, 07:32, Thứ Sáu, 23/09/2016 (GMT+7)

Rời quân ngũ trở về với đời thường, mỗi người lính Cụ Hồ gắn bó với những công việc khác nhau, người làm nông, người lại có duyên với nghề “gõ đầu trẻ”. Dù làm gì, ở đâu, họ vẫn luôn soi mình vào gương Bác để được học hỏi nhiều hơn và sống tốt hơn.

Mô hình nuôi cá hô và cua đinh đang hứa hẹn đem đến cho ông Ngô Hữu Phước (trái) nguồn lợi lớn. Ông luôn tâm niệm: Cả đời phải học ở Bác.
Mô hình nuôi cá hô và cua đinh đang hứa hẹn đem đến cho ông Ngô Hữu Phước (trái) nguồn lợi lớn. Ông luôn tâm niệm: Cả đời phải học ở Bác.

 

Học theo Người bằng cái tâm trong sáng

“Chúng ta thấm nhuần tư tưởng của Bác thôi chưa đủ mà cần phải học và làm theo Bác bằng những việc làm cụ thể, thiết thực nhất. Tôi đã học theo Người bằng cái tâm trong sáng và làm tất cả những điều mình có thể vì “lợi ích trăm năm trồng người””- thầy Hoàng Văn Thắng- nguyên Hiệu trưởng Trường THPT Trà Ôn chia sẻ.

Thầy dẫn chúng tôi tham quan ngôi trường vùng quê còn nhiều gian khó, giờ đã là trường chuẩn quốc gia nhiều năm liền, được trao tặng Huân chương Lao động hạng ba... Nhiều người đã nói về “đầu tàu” đã dẫn dắt con thuyền giáo dục của trường ngày càng phát triển.

Sinh ra và lớn lên ở vùng quê nghèo khó tỉnh Nghệ An, thầy hiểu thấu nỗi gian truân của người dân quê “tối ăn khoai đi ngủ, sáng ăn củ đi làm”. Thời đó, cả xã chỉ có mình thầy đi học đến nơi đến chốn, nên thầy luôn nung nấu quyết tâm thi vào ngành sư phạm vì “chỉ có sự học mới thoát nghèo và nâng cao dân trí”.

Năm 1973, thầy tạm gác việc học lên đường làm nghĩa vụ theo “tiếng gọi non sông”. Hòa bình, thầy tiếp tục học và tốt nghiệp ĐH sư phạm.

Được điều động công tác tại Trường Cấp 2, 3 Trà Ôn (nay là Trường THPT Trà Ôn), thầy luôn tâm niệm: “Nơi đâu cũng là Tổ quốc, là anh em một nhà”. Chính vì thế, với dòng máu đang chảy trong tim người lính Cụ Hồ, thầy đã dành hết tâm huyết cho sự nghiệp giáo dục.

Năm 1985, thầy được bổ nhiệm làm phó hiệu trưởng, bí thư chi bộ trường, đến năm 2006 thì đảm nhận chức hiệu trưởng. Dù có bề dày thành tích và đồng nghiệp luôn xem là tấm gương để học hỏi, nhưng thầy khiêm tốn cho rằng tất cả là do sự nỗ lực của tập thể nhà trường.

Thầy tâm sự: “Dạy học phải thực chất, tuyệt đối không nên “bệnh thành tích” và làm sao để trường học là tổ ấm. Vì vậy, thầy luôn đề ra những sáng kiến nhằm nâng cao chất lượng dạy và học, quan tâm giáo dục đạo đức học sinh, xây dựng trường học thân thiện học sinh tích cực...”

Khắc ghi lời dạy của Bác, thầy luôn giữ trọn “tâm trong sáng” và “liêm chính” vì nhà giáo là người đào tạo cả thế hệ tương lai đất nước, “mình không “chính” sao dạy học sinh được”- thầy nói.

Trường THPT Trà Ôn đạt được thành tích phải kể đến vai trò to lớn của thầy Hoàng Văn Thắng (người thứ 2 bên trái)- “đầu tàu” của trường.
Trường THPT Trà Ôn đạt được thành tích phải kể đến vai trò to lớn của thầy Hoàng Văn Thắng (người thứ 2 bên trái)- “đầu tàu” của trường.

Khi có chuyến đi công tác mà máy móc bị hư hỏng hay cần sắm sửa trang thiết bị là thầy “nhận việc” luôn. Bởi “một công đôi ba chuyện vừa đỡ tốn công đi lại cho đồng nghiệp lại vừa tiết kiệm công tác phí cho nhà nước”. Có trường hợp phụ huynh tặng quà, “lì xì phong bì” thầy cũng từ chối khéo.

“Vì lợi ích trăm năm trồng người”, hàng năm, thầy vận động xã hội hóa khen thưởng và trao hàng trăm suất học bổng cho học sinh nghèo vượt khó.

Anh Minh Thái- cựu học sinh trường chia sẻ: “Thầy lúc nào cũng gần gũi và quan tâm đến học sinh, nhất là các em có hoàn cảnh khó khăn. Thầy luôn tìm cách giúp đỡ để chúng tôi vươn lên học tốt. Với tôi, thầy luôn là người đáng kính”.

