Gặp lại người mang án tử hình

Cập nhật, 04:52, Thứ Bảy, 07/12/2019 (GMT+7)

Những ngày hạ tuần tháng mười, mưa liên tục như trút hết nước báo hiệu bước sang mùa khô. Học sinh lớp đệ tứ chúng tôi chuẩn bị năm thi lấy bằng Trung học đệ nhứt cấp nên ít đi đây, đi đó, ngoài đến trường, ở nhà lo gạo bài vì ngưỡng cửa thi cử sắp đến.

Một buổi sáng, học sinh chúng tôi đến trường không vào lớp, mà được lệnh xếp hàng trước sân chuẩn bị đi biểu tình tuần hành trên đường phố tỉnh lỵ Vĩnh Long.

Đi đầu khoảng 100 quần chúng, kế đến vài trăm học sinh. Bọn tâm lý chiến bắt hô khẩu hiệu theo xe thông tin. Các băng, biểu ngữ treo đặc đường. Từng khoảng đường có cảnh sát áo trắng, áo vàng đi theo thúc giục.

Đồng chí Hồ Minh Mẫn trao đổi với phóng viên Báo Vĩnh Long dịp kỷ niệm 25 năm tái lập tỉnh. Ảnh: Tư liệu
Đồng chí Hồ Minh Mẫn trao đổi với phóng viên Báo Vĩnh Long dịp kỷ niệm 25 năm tái lập tỉnh. Ảnh: Tư liệu

Dư luận bắt dân đi biểu tình, dân viện cớ bận buôn bán, bận ngày làm tháng ăn nên không đi. Cuối cùng chúng bắt học sinh lấp vào chỗ trống. Học sinh lấy cớ bận học thi, viêm họng, bị ho khàn cổ. Bọn cảnh sát như lũ chó điên chạy tới, chạy lui hò hét.

Xe thông tin phát đi: “Ủng hộ Ngô Tổng thống”, “Hoan hô Tòa án Quân sự đặc biệt”!

Thay vì bắt học sinh đưa tay lên, miệng “hoan hô, hoan hô”!

Nhanh trí, đoàn học sinh đưa tay lên vẫy vẫy, “khôn khiu”, “khôn khét”(1). Bọn cảnh sát ngạc nhiên, không biết nghĩa gì? Đến khi hô đến lượt thứ ba, thứ tư… Tiếng cười sặc sụa hòa lẫn tiếng thụi xương sườn, tiếng chọt lét mất trật tự diễn ra.

Bỗng từ phía sau, bọn cảnh sát đánh hơi, hiểu nghĩa, mặt gầm gầm, tay xách “cây can” gạn lực lượng học sinh hỏi: “Thằng nào tên Nguyễn Trí Đức”, rồi chúng nhìn mặt: “Thằng nào mặt rỗ? Một giọng trả lời “ở đây không có ai tên Đức, cũng không có ai mặt rỗ”.

Tên cảnh sát cố tìm nhưng Đức nhanh chóng lánh sang bên đường, chúng tìm không ra tông tích “thằng mặt rỗ”, “thằng phá hoại”. Chúng chửi mấy tiếng rồi bỏ đi.

Chúng bắt đoàn biểu tình đi quanh tòa án hô khẩu hiệu theo hướng dẫn xe thông tin để “biểu dương khí thế”. Lực lượng biểu tình bỏ về thưa dần. Tiếng hô khẩu hiệu lẻ tẻ, chỉ còn tiếng máy phóng thanh của xe thông tin tăng âm lượng ồn ào.

Qua báo chí công khai, ai nấy đều biết, ngày 5/6/1959, Ngô Đình Diệm ký sắc lệnh ban hành Luật 10/59, thẳng tay giết hại người yêu nước, dùng Tòa án Quân sự đặc biệt kết án, dùng máy chém lưu động giết người một cách dã man.

Dư luận quần chúng cho rằng do bế tắc đường lối chính trị, việc dùng máy chém là thất sách của một chế độ đã lỗi thời trong việc cai trị.

Máy chém do bác sĩ người Pháp Guillotin- Ủy viên Hội đồng lập pháp của nước Pháp đề xuất và sáng chế máy chém lấy tên Guillotine để giúp người chết “ra đi” nhanh gọn hơn.

