Sức lan tỏa của phong trào thi đua dân vận khéo

Cập nhật, 14:56, Thứ Ba, 19/12/2023 (GMT+7)

 

Thời gian qua, nhiều mô hình “Dân vận khéo” tạo nên sức mạnh tổng hợp, lan tỏa sâu rộng trong cộng đồng dân cư.
Thời gian qua, nhiều mô hình “Dân vận khéo” tạo nên sức mạnh tổng hợp, lan tỏa sâu rộng trong cộng đồng dân cư.

Qua thời gian triển khai thực hiện, phong trào thi đua “dân vận khéo” đã thực sự trở thành một trong những phương thức dân vận đạt hiệu quả cao, tạo được sức lan tỏa sâu rộng, khơi dậy sức mạnh đại đoàn kết, niềm tin của Nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, tạo tiền đề để các địa phương, đơn vị sáng tạo vận dụng hiệu quả, thiết thực vào tiến trình xây tỉnh Vĩnh Long phát triển nhanh và bền vững.

Hỗ trợ phụ nữ, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn

Được Hội LHPN tỉnh hỗ trợ 10 máy may công nghiệp, chị Võ Thị Hồng Cúc (ở ấp Hiếu Thạnh, xã Hiếu Thành, Vũng Liêm) đã vận động 10 chị em hội viên phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn, có con nhỏ không đi lao động xa nhà, thành lập tổ may và đăng ký thực hiện phong trào “Dân vận khéo” với mô hình “Tổ may sinh kế”.

Với vai trò là tổ trưởng, chị Cúc đã vận động 2 hội viên nòng cốt tham gia mua thêm 2 máy vắt sổ với số tiền 10 triệu đồng. Đồng thời, tìm nhiều nguồn hàng uy tín cho tổ may thực hiện. “Hiện, bình quân mỗi tổ viên may kiếm được 70.000-80.000 đ/ngày, tổ viên vắt sổ được 80.000-100.000 đ/ngày”- chị Cúc nói và cho biết: Mô hình đã giúp chị em có thêm nguồn thu, ổn định cuộc sống.

Với mục đích mang những món quà nhỏ, nhưng chứa đựng nhiều ý nghĩa, góp phần “chắp cánh ước mơ” cho các em học sinh, BCH Xã Đoàn Trung An (Vũng Liêm) đã tranh thủ sự ủng hộ, hỗ trợ của Đảng ủy, UBND xã, vận động thành lập mô hình “Ngôi nhà ước mơ cho em”. Trong ngôi nhà này, có quần áo, giày, dép, tập, sách, viết, dụng cụ học tập... để các em học sinh đến nhận về sử dụng.

Cùng các bạn đến “ngôi nhà ước mơ cho em”, em Phạm Hoàng Yến- học sinh lớp 3/2 Trường Tiểu học Trung An A, chỉ chọn những thứ mình thật sự cần như: bút màu, hồ, viết chì, đồ bào viết chì... Cầm trên tay những món quà xinh xinh, em chia sẻ: “Con rất vui khi nhận quà này, con cảm ơn cô chú”.

Ý tưởng xây dựng mô hình “Ngôi nhà ước mơ cho em” được hình thành từ khi chị Nguyễn Thị Trúc Hà còn là đoàn viên chi đoàn cơ quan. Khi đó, chị phụ trách tiếp nhận và hoàn trả hồ sơ tại bộ phận một cửa.

Từ việc tình cờ trao đổi, tiếp xúc với vài trường hợp trẻ em đến xã làm hồ sơ và những lần chị đến các điểm trường, các ấp nghe các thầy cô, các cô chú trong ấp kể về các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn do mồ côi cha, mồ côi mẹ, thuộc hộ nghèo, cận nghèo, cha mẹ đi làm ăn xa sống với ông bà, mà chưa có phương án giúp đỡ...

Trường hợp đã thôi chị Trúc Hà “muốn biến ý tưởng thành hiện thực”, đó là: một em học sinh đến gặp và nhờ chị kết nối để xin bộ sách giáo khoa vì em này quá khó khăn, không có tiền mua sách đi học...