Từ việc vận dụng học tập và làm theo những bài học quý báu của Bác Hồ, thầy Thắng luôn nhận được sự yêu thương quý mến của tập thể nhà trường. Đó chính là “quả ngọt” trong sự nghiệp trồng người của thầy.

“Cả đời phải học ở Bác!”

Tuy đã bước sang tuổi 60 nhưng với ông Ngô Hữu Phước (ấp Đông Hậu, xã Ngãi Tứ- Tam Bình), “việc học là không có điểm dừng”. Học được kỹ thuật mới, ông liền ứng dụng vào sản xuất và luôn có nhiều ý tưởng mới để chăn nuôi mang lại lợi nhuận cao nhất.

Khi mới lập gia đình, ông đầu tư nuôi cả ngàn con gà ác vì giá cả thời điểm đó khá cao. Khi mô hình này đã “lỗi thời” ông liên tục chuyển sang sản xuất, chăn nuôi các loại giống khác, nhằm thu nhập cao hơn.

Năm 2003, thời điểm ít ai sản xuất được giống cá bống tượng với số lượng lớn và tỷ lệ hao hụt ít, thế nhưng ông đã khá thành công với tỷ lệ cá sống đạt khoảng 50%. Có lúc ông thu được cả trăm ngàn con giống, trong khi chỉ cần bán 1.000 con là có trong tay 10 triệu đồng.

“Ngày nào khách cũng điện thoại đặt hàng muốn cháy máy, nhờ đó mà tui có tiền lo 3 đứa con học ĐH”- ông Phước khoe.

 

Tại nhà ông Phước, cạnh phòng khách có một gian phòng với tủ thờ và bàn ghế được bày biện trang nghiêm. Đó chính là phòng thờ được thiết kế xây riêng- khi ông Phước cất nhà để tưởng nhớ về Bác Hồ. Hiện vợ chồng ông đang thêu bức chân dung Bác và chuẩn bị thượng thờ.

Năm 2015, ông Phước lại tạo ra bước đột phá trong phát triển mô hình ươm giống tôm càng xanh và giống cua biển- loại thủy sản chỉ có thể sinh sản ở vùng nước mặn ngay ở vùng nước ngọt như Vĩnh Long. Tuy thu lời 110 triệu đồng/vụ, nhưng ông vẫn chưa hài lòng và tiếp tục “chuyển mặt hàng”.

Gần đây, biết được thông tin cá hô là giống quý, được thị trường ưa chuộng và giá khá cao, 300.000- 400.000 đ/kg.

Trung bình, nuôi 1 năm cá tăng trọng 3kg. Đây là nguồn lợi lớn nếu biết cách khai thác, nên ông mua 600 con giống về nuôi. Hiện, ông còn nuôi 5 cặp cua đinh bố mẹ và đang nghiên cứu kỹ thuật sinh sản. Hiện giá bán 1 triệu đồng/kg cua thịt, đang hứa hẹn cho ông nguồn lợi lớn.

Khi mới tiếp chuyện ông nông dân chân trần, đôi tay thô ráp, tóc bạc trắng tuổi lục tuần này, thật khó mà nghĩ rằng ông vẫn còn... siêng đi học. Theo ông, “nếu không học kiến thức sẽ mài mòn” và “khi học được cái gì mới thì ứng dụng liền”.

Giỏi làm kinh tế, ông Phước còn luôn sẵn lòng hỗ trợ hộ nghèo về con giống và hướng dẫn kỹ thuật để phát triển sản xuất.

Trong xây dựng nông thôn mới, ông hiến gần 800m2 đất để làm đường nông thôn, trồng hoa cặp tuyến lộ để nâng cấp tiêu chí môi trường. Tuy làm rất nhiều, nhưng với ông Phước “đây chỉ là việc nhỏ để góp cho địa phương thôi”.

Sinh ra và lớn lên trong gia đình giàu truyền thống cách mạng, bản thân trưởng thành từ quân đội nên ông Phước thấm nhuần tư tưởng đạo đức sáng ngời của Bác Hồ trong sự nghiệp giải phóng dân tộc và xây dựng đất nước.

Từ đạo đức đối nhân xử thế đến sự tận tụy với công việc của Bác đã làm cho mọi người đều quý mến, nên với ông: “Cả đời tui phải học ở Bác nhiều lắm! Tui ước ao được một lần ra thăm Lăng Bác”.

 

Ông Nguyễn Thanh Liêm- nguyên Chủ tịch UBND huyện Trà Ôn: “Thầy Thắng có năng lực quản lý, tâm huyết và không ngừng sáng tạo. Thầy luôn quan tâm sâu sát hoàn cảnh, phát huy tài năng từng cán bộ, giáo viên và xây dựng được mối đoàn kết thân ái trong tập thể trường. Thầy luôn tu dưỡng rèn luyện đạo đức trong sáng của người đảng viên, của người thầy giáo nhân dân...”.

 

(Còn tiếp)

 

  • ™Bài, ảnh: NHÓM PHÓNG VIÊN