Phát huy vai trò giám sát, phản biện xã hội

Cập nhật, 16:10, Thứ Năm, 29/10/2020 (GMT+7)

 

Các thành viên hội đồng phản biện xã hội tham gia đóng góp ý kiến, thể hiện tinh thần xây dựng và trách nhiệm cao.
Các thành viên hội đồng phản biện xã hội tham gia đóng góp ý kiến, thể hiện tinh thần xây dựng và trách nhiệm cao.

Thời gian qua, giám sát, phản biện xã hội đã trở thành hoạt động thường xuyên, trọng tâm và có tác động thực tế của MTTQ tỉnh và các tổ chức chính trị- xã hội. Đây cũng được xem là hoạt động đột phá để thực hiện phát huy dân chủ, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền trong sạch, vững mạnh.

Thực hiện hiệu quả nhiệm vụ trọng tâm

Thực hiện Quyết định số 217-QĐ/TW và 218-QĐ/TW của Bộ Chính trị (khóa XI), MTTQ Việt Nam các cấp trong tỉnh đã quyết tâm, chủ động tổ chức các hoạt động giám sát và phản biện xã hội, góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền. Theo đó, Ban Thường trực UBMTTQ Việt Nam tỉnh đã chủ trì triển khai các hoạt động giám sát, phản biện xã hội ở các vấn đề, lĩnh vực có ý nghĩa, tác động đến xã hội.

Từ đó, góp phần làm sáng tỏ những kết quả và hạn chế trong việc thực hiện chính sách, pháp luật của cơ quan nhà nước, các tổ chức ở địa phương; kiến nghị những nội dung nhằm thực hiện đúng và có hiệu quả hơn các chính sách, các quy định pháp luật; góp phần bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của công dân, tổ chức; bảo vệ lợi ích của Nhà nước, hạn chế vi phạm pháp luật. Nhiều kiến nghị sau giám sát và phản biện xã hội đã được các cơ quan, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm nghiêm túc tiếp thu và thực hiện.

Nổi bật 5 năm qua, UBMTTQ Việt Nam huyện Mang Thít phối hợp với các đoàn thể chính trị- xã hội chủ trì giám sát được 35 cuộc. Nội dung giám sát tập trung vào các lĩnh vực như quy trình rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn xã- thị trấn; việc tiếp nhận, tham gia giải quyết thư khiếu nại, tố cáo của công dân…

Đồng thời, phối hợp với đoàn thể chính trị- xã hội và các ngành có liên quan giám sát 278 cuộc đối với những vấn đề liên quan đến tình hình phát triển kinh tế của địa phương và đời sống của người dân. “Qua đó, phát huy vai trò là cầu nối giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân, xây dựng và củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc, tạo động lực quan trọng thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế- xã hội của địa phương”.- ông Dương Văn Tuôi- Trưởng Ban Dân vận, Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam huyện Mang Thít- cho biết.

Song song đó, hoạt động giám sát của Ban Thanh tra nhân dân và Ban Giám sát đầu tư cộng đồng đã phát huy vai trò tham gia giám sát của nhân dân đối với việc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, giám sát các công trình đầu tư cộng đồng tại địa bàn.

Theo UBMTTQ Việt Nam TX Bình Minh, nhiệm kỳ qua, Ban Thanh tra nhân dân đã giám sát 98 cuộc với 346 thành viên tham gia, Ban giám sát đầu tư cộng đồng tổ chức giám sát 104 công trình đầu tư xây dựng trên địa bàn, phát hiện và kiến nghị 24 trường hợp có dấu hiệu sai sót, hạn chế. Ông Châu Văn Trịa- Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam TX Bình Minh- cho biết, “hoạt động này đã góp phần nâng cao năng lực quản lý của chính quyền trên các lĩnh vực, tạo được niềm tin của nhân dân đối với Đảng, chính quyền và MTTQ”.

Nâng cao chất lượng giám sát, phản biện xã hội

Theo bà Lê Hồng Đào- Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam tỉnh, qua hoạt động giám sát và phản biện xã hội, UBMTTQ Việt Nam các cấp trong tỉnh đã có nhiều kiến nghị, đề xuất quan trọng, góp phần xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền và góp phần đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của MTTQ Việt Nam; tạo không khí dân chủ, đồng thuận trong nhân dân, động viên nhân dân thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ của địa phương.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động giám sát phản biện xã hội, góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền trong thực tiễn vẫn còn những khó khăn, hạn chế, đặc biệt đối với công tác phản biện xã hội. Theo đó, việc lựa chọn nội dung chưa phù hợp; nguồn nhân lực chưa đáp ứng được yêu cầu và nhiều địa phương chưa cân đối được kinh phí phục vụ cho hoạt động này.

Để phát huy hiệu quả hoạt động giám sát, phản biện xã hội trong thời gian tới, MTTQ và các tổ chức chính trị- xã hội tiếp tục tuyên truyền nâng cao nhận thức về việc thực hiện các quy định của Đảng và Nhà nước về giám sát và phản biện xã hội; trên cơ sở nhận thức đúng đắn vị trí, vai trò của MTTQ Việt Nam để thực hiện công tác phân công, bố trí nhân sự trong giám sát và phản biện xã hội.

Đồng thời, quan tâm vấn đề bảo đảm kinh phí hoạt động giám sát và phản biện xã hội; đề xuất Trung ương tiếp tục hoàn thiện cơ chế pháp lý về giám sát và phản biện xã hội, tạo cơ sở pháp lý quan trọng để giám sát và phản biện xã hội phát huy được những mặt tích cực đối với đời sống chính trị- xã hội của đất nước.

“Với vai trò là liên minh chính trị, là cơ sở chính trị của chính quyền nhân dân, MTTQ Việt Nam tỉnh sẽ tiếp tục vận động nhân dân tham gia xây dựng Đảng xây dựng chính quyền, củng cố hệ thống chính trị ngày càng vững mạnh.

Thực hiện tốt hơn nữa chức năng giám sát và phản biện xã hội, chủ động góp ý kiến với Đảng, Nhà nước trong việc hoạch định cơ chế, chính sách; từng bước đưa tiếng nói của người dân tham gia vào quá trình xây dựng chính sách phát triển kinh tế- xã hội của địa phương”- bà Lê Hồng Đào nhấn mạnh.

Nhiệm kỳ qua, UBMTTQ Việt Nam các cấp trong tỉnh đã chủ trì tổ chức được 177 nội dung giám sát, 59 hội nghị phản biện xã hội; phối hợp tổ chức 118 hội nghị, hội thảo lấy ý kiến của nhân dân tham gia vào dự thảo Báo cáo chính trị trình đại hội đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2015- 2020 và 2020- 2025…

Bài, ảnh: TUYẾT NGA