Vĩnh Long trên đường phát triển trở thành tỉnh khá trong khu vực ĐBSCL

Kỳ cuối: Quyết tâm trở thành tỉnh khá trong khu vực ĐBSCL

Cập nhật, 14:16, Thứ Sáu, 07/12/2018 (GMT+7)

Trong nhiều cuộc hội nghị cũng như họp đóng góp dự thảo báo cáo sơ kết giữa nhiệm kỳ, đồng chí Trần Văn Rón- Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Long- luôn nhấn mạnh: Trong nửa nhiệm kỳ còn lại, phải tập trung ổn định kinh tế, tạo chuyển biến thực chất trong cơ cấu lại nền kinh tế, trọng tâm là cơ cấu lại ngành nông nghiệp, công thương. 

Thúc đẩy tăng trưởng kinh tế gắn với chú trọng cải thiện chất lượng tăng trưởng ngành, lĩnh vực, nâng cao năng suất lao động và sức cạnh tranh của nền kinh tế.

 Đẩy mạnh thực hiện cơ cấu lại nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới, chuyển tư duy từ sản xuất nông nghiệp thuần túy sang phát triển kinh tế nông nghiệp đa dạng, đáp ứng nhu cầu của thị trường. Hoàn thiện các chính sách hỗ trợ, phát huy tiềm năng của địa phương để phát triển công nghiệp phục vụ sản xuất nông nghiệp, xuất khẩu.

Đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, trong đó tập trung hỗ trợ phát triển thương hiệu, nhãn hiệu sản phẩm, tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp xuất khẩu, nông sản. 

Tiếp tục thực hiện các khâu đột phá, đẩy mạnh xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế- xã hội đồng bộ. Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, chú trọng phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao theo định hướng cơ cấu lại nền kinh tế của tỉnh.

Tập trung hỗ trợ phát triển sản xuất, cải thiện đời sống người dân, nâng cao thu nhập bình quân đầu người tại khu vực nông thôn. Đổi mới công tác vận động, huy động nguồn lực từ các thành phần kinh tế và phát huy vai trò chủ thể của người dân trong xây dựng nông thôn mới.

Giao thông nông thôn ngày càng thuận lợi.Ảnh: Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy
Giao thông nông thôn ngày càng thuận lợi.  Ảnh: Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy

Trên lĩnh vực văn hóa- xã hội, với tư duy xem văn hóa vừa là mục tiêu, vừa là động lực của sự phát triển, cần tiếp tục xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước. Phát triển GD-ĐT, dạy nghề, giải quyết việc làm. 

Tiếp tục củng cố và hoàn thiện, đổi mới tổ chức bộ máy, cơ chế hoạt động, cơ chế tài chính, phát triển nguồn nhân lực để nâng cao năng lực cung ứng và chất lượng dịch vụ của mạng lưới y tế cơ sở gắn với quản lý chăm sóc sức khỏe của nhân dân. 

Tiếp tục thực hiện các đề án, chương trình hỗ trợ hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ; hỗ trợ doanh nghiệp phát triển thương hiệu, nhãn hiệu; áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn quốc tế. 

Tăng cường áp dụng các giải pháp nâng cao năng suất lao động, năng lực cạnh tranh trong xu thế cách mạng công nghiệp 4.0. 

Thực hiện tốt chính sách đối với người có công, công tác an sinh xã hội và giảm nghèo bền vững. Tăng cường quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường; chủ động phòng, chống thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu.

Tập trung xây dựng các tiềm lực, nhất là tiềm lực về chính trị- tinh thần, tiềm lực quân sự ngày càng vững chắc. 

Triển khai đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ, giải pháp bảo đảm an ninh chính trị nội bộ, an ninh kinh tế, an ninh văn hóa tư tưởng, an ninh mạng, bảo vệ bí mật nhà nước.

Tham mưu giải quyết kịp thời các vụ tranh chấp, khiếu kiện, đình công, lãng công, nhất là các vụ việc liên quan đến đất đai, tôn giáo, dân tộc không để kẻ địch lợi dụng kích động chống phá; đảm bảo an ninh trật tự, bảo vệ tuyệt đối an toàn các mục tiêu, sự kiện quan trọng của đất nước và của tỉnh.

Thực hiện có hiệu quả và đồng bộ các giải pháp phòng ngừa tham nhũng, lãng phí.

Để nâng cao năng lực lãnh đạo, điều hành thực hiện các nhiệm vụ quan trọng trên, trong thời gian tới, các cấp, các ngành, địa phương sẽ thực hiện kiện toàn, sắp xếp tổ chức bộ máy cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp theo lộ trình phù hợp. Đây là vấn đề khó, liên quan tới con người nên cần thực hiện chắc chắn, đồng bộ và hiệu quả. 

Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện 4 nhóm nhiệm vụ, giải pháp Nghị quyết Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ X về công tác xây dựng Đảng: nâng cao chất lượng công tác chính trị tư tưởng, công tác tổ chức cán bộ, tăng cường công tác kiểm tra giám sát và thi hành kỷ luật trong Đảng, nâng cao chất lượng sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận. 

Thực hiện tốt Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị về “đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” theo chuyên đề hàng năm; chú trọng việc nêu gương của cán bộ, đảng viên theo Quy định 101-QĐ/TW của Ban Bí thư về “trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp”.

Tập trung củng cố nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng, tạo chuyển biến rõ rệt về chất lượng hoạt động của các loại hình tổ chức cơ sở đảng.

Ở góc độ tư tưởng, đồng chí Nguyễn Bách Khoa- Ủy viên Thường vụ, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy- cho rằng: Quan tâm giải quyết kịp thời những vấn đề bức xúc của nhân dân ngay từ cơ sở; phát huy vai trò của nhân dân góp phần đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” của cán bộ, đảng viên.

Chủ động nắm chắc diễn biến tâm tư, tình cảm, nguyện vọng của nhân dân để có định hướng đúng và kịp thời trong việc đổi mới nội dung, phương thức tập hợp, vận động nhân dân. 

Tích cực vận động nhân dân tham gia các cuộc vận động và các phong trào thi đua yêu nước gắn với nhiệm vụ chính trị của địa phương, đơn vị, nhất là tham gia xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, khắc phục tư tưởng trông chờ, ỷ lại; kịp thời sơ kết, tổng kết và nhân rộng các mô hình, điển hình.

Với tinh thần quyết tâm chính trị cao của toàn Đảng bộ, chính quyền, nhân dân, doanh nghiệp trong đổi mới kinh tế, tổ chức lại hệ thống chính trị là động lực to lớn giúp củng cố niềm tin, tư tưởng của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và nhân dân trong tỉnh đối với sự phát triển của đất nước nói chung và tỉnh nhà nói riêng, quyết tâm thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Vĩnh Long lần thứ X.

NGUYỄN VĂN SĂN (Phó Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy)