Ông "Mười Điện"

Cập nhật, 04:35, Thứ Bảy, 07/12/2019 (GMT+7)

Sau những năm đổi mới, chủ trương đã có, nhưng chưa có mô hình, việc suy nghĩ tìm cơ chế mới không phải dễ dàng. Khai thác vốn được thực tiễn chứng minh các đồng chí lão thành cách mạng về hưu làm vai trò “đốc chiến”, chỉ đạo quyết liệt sẽ đưa phong trào đi lên, đem lại kết quả.

Xuất hiện nhiều tấm gương sáng giá đến nay dân nhớ ơn, nhắc nhở gọi tên như: ông “Mười Điện”, ông “Tư Khuyến học”, ông “Sáu Không Một”, như gợi lại việc chỉ đạo 3 phong trào nổi bật của tỉnh nhà.

Ông Mười Mẫn đóng cầu dao điện ở xã Tân Quới. Ảnh: Tư liệu
Ông Mười Mẫn đóng cầu dao điện ở xã Tân Quới. Ảnh: Tư liệu

Vai trò “đốc chiến”

Tại sao có bộ máy, cán bộ không thiếu, dân sẵn sàng đóng góp, ai cũng ước mơ có điện sử dụng, nhưng việc phát triển kéo điện cứ ì ạch, quá chậm do đâu?

Từ ngày củng cố lại bộ máy chỉ đạo kéo điện về nông thôn, tỉnh mời đồng chí Hồ Minh Mẫn (Mười Mẫn)- nguyên Bí thư Tỉnh ủy- vốn có nhiều kinh nghiệm cùng bộ máy chỉ đạo giải quyết việc kéo điện mà đồng bào trông chờ bức xúc.

Kiểm điểm lại 4 năm tách tỉnh (Trà Vinh), từ năm 1992- 1995 Nhà nước và nhân dân chỉ mới đầu tư được 10 tỷ đồng cho việc kéo điện và mới đạt từ 18% hộ dân lên 24% hộ dân có điện (chỉ tăng 6%).

Điện về trung tâm xã mới đạt 32%, hộ dân có điện 45.000 hộ. Việc quản lý giá điện khác nhau: 10% hộ giá thấp hơn 500 đ/kW, 80% hộ giá 500đ và 10% hộ giá cao hơn 500đ.

Đó là chưa kể đến khâu phức tạp dân thiếu tin góp tiền kéo điện, vì góp không đồng bộ, nơi dân góp quá lâu mà không có điện, việc quản lý tiền bạc lỏng lẻo, thất thoát “cha chung không ai khóc”.

Đồng chí “Mười Điện” đi từng nhà, từng xóm hiểu tường tận từng vụ việc. Cái khó là việc nhận thức và phát động chưa sâu, ai cũng muốn có điện nhưng góp vốn còn chần chờ, đường dây điện kéo qua thiệt hại cây ăn trái ai cũng đòi bồi thường giá cao.

Chủ trương kéo điện thực hiện phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”: Nhà nước bỏ tiền ra kéo điện cao thế, trung thế; dân đóng góp công và vật kiến trúc nơi đường điện đi qua, kéo đường dây hạ thế, đường điện rẽ vào nhà.

Việc nào Nhà nước làm, việc nào dân làm, nhưng dân hiểu “do Nhà nước làm hết”, nên đâm ra mắc mứu đọng cặn kéo dài.

Cuộc họp BCĐ rút kinh nghiệm, đồng chí Hồ Minh Mẫn uốn nắn các vấn đề then chốt:

- Một là phát động cho dân thông hiểu chủ trương, phương châm, phương pháp, công khai hóa cho dân hiểu.

- Hai là huy động nguồn vốn của Nhà nước, của dân.

BCĐ sáng kiến đề xuất HĐND tỉnh chấp thuận phụ thu tiền điện ở thị xã, thị trấn để lấy tiền giúp đỡ dân nông thôn kéo điện.

- Ba là ngành ngân hàng cho vay, lập thủ tục nhanh gọn, Hội Nông dân vận động người khá giúp người nghèo cho mượn tiền để nộp đồng bộ đến mùa lúa, mùa trái cây thu hoạch trả lại.

- Bốn là cán bộ tỉnh, cán bộ huyện, cán bộ xã phân công cụ thể mỗi người mỗi việc. Đặc biệt việc lo thiết kế, tổ chức thi công nhắc nhở hết sức tiết kiệm nhưng đảm bảo quy trình kỹ thuật, như việc đúc cột điện tại chỗ đỡ tốn kém, số tiền phụ thu điện 36 tỷ giúp dân kéo điện về vùng sâu vùng xa phải minh bạch, công khai rõ ràng.

Từ chủ trương chỉ đạo đó, rút kinh nghiệm năm cao nhất kéo được 4.700 hộ, năm thấp 500 hộ. Vấn đề đặt ra là tìm cho được cái ưu, cái mạnh để nhân lên, việc thiếu sót hạn chế phải khắc phục kịp thời, hết sức tránh đổ lỗi, đùn đẩy trách nhiệm.

Nghị quyết Đại hội Đảng của tỉnh lần thứ VI tháng 5/1996 đã nêu: “Đảm bảo năm 2000 tỉnh Vĩnh Long đạt 80% hộ dân có điện, 100% xã- phường- thị trấn có điện đến trung tâm”. Đây là yêu cầu lớn và cũng là thách thức đòi hỏi BCĐ phải tập trung cao, dân phải thông hiểu đồng lòng hưởng ứng.

Đồng chí “Mười Điện” động viên: rút kinh nghiệm việc làm vừa qua, vướng đâu sửa đó, sửa đến nơi đến chốn. Bên cạnh đó, việc kéo điện sắp tới là vùng sâu, vùng xa; có nơi khó khăn kéo qua sông lớn như sông Tiền, sông Hậu, kéo về các xã cù lao.

Trong cái khó không bí lối mà phải thể hiện tính sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, phải tin khả năng chỉ đạo, tin dân nhất định giành thắng lợi.

Mùa xuân 1998, chỉ đạo kéo đường dây điện từ chợ Bà (chợ Thành Lợi) tới xã Tân Quới (Bình Minh) dài 8km, kéo trên tuyến đường không ít khó khăn, vướng nhiều cây dừa, cây xoài và nhiều cây ăn trái. Cái khó là không đủ tiền để bồi hoàn mà không phát quang, giải tỏa thì làm sao kéo điện?

Giải quyết cái khó này là phải phát động, nói cho dân biết, dân phải hy sinh một phần thiệt hại để có điện thắp sáng, có điện sản xuất và điện sáng để con em học hành.

Trong kháng chiến, đồng bào còn hy sinh tiền bạc, xương máu để giành độc lập tự do. Nay xây dựng đất nước có lợi trước mắt và lâu dài cũng vì quyền lợi, yêu cầu mong muốn của dân.

Từ đó, bà con trên cả tuyến đường có hàng trăm cây dừa, cây ăn trái khác sẵn sàng hưởng ứng. Có một số nhà cửa ngang đường dây điện, bà con vui lòng dời nhà nhận một số tiền bồi hoàn tượng trưng. Đây là kết quả việc phát động một khi dân hiểu, dân thông, dân làm vì lợi ích chung cả xóm, cả làng.

Rút kinh nghiệm này, BCĐ kéo điện ở xã Trà Côn- Trà Ôn. Đồng bào ở đây rất tha thiết kéo điện nhưng thiếu tiền.

Việc chỉ đạo của ta vì một số nơi làm chậm kéo dài. Nắm được tình hình này, đồng chí Hồ Minh Mẫn cùng đoàn chỉ đạo tỉnh, huyện, xã tập trung các khâu: khảo sát, lập quy hoạch, thiết kế đường dây phát triển điện, kế hoạch phát động công khai ra dân kéo tuyến điện từ chùa Mới đến chợ Trà Côn dài khoảng 4km.

Vừa phát động dân vừa tổ chức thực hiện thi công chỉ trong vòng 1 tháng. Dân thấy rõ lợi ích, người có tiền giúp người nghèo mượn tiền đến mùa lúa sẽ trả lại.

Mỗi nhà đóng góp, mỗi xóm đóng góp, thiếu vay ngân hàng. BCĐ lo kéo đường trung thế, đường hạ thế, đường rẽ vào nhà dân lo.

Kỷ niệm ngày giải phóng miền Nam dân xã Trà Côn rất phấn khởi đóng cầu dao có điện, vừa chào mừng xã có điện vừa chào mừng được Nhà nước phong tặng “Anh hùng lực lượng vũ trang” trong quá trình chiến đấu và xây dựng đã trưởng thành.

Ở Trà Côn, với bài học kéo điện nhanh chỉ trong vòng 1 tháng, từ chỗ dân thiếu tin đến khi phát động giải quyết các vấn đề căn cơ hiệu quả, dân thấy được và hết lòng ủng hộ, vừa giúp đỡ nhau, vừa thắt chặt tình chòm xóm láng giềng.

Việc kéo điện qua các xã cù lao, đường dây qua sông lớn: sông Tiền, sông Hậu. Tốn kém cả dây điện và trụ điện quy mô hai bên bờ sông. Đường dây điện chạy qua các xã xứ cù lao miệt vườn phải “phát quang” đốn nhiều cây ăn trái tốn kém không phải ít.

Qua tình hình thực tế, khó khăn đó phải nói hết cho bà con biết, nói rõ vì lợi ích của dân kéo điện còn có ý nghĩa lâu dài để phục vụ cho sản xuất, bơm tưới vườn và có ánh sáng cho con em có điều kiện học hành. Đồng bào ta chưa rõ thì không đồng tình, còn đã thông suốt thì hết lòng ủng hộ.

Đường dây điện kéo về cù lao Lục Sĩ Thành giải quyết cho 2 xã Lục Sĩ Thành và Phú Thành là một thắng lợi lớn. Tiếp đó kéo điện về cù lao Minh, giải quyết cho 4 xã An Bình, Đồng Phú, Bình Hòa Phước và Hòa Ninh.

Ngày 27/7/2003, đóng cầu dao điện qua sông về đến cù lao Quới Thiện phục vụ cho 2 xã Quới Thiện và Thanh Bình là xã cuối cùng có điện. Một ước mơ từ lâu được toại nguyện, rút ngắn khoảng cách thời gian thực hiện so với trước đây.

Kết quả

Theo đồng chí Hồ Minh Mẫn, chặng đường 5 năm (1996- 2000), với quyết tâm lớn, chỉ đạo sâu sát, tập trung mạnh dạn làm, dám làm, phát hiện khó khăn, vướng mắc đến đâu giải quyết dứt điểm đến đó. Kết quả chào mừng Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ VII và chào mừng bước sang thế kỷ XXI:

- Toàn tỉnh 125.189 hộ có điện chiếm 80%, trong đó năm kéo điện cao nhất vào hộ dân là hơn 59.470 hộ (1999), năm thấp nhất là 4.680 hộ (1998) đưa tổng số hộ dân có điện trong tỉnh là 172.000 hộ.

- Điện về trung tâm xã năm 1999 đạt 98%, vượt chỉ tiêu đề ra.

- Đường dây trung thế kéo được 832km, năm cao nhất 365km (1998), năm thấp là 20km (1996).

- Đường dây hạ thế kéo được 3.486km, năm cao nhất 1.600km (1999), năm thấp là 107km (1996).

Mừng thắng lợi giải phóng miền Nam (30/4/1975) là thắng lợi thứ nhất. Mừng thắng lợi thứ hai là nông thôn có điện đổi đời. Dân vui mừng phát biểu như thế.

BCĐ kéo điện về nông thôn không dừng lại ở đó mà phát huy thắng lợi tiếp tục chỉ đạo, kéo điện về vùng sâu, vùng xa phục vụ đồng bào. Cái khó là đa số đồng bào còn nghèo, cái ăn, cái ở chưa ổn định, nói chi đến việc kéo điện.

Qua phát động dân, phân tích có điện phục vụ cho sản xuất, cho cuộc sống, cho kinh tế phát triển đi lên; vừa vận động mạnh thường quân ủng hộ, ngân hàng tiếp sức cho vay ưu đãi,… Thực hiện khẩu hiệu: “Nhà nước và nhân dân chung tay kéo điện, cả xóm cùng vui!”

Tính đến 30/4/2003, mừng 28 năm ngày giải phóng miền Nam, toàn tỉnh có 92% hộ dân có điện, nếu so sánh, sau giải phóng chỉ có 15% hộ dân có điện (mà hầu hết là ở thị xã, thị trấn), tăng gấp 6 lần, rất đáng phấn khởi.

Nếu so lưới điện trung thế của tỉnh từ sau giải phóng có 23km, nay lên 1.532km; có 29 trạm biến thế với tổng dung lượng điện là 4.521kWA, tăng lên 2.510 trạm biến thế, tăng với tổng dung lượng điện 132.700kWA.

Điện năng tăng bình quân hàng năm 10,5%, điện thương phẩm tăng 10%, điện sinh hoạt tăng 10,2%, điện cho sản xuất tăng 14,2%.

Việc cải tạo sửa chữa lớn lưới điện và nâng cấp từ một pha lên ba pha về đến tất cả các xã- phường- thị trấn phục vụ cho sản xuất, các khu công nghiệp, khu kinh tế kỹ thuật, các trạm bơm thủy lợi.

Từ chỗ năm 1996, Vĩnh Long mới có 24% hộ dân có điện- con số thấp nhất so với 19 tỉnh Nam Bộ- thì năm 2003 số hộ dân có điện tăng lên 92% chiếm tỷ lệ khá cao, với lưới điện tương đối hoàn chỉnh, bảo đảm tốt chỉ tiêu tổn thất điện năng dưới chuẩn cho phép.

Một khi dân thông suốt chủ trương, cán bộ hết lòng vì dân phục vụ, biết lắng nghe dân, công khai hóa mọi vấn đề để dân thông, dân hiểu, dân làm thì khó khăn mấy cũng vượt qua và đạt kết quả tốt.

Đó là kết luận của BCĐ, cũng là bài học rút ra từ thực tế mà đồng chí Hồ Minh Mẫn rất tâm đắc. Dân nhắc gọi ông “Mười Điện” như một lời phong tặng tri ân, quả thật đầy ý nghĩa.

 HỒ NGUYỄN