Máy chém được sử dụng lần đầu ở Pháp ngày 24/4/1874. Thực dân Pháp lợi dụng công cụ này mưu đồ răn đe giết hại người yêu nước khi Pháp xâm lược Việt Nam.

Nhưng Pháp thua trận nhục nhã rút quân về nước. Mỹ Diệm đi theo vết xe cũ, lòng dân sẵn căm thù, oán ghét, trước sau gì chúng cũng chuốc lấy thất bại mà thôi. Dân bình luận và có niềm tin như vậy.

Trước đây Tòa án Quân sự đặc biệt xử lần đầu tiên Luật 10/59 ở Tây Ninh, ông Hoàng Lệ Kha, ở Trà Vinh xử ông Nguyễn Văn Phát, ở Cần Thơ xử ông Huỳnh Văn Đạt (tại Bình Minh, lúc đó thuộc tỉnh Cần Thơ), thì ngày 25/10/1960, Mỹ Diệm bày trò xử ông Hồ Minh Mẫn ở Vĩnh Long, người yêu nước trẻ tuổi có bề dày trong 2 cuộc kháng chiến chống thực dân, đế quốc.

Hội đồng xét xử chưa công bố danh sách mà theo dân đã đi guốc trong bụng, biết trước chân tướng của nó gồm những ai.

Ai làm chánh án, ai làm công tố, ai biện hộ cho bị can, mọi người đoán trước một trò hề trúng phóc. Rõ ràng, bọn tay sai mạt hạng có nhiều thủ đoạn tô vẽ pháp lý cốt hợp thức hóa thủ tục giết người mà ông chủ của nó mãi ở bên kia Thái Bình Dương chỉ bảo.

Bản cáo trạng dài sòng sộc như sớ táo quân đọc không ai để ý. Chỉ mấy đoạn gay cấn mọi người quan tâm “bị can bị bắt dưới hầm bí mật, có vũ khí, nếu không cảnh giác kịp thời quân đội của chính quyền Việt Nam Cộng hòa dễ bị thiệt mạng”.

Ở một đoạn khác: “Qua khai thác bị can có kiến thức, có trình độ, tác phong thái độ cứng rắn, chứng tỏ bị can là cán bộ cao cấp của Việt Cộng”.

Phần luận tội, công tố viên nhấn mạnh: “Cán bộ cơ sở thực thi tốt mọi chủ trương chính sách của quốc gia đều bị sát hại ở nhiều xã, nhiều địa phương, chắc chắn do Hồ Minh Mẫn thực hiện, từ đó gây hoang mang dao động đến dân chúng, đến tiến trình của quốc gia trong công cuộc xây dựng nông thôn.

Thời gian phần lớn dành cho việc khống chế răn đe theo Luật 10/59, buộc tội, luận tội, lặp đi, lặp lại toàn sáo rỗng. Hơn 10 phút dành cho biện hộ sư, cả pháp đình ít người, nhưng ai nấy đều chú ý lời bào chữa nhấn vào trọng tâm của Đào Hữu Dương.

- Một là bị can bị bắt dưới hầm bí mật, có cả vũ khí; có kháng cự lại, có bằng chứng, nhưng mức kháng cự bắt buộc để tự vệ bản thân, xét trong điều kiện có lý.

- Hai là nhà đương cuộc dồn tất cả những người hết lòng vì chính nghĩa quốc gia ở cơ sở bị sát hại đều do bị can gây ra là thiếu chứng lý. Hồ sơ người bị tử nạn thì nhiều nhưng cụ thể ai giết, giết trong trường hợp nào thì thiếu cụ thể. Tất cả gán tội cho bị can Hồ Minh Mẫn là thiếu chứng lý, không có cơ sở, bị áp đặt.

- Ba là bị can từ trước đến nay chưa có tiền án, tiền sự.

Bởi những lý lẽ trên, tôi Đào Hữu Dương đề nghị quý tòa xem xét lại bản án. Tôi đề nghị tha bổng bị can. Luật sư Đào Hữu Dương dứt lời ai nấy thở phào nhẹ nhõm.

Chúng ta biết một đất nước thuộc địa, sinh ra một tòa án công cụ tay sai, đẻ ra một biện hộ sư hình thức dân chủ thì làm sao quyết định được thực chất vấn đề.

Nhưng dù sao tiếng nói của biện hộ sư đi vào lòng dân đối với một người hiểu luật pháp- một luật sư tư trong hoàn cảnh cuộc sống còn nặng nợ áo cơm.

Buổi chiều, thời gian còn lại rất eo hẹp, Đại tá Nguyễn Vạng Thọ ngồi ghế chánh án công bố: “Trước khi nghị án 30 phút, tòa cho bị can nói lời sau cùng”.

Không khí tại pháp đình lặng yên, tưởng chừng con ruồi bay ngang cũng dễ phát hiện. Ông Hồ Minh Mẫn khoảng 30 tuổi, thân ốm, sức khỏe yếu, người gầy chỉ còn da bọc xương, nhưng tiếng nói dõng dạc: “Thưa quý tòa, thưa đồng bào!

Khẳng định tôi không phải nổi loạn và tòng phạm phản nghịch. Tôi là người yêu nước đấu tranh để giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Yêu nước là không có tội…”

Như chuẩn bị sẵn, tiếng nói chưa dứt thì hai tên cảnh sát nắm cánh tay bị can đẩy vào cửa phòng bên trái. Tức lý, nhưng nói với ai, tưởng phiên tòa đã dứt mọi người ùn ùn kéo ra về.

Sau lưng nghe loa phóng thanh phát Chánh án Nguyễn Vạng Thọ công bố bản án, một công thức mà lâu nay dân đã biết trò hề sắp đặt sẵn.

Phiên tòa xử tử hình không lâu, mà cái lâu là dư luận kéo dài của quần chúng lấy báo chí làm cơ sở phẩm bình.

Hình ảnh người chiến sĩ cách mạng Hồ Minh Mẫn trước phiên tòa đại hình- hiên ngang, tiếng nói dõng dạc, ý chí bất khuất đã in sâu vào lòng người.

Câu nói: “Tôi không có tội nổi loạn và tòng phạm phản nghịch. Tôi là người yêu nước…”. Tiếng nói ngắn gọn vừa mang ý chí khát khao độc lập tự do cũng như mơ ước của hàng triệu đồng bào miền Nam đã hòa quyện thấm sâu vào máu thịt.

Thực tế tình hình trước phong trào đấu tranh và lên án Luật 10/59 giết người man rợ, từ sau cuộc xử án tại Vĩnh Long, bọn Mỹ Diệm xem xét kết quả răn đe không ảnh hưởng và trái lại phản tác dụng của một chủ trương hạ sách nên từ đó việc thực thi luật tử hình có mức độ và hạn chế.

Hình tượng người chiến sĩ cách mạng ấy cứ sống mãi trong tôi. Bốn năm sau đó, tôi rời ghế nhà trường, thoát ly gia đình đi kháng chiến địa bàn tỉnh Trà Vinh.

Hình ảnh người chiến sĩ, cũng như lời nói dõng dạc đi suốt theo tôi với những chặng đường gian khổ, có những cuộc chạm trán gay gắt hiểm nguy, những hình ảnh, ý chí bất khuất đó động viên, nhắc nhở chính bản thân mình.

Và trong chiến tranh ác liệt, tôi mơ ước và tin có ngày thắng lợi, nhưng chắc chắn khó có thể gặp lại một hình tượng, một nhân vật mà mình quý mến!

Bỗng mười hai năm sau, những ngày tháng 10/1976, sáp nhập hai tỉnh Vĩnh Long- Trà Vinh thành tỉnh Cửu Long, tôi có dịp gặp lại ông Hồ Minh Mẫn trong một cuộc họp, tôi nhận ra anh với cái bắt tay thật chặt, thật bất ngờ. Đúng là trái đất tròn, cùng chí hướng thì còn gặp nhau!

Từ tỉnh lỵ Vĩnh Long, người mang bản án tử hình ngày nào giờ đây là người chiến thắng. Trải qua thời gian cũng là trải qua nhiệm vụ làm Chánh Văn phòng cấp ủy tỉnh, Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy, rồi Chủ tịch UBND tỉnh Cửu Long và Bí thư Tỉnh ủy Cửu Long.

Người chiến sĩ cách mạng, người mang án tử hình ngày nào để lại dấu ấn trong lòng mỗi người là sự tín nhiệm cao và trách nhiệm nặng nề mà nhân dân giao phó. 

(1) Chỉ bộ phận sinh dục nam.

NGUYỄN CHIẾN THẮNG

Nguyên Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy