ĐBQH tán thành quy định Cảnh sát biển là lực lượng vũ trang nhân dân

Cập nhật, 11:07, Thứ Ba, 06/11/2018 (GMT+7)

Quy định “CSBVN là lực lượng vũ trang nhân dân” là kế thừa Pháp lệnh lực lượng CSBVN năm 1998 và năm 2008.

Vị trí, chức năng của cánh sát biển Việt Nam (CSBVN) là nội dung được nhiều đại biểu quan tâm khi thảo luận dự án Luật Cảnh sát biển Việt Nam trong phiên họp chiều nay 5/11.

Theo quy định của dự thảo Luật, cảnh sát biển là lực lượng vũ trang nhân dân thuộc Quân đội nhân dân Việt Nam. 

Tại kỳ họp trước (kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV), một số ý kiến đề nghị quy định CSBVN thuộc Chính phủ, đồng thời cho rằng, quy định “CSBVN là lực lượng vũ trang nhân dân” là chưa thống nhất với Luật Quốc phòng; dễ gây hiểu nhầm CSBVN tương đương Quân đội nhân dân, Công an nhân dân, Dân quân tự vệ; gây nhạy cảm, khi có tranh chấp, xung đột trên biển, rất dễ bị thế lực thù địch lợi dụng. 

Theo giải trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong phiên họp chiều 5/11, quy định “CSBVN là lực lượng vũ trang nhân dân” là kế thừa Pháp lệnh lực lượng CSBVN năm 1998 và năm 2008; thực hiện hơn 20 năm qua không có vướng mắc và đã nhận được sự ủng hộ rộng rãi của cộng đồng quốc tế,

phù hợp với một số quy định của pháp luật; đồng thời làm căn cứ pháp lý để xác định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và là cơ sở xây dựng cơ chế, chính sách, bảo đảm cho hoạt động và tạo điều kiện thuận lợi để CSBVN hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. 

Đại biểu Lê Thị Nguyệt- đoàn Vĩnh Phúc
Đại biểu Lê Thị Nguyệt- đoàn Vĩnh Phúc

Nhất trí với giải trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đại biểu Lê Thị Nguyệt (đoàn Vĩnh Phúc) đề nghị cần xác định rõ địa vị pháp lý của lực lượng cảnh sát biển Việt Nam.

Muốn xác định có phải là lực lượng vũ trang hay không phải căn cứ vào tính chất hoạt động của lực lượng đó.

Với chức năng được giao, là lực lượng chuyên trách của Nhà nước, làm nòng cốt để thực thi pháp luật và bảo vệ an ninh quốc gia trên biển, vùng lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc, đại biểu Nguyệt cho rằng, lực lượng này có chức năng bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn trên biển cũng giống như lực lượng đảm bảo an ninh trật tự, an toàn trên đất liền, nên cảnh sát biển phải thuộc lực lượng vũ trang nhân dân. 

Đại biểu Tô Văn Tám- đoàn Kon Tum
Đại biểu Tô Văn Tám- đoàn Kon Tum

Về quy định xây dựng cảnh sát biển chính quy, tinh nhuệ, hiện đại trong dự thảo Luật, đại biểu Tô Văn Tám (đoàn Kon Tum) cho rằng, xác định như thế là phù hợp bởi lực lượng CSBVN là lực lượng chuyên trách, nòng cốt, bảo vệ an ninh quốc gia trên biển.

Tuy nhiên, quy định như vậy lại không thống nhất với quan điểm của Đảng, Hiến pháp của Nhà nước và Luật an ninh quốc gia là "xây dựng lực lượng vũ trang chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại”.

“Nếu phải ưu tiên xây dựng một lực lượng đi thẳng lên hiện đại thì theo tôi hải quân và không quân là hai lực lượng được ưu tiên trước- đây là hai lực lượng mạnh để bảo vệ chủ quyền quốc gia” - đại biểu Tô Văn Tám đề nghị.  

Đại biểu Lê Xuân Thân - Khánh Hòa
Đại biểu Lê Xuân Thân - Khánh Hòa

Về trách nhiệm quản lý nhà nước đối với CSBVN,  dự thảo Luật quy định: Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước đối với CSBVN, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý Nhà nước đối với CSBVN.

Đại biểu Lê Xuân Thân (đoàn Khánh Hòa) đề nghị bổ sung điều khoản: Tư lệnh cảnh sát biển Việt Nam chịu trách nhiệm trước Bộ trưởng Bộ Quốc phòng về tổ chức, quản lý, chỉ huy, điều hành hoạt động của CSBVN.

Về phạm vi hoạt động của cảnh sát biển Việt Nam, đại biểu Châu Quỳnh Giao (đoàn Kiên Giang) nêu một số băn khoăn. Đại biểu này phân tích: Pháp lệnh 1998 quy định, phạm vi hoạt động của CSBVN là từ lãnh hải trở ra.

Sau 10 năm thực hiện, quy định này không còn phù hợp với thực tế biển Việt Nam nên năm 2008, Pháp lệnh đã sửa đổi và phạm vi hoạt động của CSBVN là trên các vùng biển và thềm lục địa của Việt Nam. Dự thảo Luật lần này cũng quy định, phạm vi hoạt động của CSBVN là trong vùng biển Việt Nam.

Theo đại biểu Quỳnh Giao, trên thực tế, có những vùng biển chưa xác định được là vùng nội thủy, lãnh hải, lại thường xuyên xảy ra các hành vi vi phạm pháp luật, trong khi đó, các lực lượng chức năng hoạt động không hạn chế.

Nếu quy định như hiện nay, có thể chúng ta sẽ bỏ trống vùng biển cần phải được tuần tra, kiểm soát hoặc tạo nên khoảng trống trong quản lý nhà nước về các vùng biển, dễ dẫn đến tình trạng bỏ sót tội phạm.

Cũng theo đại biểu Quỳnh Giao, trên thực tế, lực lượng CSBVN đã nhiều lần tổ chức các cuộc tuần tra, kiểm soát trên các vùng biển Việt Nam, đặc biệt là ở vùng biển Vịnh Bắc Bộ, Vịnh Thái Lan và nhất là vùng biển có nội thủy rộng, từ khu vực Cồn Cỏ cho đến đảo Thổ Chu.

Để tránh sự chồng chéo trong việc thực thi nhiệm vụ trên biển, đại biểu này cho rằng, Luật cần quy định rõ về chức năng, nhiệm vụ và việc phối hợp với các lực lượng khác trên biển như lực lượng Biên phòng. /.

Theo VOV