Luật Ban hành văn bản QPPL: Công cụ hữu hiệu nhất thực hiện chức năng lập pháp của Quốc hội

Cập nhật, 09:21, Thứ Sáu, 22/11/2019 (GMT+7)

Ngày 21/11/2019, đóng góp trong phiên thảo luận ở hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (QPPL), đại biểu Phạm Tất Thắng- Đoàn Đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh Vĩnh Long- cho rằng, Luật Ban hành văn bản QPPL là công cụ hữu hiệu nhằm nâng cao chất lượng, tính khả thi của các văn bản QPPL, khắc phục cơ bản những bất cập, tồn tại, vướng mắc của luật cũng như việc thực hiện luật thời gian qua.

Đóng góp cụ thể cho dự án luật, đại biểu Phạm Tất Thắng cho rằng, xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa thì việc xây dựng và ban hành văn bản QPPL là một nhiệm vụ quan trọng của cả hệ thống chính trị.

Lập pháp là một trong ba chức năng, thậm chí có thể nói là chức năng quan trọng nhất của Quốc hội. Để thực hiện được tốt nhiệm vụ này, Luật Ban hành văn bản QPPL là công cụ hữu hiệu nhất. Chính luật này sẽ quyết định chất lượng, hiệu quả của luật do Quốc hội xây dựng cũng như các văn bản QPPL khác.   

Đóng góp Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh, đại biểu Phạm Tất Thắng kiến nghị nên thể hiện lại quy định về lập chương trình xây dựng luật, pháp lệnh hàng năm tại luật hiện hành.

Bởi, trước đây, theo Luật Ban hành văn bản QPPL năm 2008, bên cạnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh hàng năm, Quốc hội còn có chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của cả nhiệm kỳ. Đến Luật Ban hành văn bản QPPL năm 2015 đã bỏ quy định về lập chương trình của cả nhiệm kỳ do không khả thi, năm nào cũng phải điều chỉnh vừa chương trình năm, vừa chương trình nhiệm kỳ.

Vì vậy, đến nay chỉ còn Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh hàng năm. Tuy nhiên, qua theo dõi từ khi Luật Ban hành văn bản QPPL năm 2015 đến nay, không thấy có năm nào là không điều chỉnh chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của năm.

Chỉ riêng năm 2019, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã 3 lần phải điều chỉnh chương trình tại phiên họp vào tháng 4, tháng 9 và tháng 10, ngay khi Quốc hội thông qua chương trình của năm tiếp theo cũng đều kèm theo việc điều chỉnh chương trình của năm trước. Như vậy, có thể thấy tính khả thi của chương trình là không cao.

Đề nghị trước mắt vẫn có thể giữ được quy trình lập chương trình xây dựng luật, pháp lệnh như hiện nay theo tinh thần của Luật năm 2015.

Tuy nhiên, cần có sự đổi mới trong cách thực hiện để hạn chế tình trạng lùi, rút, điều chỉnh chương trình như thời gian vừa qua, bằng cách trong hồ sơ dự án luật, pháp lệnh phải có danh mục văn bản quy định chi tiết, kế hoạch cụ thể xây dựng, ban hành văn bản quy định chi tiết, trong đó dự kiến cụ thể thời gian có hiệu lực của từng văn bản.

Trên cơ sở đó, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ xem xét quyết định thời gian có hiệu lực của luật, pháp lệnh, tránh luật, pháp lệnh được ban hành phải chờ văn bản quy định chi tiết, đồng thời nâng cao cả chất lượng dự thảo luật được xây dựng cũng như chất lượng của văn bản hướng dẫn thi hành luật.

Về kỹ thuật văn bản, do đây là đạo luật nền về văn bản QPPL nói chung, cũng là chuẩn mực để các văn bản QPPL khác đối chiếu về kỹ thuật văn bản, đại biểu đề nghị xác định rõ các khoản là sửa đổi hay sửa đổi, bổ sung. Đối chiếu với dự thảo các luật sửa đổi, bổ sung khác trình tại chính kỳ họp này và cả các luật sửa đổi, bổ sung đã được thông qua, đều sử dụng cụm từ “sửa đổi, bổ sung”.

“Sửa đổi” là một quy phạm, một quy phạm là sửa đổi toàn bộ về nội hàm và hình thức thể hiện của quy phạm đó. Còn “sửa đổi, bổ sung” là vừa có sửa đổi với ý trên, vừa bổ sung cả những nội hàm mới. Nhìn vào dự thảo luật thấy nhiều điều quy định phải sửa đổi, bổ sung chứ không thuần túy là sửa đổi. Ví dụ như khoản 5 Điều 1, về bản chất bổ sung thêm Tổng Kiểm toán nhà nước và có thay đổi cả nội hàm quy phạm này, vì vậy, tên của khoản này phải là “sửa đổi, bổ sung”, chứ không phải chỉ là “sửa đổi”.

Tương tự như vậy, ở các khoản khác của luật, đề nghị cơ quan soạn thảo rà soát lại để đảm bảo tính thống nhất trong chính văn bản này và trong hệ thống các văn bản QPPL.

TÂM HUỲNH (ghi)