Khi được phân công nhiệm vụ mới, với vai trò là Bí thư Đoàn Thanh niên xã, chị Trúc Hà đã cùng với BCH Xã Đoàn bắt tay “hiện thực hóa” ý tưởng của mình. Với sự ủng hộ và hỗ trợ của Đảng ủy, UBND xã, mô hình “Ngôi nhà ước mơ cho em” đã được hình thành.

Tập trung những việc mới, việc khó

Chị Trúc Hà cho biết: “Lúc mới thành lập mô hình, chúng tôi gặp nhiều khó khăn. Dần dần về sau, mô hình được nhiều người biết đến, được các nhà hảo tâm hỗ trợ về kinh phí, hiện vật, gồm: dụng cụ học tập và đồ dùng khác cho các em học sinh.

Đến nay, “Ngôi nhà ước mơ cho em” đã hỗ trợ được 327 phần quà đối với 294 học sinh, giúp các em có điều kiện đến trường và giảm bớt gánh nặng cho gia đình”.

Là Bí thư Đoàn Thanh niên, cũng là thành viên của BCĐ phong trào thi đua “Dân vận khéo”, chị Trúc Hà có nhiều thuận lợi trong xây dựng mô hình “Ngôi nhà ước mơ cho em”. Đến nay, mô hình đã nhận được sự hỗ trợ từ rất nhiều nhà hảo tâm với tổng kinh phí gần 190 triệu đồng (tiền mặt và hiện vật). Trong đó, có 2 máy tính đặt tại “Ngôi nhà ước mơ cho em” để giúp các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn được học và tiếp cận với công nghệ thông tin.

Để phát huy tốt hiệu quả hoạt động của mô hình, chị Trúc Hà đã tham mưu các cấp lãnh đạo xây dựng thêm công trình măng non, sân chơi thiếu nhi thu hút khoảng 420 em/tháng tham gia vui chơi, giải trí sau những giờ học tại trường.

Ông Hà Văn Thái- Chủ tịch UBND xã Trung An cho biết: Mô hình “Ngôi nhà ước mơ cho em” mang tính chất thiện nguyện xã hội rất cao. Hàng năm, BCH Xã Đoàn hỗ trợ khoảng 100 phần quà đến các em học sinh gặp khó khăn.

Đồng thời, kêu gọi các tổ chức, các cá nhân hỗ trợ 17 suất học bổng toàn phần hỗ trợ các em học sinh thuộc hộ nghèo, cận nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn, hiếu học mà chưa có điều kiện để học tập từ lớp 3 tới lớp 12 và đến khi học ĐH, CĐ hoặc học nghề vẫn được hỗ trợ. Mô hình này được Đảng ủy, UBND xã đánh giá cao và tạo được sự đồng thuận cao của người dân trong xã.

“Với góc độ địa phương, chúng tôi tiếp tục quan tâm nhiều hơn nữa đối với mô hình này. Chúng tôi cũng xin kêu gọi các tổ chức, cá nhân, nhà hảo tâm quan tâm giúp đỡ đối với Ngôi nhà ước mơ cho em”- ông Hà Văn Thái nói.

Mô hình “Ngôi nhà mơ ước” góp phần nâng cao giá trị cuộc sống và chất lượng học tập cho các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn.
Mô hình “Ngôi nhà mơ ước” góp phần nâng cao giá trị cuộc sống và chất lượng học tập cho các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn.

Bà Nguyễn Thị Minh Hạnh- Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy, cho biết thời gian qua, ban dân vận các cấp chủ động tham mưu cấp ủy đảng chỉ đạo, định hướng nội dung, mục tiêu cần tập trung để “khéo” thực hiện công tác dân vận, lãnh đạo hệ thống dân vận phối hợp với các ngành liên quan thực hiện xây dựng điển hình, mô hình “dân vận khéo” trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội.

Hàng năm, trong nghị quyết các cấp ủy đều đưa nội dung công tác dân vận và “dân vận khéo” để lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện. Những nội dung thực hiện “dân vận khéo” của các cấp, các ngành luôn bám sát tình hình của địa phương, cơ quan, đơn vị, tập trung thực hiện những việc mới, việc khó, những vấn đề bức xúc, quan tâm của Nhân dân.

Bài, ảnh: XUÂN TƯƠI