Việt Nam coi trọng quan hệ với đối tác chiến lược Indonesia

Cập nhật, 17:51, Thứ Ba, 09/10/2018 (GMT+7)

 

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hội kiến Tổng thống Indonesia Joko Widodo. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN)
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hội kiến Tổng thống Indonesia Joko Widodo. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN)

 

Nhận lời mời của Tổng thống Indonesia Joko Widodo, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc sẽ dẫn đầu Đoàn cấp cao Việt Nam tham dự Cuộc gặp các nhà Lãnh đạo ASEAN nhân dịp Hội nghị thường niên Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF)-Ngân hàng Thế giới (WB) tại thành phố Bali, Indonesia và thăm làm việc tại Indonesia từ ngày 11-12 tháng 10 năm 2018.

Tăng cường vai trò trung tâm của ASEAN

Ngày 11/10/2018, Cuộc gặp các Lãnh đạo ASEAN nhân dịp Hội nghị thường niên Ban Thống đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB) sẽ diễn ra tại Bali, Indonesia. 

Cuộc gặp diễn ra trong bối cảnh kinh tế thế giới đã bước vào giai đoạn tăng trưởng cao hơn nhưng cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro, Cách mạng công nghiệp lần thứ tư diễn ra mạnh mẽ, tác động sâu rộng đến mọi mặt. 

Trong bối cảnh đó, việc triển khai các thỏa thuận toàn cầu về các vấn đề phát triển như: các Mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc (SDG) 2030, Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu… đòi hỏi đẩy mạnh hợp tác quốc tế thông qua các thể chế đa phương một cách hiệu quả, thực chất.

ASEAN đang tập trung triển khai thực hiện các Kế hoạch hành động Tầm nhìn ASEAN 2025; giữ vững đoàn kết, phát huy vai trò trung tâm ở khu vực, đẩy mạnh quan hệ đối ngoại, củng cố bộ máy, nâng cao hiệu quả hoạt động và mức độ thực thi cam kết.

Với chủ đề “Tranh thủ sự đột phá của công nghệ để định hình các nền kinh tế bao trùm của tương lai,” Hội nghị thường niên Ban Thống đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế và Ngân hàng Thế giới năm 2018 sẽ thảo luận các định hướng chính sách, biện pháp tranh thủ sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ để phục vụ phát triển bền vững, bao trùm. 

Dự kiến, sẽ có khoảng 3.000 đại biểu từ các nước trên thế giới tham gia gồm Bộ trưởng Tài chính, Thống đốc Ngân hàng Trung ương các nước, các doanh nghiệp và tổ chức xã hội... 

Cuộc gặp các Lãnh đạo ASEAN có chủ đề: “Thực hiện mục tiêu phát triển bền vững và thu hẹp khoảng cách phát triển thông qua các hành động phối hợp cấp khu vực và toàn cầu” nhằm, trao đổi ý tưởng, định hướng, biện pháp tăng cường hợp tác, phối hợp giữa ASEAN và Liên hợp quốc, Quỹ Tiền tệ Quốc tế, Ngân hàng Thế giới trong nỗ lực giảm nghèo, thu hẹp khoảng cách phát triển, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, hội nhập khu vực. 

Đồng thời, cuộc gặp bàn phương hướng, biện pháp triển khai Tầm nhìn ASEAN 2025 trong mối quan hệ tương hỗ với các Mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc 2030; tăng cường vai trò trung tâm của ASEAN. 

Chương trình nghị sự của cuộc gặp, dự kiến tập trung vào các nội dung: Thảo luận tình hình và triển vọng kinh tế ASEAN và các thách thức đặt ra trong bối cảnh kinh tế khu vực và toàn cầu hiện nay; cập nhật kết quả, kinh nghiệm quốc gia về phát triển kinh tế-xã hội, thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững, thu hẹp khoảng cách phát triển; gợi ý định hướng, giải pháp cho ASEAN trong các vấn đề kinh tế, phát triển, thực hiện SDGs; trao đổi quan điểm về các vấn đề quốc tế, khu vực cùng quan tâm.

Là một thành viên chủ động, tích cực và có trách nhiệm của ASEAN, phát huy thành công của WEF-ASEAN 2018, Đoàn Việt Nam tích cực tham gia các nội dung thảo luận của cuộc gặp, phối hợp cùng các nước thành viên ASEAN tích cực thúc đẩy quan hệ giữa ASEAN nói chung và Việt Nam nói riêng với Quỹ Tiền tệ Quốc tế, Ngân hàng Thế giới và Liên hợp quốc; tạo động lực thúc đẩy tiến trình xây dựng Cộng đồng ASEAN trên cơ sở tăng cường tính tương hỗ với Chương trình nghị sự 2030 về các Mục tiêu phát triển bền vững, thu hẹp khoảng cách phát triển, tăng cường kết nối trong ASEAN, giữ vững ổn định tài chính, thúc đẩy phát triển kinh tế, hội nhập khu vực. 

Việt Nam-Indonesia quan hệ ngày càng toàn diện, thực chất 

Ngày 30/12/1955, Việt Nam-Indonesia thiết lập quan hệ ngoại giao. Năm 2013, quan hệ Đối tác Chiến lược Việt Nam-Indonesia được thiết lập, không ngừng được củng cố, vun đắp và tiếp tục có bước tiến tích cực. 

Những năm qua, mối quan hệ hữu nghị truyền thống Việt Nam-Indonesia được xây dựng trên nền tảng vững chắc do Chủ tịch Hồ Chí Minh và Tổng thống Sukarno gây dựng, được các thế hệ lãnh đạo, nhân dân hai nước dày công vun đắp, xây dựng, phát triển. 

Từ năm 1990 đến nay, hai bên tổ chức nhiều chuyến thăm lẫn nhau giữa các Đoàn đại biểu cấp cao Nhà nước, Chính phủ, Quốc hội, trao đổi các đoàn cấp bộ, ngành, doanh nghiệp, đoàn thể quần chúng, hoạt động giao lưu văn hóa. 

Quan hệ hai nước bước vào giai đoạn mới với chuyến thăm có ý nghĩa lịch sử của Tổng thống Suharto (tháng 11/1990). 

Đây là chuyến thăm đầu tiên của một Tổng thống Indonesia trong 33 năm và cũng là chuyến thăm Việt Nam đầu tiên của một nguyên thủ quốc gia ở Đông Nam Á và Nam Thái Bình Dương kể từ năm 1975 (trừ Lào và Campuchia). 

Tháng 6/2003, nhân chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Indonesia Megawati, hai nước đã ký “Tuyên bố chung về khuôn khổ hợp tác hữu nghị và toàn diện bước vào thế kỷ 21” và “Hiệp định Phân định ranh giới thềm lục địa.” 

Tháng 9/2011, nhân chuyến thăm chính thức Indonesia của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, hai bên ra Thông cáo chung, Tuyên bố “thúc đẩy quan hệ hướng tới đối tác chiến lược.” 

Tháng 6/2013, nhân chuyến thăm cấp Nhà nước Indonesia của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, hai bên ra Tuyên bố chung chính thức thiết lập quan hệ Đối tác Chiến lược. 

Tháng 8/2017, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thăm chính thức Indonesia. Đây là chuyến thăm đầu tiên của Tổng Bí thư Đảng ta đến Indonesia, mở ra một trang sử mới trong quan hệ giữa hai nước.

Hai nước đã ký nhiều hiệp định và thỏa thuận hợp tác trong các lĩnh vực, trong đó có Chương trình Hành động triển khai quan hệ Đối tác Chiến lược giai đoạn 2019-2023 (tháng 9/2018). 

Một số địa phương hai nước đã và đang tăng cường quan hệ hợp tác, điển hình là quan hệ đối tác giữa tỉnh Kiên Giang và tỉnh Tây Kalimantan; tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu và thành phố Padang; thành phố Đà Nẵng và thành phố Somarang; Thủ đô Jakarta-Hà Nội; Huế-Yogyakarta, Sóc Trăng-Lampang.

Kim ngạch trao đổi hàng hóa hai chiều tăng từ 4,6 tỷ USD trong năm 2012 lên 5,6 tỷ USD trong năm 2016, đạt trên 6,5 tỷ USD trong năm 2017 và 8 tháng đầu năm 2018 đạt 5,3 tỷ USD; phấn đấu đạt mốc 10 tỷ USD trong thời gian tới. 

Các mặt hàng Việt Nam xuất khẩu sang Indonesia chủ yếu gồm gạo, dầu thô, ximăng, linh kiện điện tử, hàng nông sản. Việt Nam nhập khẩu từ Indonesia các mặt hàng phân bón, xăng dầu, bao bì, thiết bị máy móc, vải sợi, giấy và bánh kẹo. 

Tháng 6/1989, hai nước chính thức mở đường hàng không Việt Nam-Indonesia. Nhiều tập đoàn lớn của Indonesia đã vào Việt Nam để tìm kiếm cơ hội đầu tư. 

Tính đến tháng 6/2018, Indonesia tiếp tục đứng thứ 5 trong ASEAN và thứ 30/126 quốc gia, vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam với 71 dự án trị giá 514 triệu USD, tập trung vào các lĩnh vực thăm dò và khai thác dầu khí, khai thác than, ngân hàng, khách sạn, chế biến xuất khẩu gỗ, sản xuất sợi và may mặc. 

Một số dự án đầu tư lớn gồm Khu đô thị Nam Thăng Long-Ciputra (2,1 tỷ USD), Liên doanh khách sạn Horizon-Pullman Hà Nội (66 triệu USD). 

Hiện Việt Nam có 13 dự án đầu tư sang Indonesia với số vốn 54,7 triệu USD trong các lĩnh vực dầu khí và khai khoáng.

Indonesia là một trong những nước trong khu vực có quan hệ sớm nhất về an ninh-quốc phòng với Việt Nam. 

Năm 1964, Indonesia đặt phòng Tùy viên Quân sự ở Hà Nộị. Năm 1985, Việt Nam đặt phòng Tùy viên Quân sự tại Jakarta. 

Hai bên trao đổi nhiều đoàn cấp Bộ trưởng và tướng lĩnh cao cấp Bộ Quốc phòng, Công an, triển khai hợp tác trên một số lĩnh vực như đào tạo sỹ quan, triển khai các hoạt động chung về tìm kiếm cứu nạn…

Hai bên đang nỗ lực mở rộng hợp tác, trao đổi đoàn học tập kinh nghiệm về hành pháp, lập pháp, tư pháp ở cả trung ương, địa phương và đoàn thể quần chúng. Bên cạnh đó các hoạt động giao lưu văn hoá, thể thao tiếp tục được quan tâm thúc đẩy. 

Hàng năm, Indonesia cung cấp cho Việt Nam một số học bổng ngắn hạn, trung hạn và dài hạn trên các lĩnh vực giáo dục, văn hóa, ngôn ngữ... Hai nước đã ký Biên bản ghi nhớ về Hợp tác nghề cá và các vấn đề biển, về hợp tác nông nghiệp, tài chính, năng lượng…

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc sẽ dẫn đầu Đoàn cấp cao Việt Nam tham dự Cuộc gặp các nhà Lãnh đạo ASEAN nhân dịp Hội nghị thường niên Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF)-Ngân hàng Thế giới (WB) tại thành phố Bali, Indonesia và thăm làm việc Indonesia lần này khẳng định, đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa dạng hóa, đa phương hóa quan hệ quốc tế, trong đó coi trọng quan hệ với các nước ASEAN và quan hệ Đối tác Chiến lược với Indonesia. 

Đồng thời nhấn mạnh những tiến triển tích cực và cơ hội hợp tác giữa hai nước, đặc biệt về thương mại, đầu tư, quốc phòng, an ninh, nông nghiệp, môi trường, biến đổi khí hậu, hợp tác biển… góp phần thúc đẩy quan hệ Đối tác Chiến lược Việt Nam-Indonesia phát triển ngày càng toàn diện và thực chất hơn./.

Theo NGUYỄN HỒNG ĐIỆP (TTXVN/VIETNAM+)